Thượng tọa Thích Đức Thiện lên tiếng về thử nghiệm ‘cúng dường online’ gây tranh cãi
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện chiều 23/2 đã có giải thích về chủ trương cúng dường, công đức qua ví điện tử MoMo vừa được áp dụng trong dịp Tết Tân Sửu 2021.
Theo Zing, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, trước mắt, vì xuất hiện dịch bệnh nên giáo hội đã nảy ra ý tưởng “cúng dường online”, dùng ví điện tử MoMo để các Phật tử có thể dễ dàng cúng dường, thỏa mãn việc làm công đức, tránh tập trung đông người.
Giáo hội dự kiến sẽ thử nghiệm việc này trong 3 tháng xuân Tân Sửu rồi sau đó sẽ họp đánh giá hiệu quả, hệ quả, và các vấn đề phát sinh. Đến nay đã có 12 chùa được áp dụng thử nghiệm ‘cúng dường online’ qua ví điện tử như vậy.
Giáo hội cho rằng, lợi ích của việc này là để tránh tập trung đông người, đồng thời làm rõ ràng, minh bạch tiền công đức. Trong chùa các thầy trẻ đều rất ủng hộ ý tưởng này.
Ngoài ra, đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn cho biết việc thông qua ứng dụng điện tử như vậy cũng là cách thức để chùa ngăn chặn hình thức giả mạo từ một số người lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, tạo ra các trang cúng dường online “không chính chủ”.
Cụ thể, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết: “Nó phải qua trung gian. Đơn vị cung cấp ví điện tử sẽ xác nhận và là bộ lọc giả mạo. Giáo hội nếu triển khai thì sẽ ký kết với đơn vị cung cấp ứng dụng đó. Có một tài khoản đúng của chùa và chặn các tài khoản khác. Thành thử việc giả mạo sẽ khó xảy ra”, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định.
Cũng theo đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì thời gian tới đây, giáo hội sẽ có văn bản thông báo cho các Ban Trị sự và chỉ định một ngân hàng duy nhất để cúng dường online.
Chưa kể là trước đây còn có cả hình thức đi chùa online hay gần đây một số ngôi chùa còn lập một bảng hiệu in mã QR để người dân đến chùa muốn làm công đức thì chỉ cần dùng điện thoại quét là xong.
Tuy nhiên việc làm này cũng gây ra không ít ý kiến không đồng tình từ dư luận, nhiều người cho rằng, đây là một việc làm mang nặng tính hình thức, làm mất đi sự trang nghiêm và ý nghĩa trong việc thờ kính Phật.
Bà Thanh Ngân (quận Bình Thạnh, TP.HCM) – một Phật tử lâu năm trả lời với phóng viên báo Tiền Phong rằng:
“Tôi không thích kiểu này. Đi chùa ngoài đời thật còn chưa hẳn là tốt huống gì đi chùa trên mạng, chỉ nặng về hình thức thôi.
Phật giáo là để khơi nguồn tỉnh thức, mở mang trí tuệ để tìm hiểu đúng bản chất mọi sự thật, để học hỏi và thực hành cách ứng xử với phiền não, thoát khổ chứ không phải là để cầu xin, tín ngưỡng.
Sa đà vào các hoạt động này sẽ gây ảo giác và ảo tưởng, lạc lối, không có lợi ích thật sự. Ngày nay, Phật giáo bị hiểu sai, bị vu hàm bao điều không hề mang tính chất Phật giáo là vì từ những điều nhỏ nhặt như thế”.
Vũ Tuấn (t/h)