Tiết Tiểu Tuyết: Bí quyết bồi bổ tránh bệnh tật quấn thân
Dân gian có câu: “Mùa Đông bồi bổ, mùa xuân hạ hổ“, từ đó có thể thấy tầm quan trọng của việc bồi bổ vào mùa này, đặc biệt vào tiết tiểu tuyết càng không thể bỏ qua. Tuy nhiên, nếu không biết ăn uống thích hợp thì có thể dẫn đến bệnh tật, thậm chí gây già sớm.
Tiểu tuyết là tiết thứ 20 trong 24 tiết khí, có nghĩa là tuyết xuất hiện, thường bắt đầu vào ngày 22 hay 23 tháng 11 khi kết thúc tiết lập Đông, và chấm dứt vào khoảng ngày 7 hay 8 tháng 12 khi tiết đại tuyết bắt đầu. Tiết tiểu tuyết và đại tuyết đều phản ánh tình trạng mưa tuyết. Tiết tiểu tuyết năm 2017 bắt đầu vào ngày 22 tháng 11.
>>> Tiết lập Đông: Dưỡng sinh nên thuận theo tự nhiên, tùy thời điều chỉnh
Trong cuốn sách cổ “Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải” nói về tiết tiểu tuyết như sau: “Thập nguyệt trung, vũ hạ nhi vi hàn khí sở bạc, cố ngưng nhi vi tuyết. Tiểu giả vị thịnh chi từ“. Tức là vào tháng 10, trời mưa kết hợp không khí lạnh đông lại thành tuyết, từ “tiểu” có ý là tuyết chưa rơi nhiều.
Dưỡng sinh
Tiểu tuyết là thời gian hoạt động khá mạnh của khối không khí lạnh và không khí lạnh cường độ mạnh. Khi không khí lạnh tràn về, thời tiết dần trở lạnh. Nếu không khí lạnh cường độ mạnh, mà luồng khí nóng cũng hoạt động mạnh thì có khả năng tuyết rơi. Vì độ ẩm là một trong những điều kiện quan trọng để hình thành tuyết, mà thời tiết nóng lên sẽ khiến khí hậu tại khu vực ẩm hơn, lượng ẩm tăng cao vào mùa Hè khi gặp khí lạnh của mùa Đông sẽ kéo theo đó những đợt tuyết rơi.
Với việc làm nông, khi tiết tiểu tuyết đến, những địa phương đang trồng hoa màu trên ruộng cần chú ý việc chống rét cho cây trồng. Đối với con người, khối không khí lạnh khiến nhiệt độ hạ xuống có thể dễ dàng ảnh hưởng đến cơ thể, người thể yếu phải đặc biệt chú ý giữ ấm.
Về phương diện dưỡng sinh, vào tiết này không thể bỏ qua việc bồi bổ bằng ẩm thực. Danh y nổi tiếng Tôn Tư Mạc viết trong “Thực trì thiên” của bộ sách “Thiên Kim Yếu Phương” rằng: “Món ăn có thể trừ tà mà an tạng phủ, vui thần, sảng chí, dùng tư khí huyết“.
Ăn uống hợp lý có thể giúp thân thể mạnh khỏe, ích thọ, diên niên, mà ăn uống không thích hợp sẽ dẫn đến bệnh tật và là một trong những nguyên nhân gây già sớm.
“Mùa Đông ăn củ cải, mùa Hè ăn gừng, không cần bác sĩ kê đơn thuốc“. Thật vậy, củ cải có tác dụng hành khí rất mạnh, khỏi ho tiêu đàm, trừ táo sinh tân, thanh lương giải độc. Mùa Đông cũng là thời điểm rất tốt để ăn củ sen, dinh dưỡng học hiện đại cho rằng thực phẩm này chứa hàm lượng sắt tương đối cao, giàu chất xơ và cũng chứa hàm lượng vitamin C cao, do đó thích hợp đưa vào chế độ ăn của những người thể hư hay mắc các loại bệnh tiểu đường…
Để ngăn ngừa máu cô đặc, vào tiết tiểu tuyết có thể ăn một số thực phẩm bảo vệ tim mạch, ngăn bệnh mạch máu não như sơn tra, mộc nhĩ đen, cà chua, cần tây… Đây cũng là thời điểm thích hợp ăn một số thực phẩm giúp giảm mỡ máu như khổ qua, ngô, tam giác mạch, cà rốt… Đồng thời cũng nên ăn những món có tính ôn bổ (làm ấm và bồi bổ, để chữa những bệnh suy nhược do hư hàn) và thực phẩm ích thận, như hạt điều, khiếm thực, khoai từ, hạt dẻ, bạch quả (chú ý số lượng vừa phải), hạt óc chó, mè đen, đậu đen…
Trong các phương pháp nấu ăn thì hầm có thể giữ lại nhiều dinh dưỡng trong thực phẩm nhất. Thực tế món ăn thích hợp dùng nhiều là cháo nóng, như cháo lúa mì có tác dụng dưỡng tâm, trừ phiền não, hay cháo mè ích tinh dưỡng âm, cháo củ cải tiêu thực tiêu đàm, cháo hạt óc chó dưỡng âm cố tinh, cháo phục linh kiện tỳ dưỡng vị, cháo táo tàu ích khí dưỡng âm…
Mùa Đông dương khí suy, âm khí thịnh, vạn vật có xu hướng dừng hoạt động, vì vậy nên nghỉ ngơi dưỡng sức để chuẩn bị đón mùa Xuân năm tới. Vào tiết tiểu tuyết nên ngủ sớm dậy muộn để cơ thể thuận theo tự nhiên, mặt trời mọc mới làm việc, mặt trời lặn dừng lại, như vậy giấc ngủ mới đầy đủ.
