Thực trạng đánh chết trộm chó ở Việt Nam dưới góc nhìn người nước ngoài
Điều luôn khiến Calvin trăn trở rằng: Nếu người Việt coi chó là một phần của gia đình và rất tức giận khi chó bị trộm, tại sao họ lại ăn thịt chó?
Trang blog Roads & Kingdoms mới đây đăng tải một bài viết về thói quen ăn thịt chó và hiện tượng nhiều người dân đánh trộm chó đến chết ở Việt Nam. Tác giả Calvin Godfrey đến Việt Nam làm việc vào năm 2010, cho thấy một góc nhìn từ phương Tây.
“Chó là một phần của gia đình”
Sau khi đến Việt Nam một tháng, Calvin biết tới câu chuyện về vụ đánh chết trộm chó tại xã Hưng Đông, thành phố Vinh, Nghệ An. Nạn nhân là Nguyễn Đình Phong, 27 tuổi, bị đánh và đốt xác do trộm chó.
Cái chết của Phong đã thực sự khiến Calvin suy ngẫm về cuộc sống, công lý và việc ăn thịt chó tại Việt Nam. Ông đã đọc được hơn 30 bài viết bằng tiếng Anh về những cái chết liên quan đến trộm chó. Rất ít người ông gặp cảm thấy phiền về vấn đề này. Tất cả nhân chứng hoặc người tham gia đều nói với phóng viên “Chó là một phần của gia đình”.
Lời biện hộ “Chó là một phần của gia đình” không giải thích được việc một cộng đồng hiền lành cướp mất sinh mạng của Phong bằng nông cụ và lửa đốt. Nó không giải thích được việc người dân ở làng khác tràn ra phố để ngăn không cho xe cứu thương cứu một người trộm chó. Những băn khoăn như vậy luôn khiến Calvin trăn trở. “Nếu người Việt coi chó là một phần của gia đình và rất tức giận khi chó bị trộm, thì tại sao họ lại ăn thịt chó?”, ông viết.
Calvin nói chuyện với một thanh tra ở thành phố và được biết: một phần thịt chó được phục vụ ở nhà hàng là thịt chó ăn cắp. Phần còn lại được nuôi bởi những gia đình nghèo.
Ông thanh tra nói ông hầu như không bao giờ ăn thịt chó. Một chủ quán cà phê cũng nói với Calvin rằng ông đã từ bỏ thịt chó vì cảm thấy tồi tệ, một sự tận hưởng tội lỗi.
Calvin đặt ra câu hỏi: “Có bao nhiêu người thực sự không thích ăn thịt chó?”.
Năm 2013, một giáo sư ở Stanford tên là Joel Brinkley đã nói rằng, ăn thịt chó là “những thứ kinh khủng nhất mà tôi từng thấy”, Calvin trích dẫn.
Chết oan cũng không thể kiện
Tác giả đến gặp gia đình của một những bị đánh chết vì bị cho là trộm chó. Chính Calvin cũng cảm thấy bàng hoàng về những cái chết do bị đánh “hội đồng”. Không kiện cáo, không ai biết hung thủ là ai.
Người bố của một chàng trai 21 tuổi tên H., khẳng định rằng con trai ông không phải là trộm chó. H. đã bị đánh chết khi giúp đỡ bạn mình chạy thoát khỏi dân làng đuổi theo tên trộm.
Bố của H. tin rằng những tên trộm đã thực sự trốn thoát. Ông tin rằng H. chỉ là một đứa trẻ muốn giúp bạn mình. Điều đáng sợ là, người ta không thể điều tra được vụ án.
“Gia đình chúng tôi không kiện được vì chúng tôi không biết ai giết H. Quá nhiều người, có lẽ có đến 1.000 người cùng đánh nó”, Calvin trích dẫn lời nói của người cha đến giờ vẫn chưa biết ai giết con mình.
Mẹ H. cũng cho biết một lý do về việc không kiện tụng: “Chúng tôi không có tiền”.
Đổi mạng vì 20 USD
Một chú chó thông thường ở Việt Nam có giá khoảng 20 USD (Tranh: Roads & Kingdoms)
“Ở Việt Nam, người ta phải ăn cắp một cái gì đó có giá trị 90 USD hoặc lớn hơn mới bị bắt. Mà chó thông thường chỉ có giá trị dưới 20 USD”, Calvin viết.
Ông có tìm hiểu thêm và được biết, sau nhiều vụ giết người đẫm máu, một số quan chức ngành tư pháp ở Việt Nam ủng hộ một điều luật coi trộm chó là một việc vi phạm luật pháp, có thể bị phạt quản thúc, không phụ thuộc vào giá trị của con vật.
Calvin Godfrey kết thúc bài viết bằng câu chuyện ông được nghe kể: Một lực lượng mặc thường phục thường xuyên đi truy bắt những người trộm chó ở tỉnh nơi Phong bị đánh chết. Họ đã bắt được nhiều tên trộm và cả những người buôn bán thịt chó. Nhưng vẫn chưa một ai bắt được những kẻ đã giết Phong đêm hôm đó.
Theo Danviet