Tìm hiểu tính năng bảo mật trong chiếc điện thoại của Tổng thống Barack Obama
Ngoài chiếc xe “quái vật” có khả năng chống đạn xuyên giáp và áp lực từ bom, Tổng thống Obama còn sở hữu một chiếc điện thoại BlackBerry với tính năng bảo mật rất cao nhằm ngăn chặn sự tấn công, theo dõi từ hacker và các tổ chức khủng bố khắp thế giới.
Sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2009, ông Barack Obama sẽ buộc phải từ bỏ chiếc BlackBerry vì những vấn đề liên quan đến bảo mật.
Được biết, vào năm 2000, ông George W.Bush, người tiền nhiệm của vị Tổng thống này cũng phải từ bỏ chiếc điện thoại BlackBerry của mình sau khi trúng cử. Trước đó 3 ngày, ông Bush đã gửi e-mail tới 42 người bạn và các thành viên trong gia đình để thông báo về việc ông sẽ phải từ bỏ chiếc điện thoại này và các dịch vụ email bên ngoài.
Tuy nhiên, lần này ông Obama nhất định muốn giữ lại chiếc smartphone yêu thích của mình. Do vậy Mật vụ Mỹ, Nhà Trắng và cơ quan an ninh quốc gia (NSA) buộc phải tìm ra biện pháp.
Một giải pháp đã nhanh chóng được đưa ra, theo đó chiếc BlackBerry của ông Obama sẽ được cài thêm một phần mềm bảo mật có tên SecurVoice giúp mã hóa cuộc gọi, tin nhắn và email do công ty Genesis Key Inc phối hợp với các kỹ sư của BlackBerry chế tạo.
Với SecurVoice, mỗi chiếc điện thoại sẽ được trang bị 3 tầng bảo mật, mỗi tầng được truy cập bằng một biểu tượng khác nhau và được nhận biết bởi các loại nhạc chuông khác nhau. Một nhóm nhỏ những người thường xuyên liên lạc với ông cũng được trang bị phần mềm này bởi các biện pháp bảo mật chỉ có tác dụng khi cả 2 bên dùng chung một công cụ mã hóa.
Tổng thống cũng buộc phải từ bỏ địa chỉ email cũ và chuyển sang dùng một email bí mật khác để liên lạc với gia đình và các thành viên trong Chính Phủ.
Số người có thể nhắn tin và gọi điện cho ông Obama chỉ giới hạn trong khoảng 10 – 12 người, bao gồm: Phó tổng thống Biden, thư ký phụ trách quan hệ báo chí, cố vấn cấp cao, phu nhân Michelle Obama và một vài thành viên khác trong gia đình.
Có nguồn tin cho rằng, ông Obama phải đợi khoảng 50 phút để trả lời một email do hệ thống phải tiến hành quét thông tin nhằm phòng chống virus hoặc trojan.
Theo các chuyên gia, biện pháp bảo vệ bằng phần mềm vẫn là chưa đủ bởi mối nguy hiểm vẫn có thể đến từ phần cứng và việc hack một chiếc điện thoại không phải là quá khó khăn. Trên thực tế, đã có vài hacker thử làm điều này.
Để giảm thiểu việc rò rỉ thông tin, điện thoại của ông Obama đã được cài đặt để không thể chuyển tiếp email. Ông cũng không thể nhận được các file đính kèm. Địa chỉ email cũng được thay đổi thường xuyên.
Giống như những chiếc smartphone khác, vị trí của vị Tổng thống có thể bị phát hiện bởi mỗi chiếc điện thoại đều liên tục chuyển số IMEI của nó đến cột phát sóng gần nhất và nó có thể bị thu lại bằng nhiều thiết bị khác nhau.
Để ngăn chặn điều này, chiếc BlackBerry của ông Obama chỉ có thể kết nối với một trạm thu và một trạm phát sóng duy nhất do Washington điều khiển. Điều này đồng nghĩa với việc nhân viên Nhà Trắng sẽ phải mang theo trạm thu phát sóng này đến bất cứ nơi nào Tổng thống có mặt. Được biết, bên trong chiếc limousine của Obam cũng có một trạm phát sóng như vậy.
Sau khi NSA thực hiện đầy đủ các công đoạn thử nghiệm và đảm bảo phần mềm này đạt tiêu chuẩn, chiếc BlackBerry bảo mật tốt bậc nhất thế giới này được đưa trở lại cho Tổng thống vào tháng 5/ 2009.
Theo Zing News