Lúc ra ngoài, người thể yếu tốt nhất mặc áo cao cổ mà lại che kín eo. Chú ý giữ ấm chân, hàng ngày ngâm chân nước ấm, mát-xa và bấm huyện hai chân để thúc đẩy tuần hoàn máu. Mỗi ngày nên đi bộ hơn 30 phút nhưng phải chuẩn bị tốt các phương pháp giữ ấm, phòng ngừa cảm mạo.
Đông y vô cùng xem trọng tác dụng của ánh nắng Mặt Trời đối với sức khỏe con người, cho rằng thường xuyên phơi nắng có thể giúp dương khí trong cơ thể thịnh hơn, đặc biệt là vào mùa Đông, vì lúc này giới tự nhiên rơi vào trạng thái “âm thịnh dương suy”, mà con người thuận theo tự nhiên nên cũng không ngoại lệ. Do đó thường xuyên phơi nắng vào mùa Đông, chú ý giữ ấm phần lưng, có thể giúp dương khí trong cơ thể mạnh hơn, có tác dụng ôn thông kinh mạch.
Thông thường khi trời lạnh mọi người sẽ đóng kín cửa, nhưng điều này không tốt. Bởi mùa Đông, mức độ ô nhiễm không khí trong phòng cao hơn bên ngoài khoảng 10 lần. Do đó cần thường xuyên mở cửa ban ngày để giúp lưu thông không khí.
Vào tiết tiểu tuyết, thời tiết thường xuyên âm u lạnh giá, tâm tình mọi người cũng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt dễ dẫn đến chứng u uất. Để điều tiết tâm tình bản thân, duy trì sự lạc quan, hạn chế vui vẻ kiềm chế nóng giận, bạn nên tích cực tham gia một số hoạt động ngoài trời nhằm tăng cường thể chất, thường xuyên phơi nắng, nghe nhạc để giai điệu tuyệt diệu kia tăng thêm niềm vui trong cuộc sống. Danh y nhà Thanh Ngô Thượng từng nói: “Bệnh thất tình (gồm 7 trạng thái tình cảm là hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục), xem hoa giải buồn, nghe hát tiêu sầu, hiệu quả hơn cả uống thuốc“.
Người xưa có câu: “Người yên tĩnh sống thọ, kẻ nóng nảy chết sớm“. Tinh thần an hòa, tuân thủ nghiên ngặt hư vô, tâm thần yên tĩnh, tình chí thông suốt, khiến tinh, khí, thần giữ lại bên trong mà không tán mất, bảo trì trạng thái thân thể hình thần hợp nhất, có thể nâng cao sức khỏe bản thân.
Những thực phẩm giúp cải thiện tâm trạng
Quả chuối: Nếu hàm lượng serotonin trong cơ thể giảm bớt thì sẽ xuất hiện triệu chứng mất ngủ, cáu gắt, bi quan… Trong chuối chứa tryptopan mà cơ thể chuyển đổi thành serotonin, hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh, là một loại hóa chất giúp truyền tín hiệu giữa các khu vực của não, thúc đẩy tâm trạng con người trở nên an tĩnh, vui sướng. Vì vậy, ngoài những người tỳ vị hư hàn, mọi người nên thêm chuối vào thực đơn ăn uống hàng ngày.
Rau chân vịt (cải bó xôi): Trong trạng thái tự nhiên, vitamin B9 được gọi là folat, axit folic là cái tên được sử dụng khi loại dưỡng chất này do con người tạo ra. Một nghiên cứu phát hiện việc hấp thu không đủ axit folic có thể gây mất ngủ, hay quên, lo âu và các triệu chứng u uất. Rau chân vịt chứa hàm lượng axit folic rất cao, do đó vào mùa Đông nên ăn loại rau này.
Ngoài ra, măng tây, quả kiwi, con hàu, quả quýt, đậu hà lan, đậu nành cùng các loại rau xanh sẫm màu cũng đều chứa axit folic, có thể giúp chúng ta chống lại chứng u uất.
Tú Văn