Thủ khoa trượt công chức vì chất lượng giáo dục đi xuống?
“Tỷ lệ thủ khoa trượt công chức tăng lên theo từng năm. Phải chăng là chất lượng giáo dục, năng lực đào tạo của các trường đại học đang đi xuống? Hay sự bất cập trong quy trình, thủ tục của việc tuyển dụng công chức ngày càng tăng, sự khách quan ngày càng yếu đi?”
Đó là câu hỏi của anh Nguyễn Hùng Cường, Giảng viên Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm CLB thủ khoa Hà Nội (Thủ khoa ĐH Luật Hà Nội 2007) khi nhìn vào con số thống kê sát hạch công chức 3 năm vừa qua.
Anh Nguyễn Hùng Cường Chưa phản ánh đúng năng lực thủ khoa Anh Cường chia sẻ, để trở thành thủ khoa của một trường Đại học, thủ khoa không những phải đạt điểm xuất sắc ở trường mà còn phải được hội đồng tuyển chọn của nhà trường thông qua. Mặc dù còn nhiều yếu tố để thủ khoa có thể trở thành nhân tài nhưng bước đầu họ đã khẳng định được là những người có năng lực. Nhìn lại kỳ thi công chức năm 2014, trong 41 thí sinh tham gia sát hạch, có 10 người bị trượt (6 thí sinh là thủ khoa các trường đại học trong nước và 3 người là thạc sĩ, một cử nhân bằng giỏi, xuất sắc nước ngoài). Tương tự năm 2013, có 43 thí sinh thuộc diện đặc cách, qua sát hạch 9 người không đạt, trong đó có 5 thủ khoa các trường đại học trong nước và 4 thí sinh tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc nước ngoài. Mới đây, Sở Nội vụ TP. Hà Nội công bố kết quả kiểm tra, sát hạch công chức thuộc diện đặc cách xét tuyển năm 2015. Trong đó, có 30/63 thí sinh đã không vượt qua được kỳ kiểm tra, sát hạch. Đáng lưu ý, có 5 người là thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài, số còn lại đều là thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi ở nước ngoài. Đánh giá về kết quả “sát hạch” công chức thuộc diện đặc cách xét tuyển năm 2015, theo anh Cường là “đáng thất vọng”. Anh Cường chia sẻ thêm, kết quả trên xảy ra cũng có thể do thủ khoa, thạc sĩ tốt nghiệp xuất sắc ở nước ngoài nhưng những bằng cấp đó không phản ánh đúng năng lực của họ. Tuy nhiên, với tư cách là chủ nhiệm CLB thủ khoa, anh đánh giá phần lớn thủ khoa đều là những người có năng lực, có trí tuệ, nhiệt huyết được đóng góp, cống hiến cho đất nước. Và đó là lý do vì sao, một số thủ khoa, thạc sĩ xuất sắc ở nước ngoài đã lựa chọn cơ quan nhà nước để thi tuyển chứ không phải các công ty, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, mặc dù, họ đều nhận được lời mời từ các tổ chức này. Một số thủ khoa, thạc sĩ xuất sắc ở nước ngoài đã lựa chọn cơ quan nhà nước để thi tuyển. Ảnh minh họa Thủ khoa xuất sắc phải được tuyển thẳng “Từ năm 2002 đến nay, mỗi năm có khoảng 200 thủ khoa thuộc các trường Đại học ở Hà Nội ra trường. Nhưng chỉ số ít thủ khoa tham gia thi tuyển công chức để vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Điều đó cho thấy, môi trường nhà nước có rất ít yếu tố thu hút người thực sự có năng lực để làm việc”, anh Cường chia sẻ. Anh Cường cho biết thêm, cơ quan nhà nước chưa có nhiều nhân tố để thu hút thủ khoa về làm việc. Môi trường phần lớn có sự kìm kẹp, áp chế, xung đột, chế độ đãi ngộ gần như không tồn tại hoặc ít có cơ hội thăng tiến. Trong khi đó, thủ khoa nói chung là những người có cá tính, có lòng tự trọng cao. Trong quá trình làm việc, nếu bị kìm kẹp, không được tôn trọng và đối xử công bằng, thậm chí bị “cô lập” thì họ sẽ rất dễ cảm thấy chán nản. Kết quả tất yếu là họ sẽ đi ra bên ngoài, nơi năng lực của họ được trân trọng thực sự. Góp ý về quy trình tuyển dụng, anh Cường cho biết, đối với đối tượng là thủ khoa xuất sắc, thạc sĩ giỏi, xuất sắc ở nước ngoài thì phải tuyển thẳng và không được áp dụng “sát hạch”. Nếu áp dụng sẽ trái với Nghị định 24/2010/NĐ-CP – trong Nghị định này chỉ có 2 quy trình tuyển dụng là thi tuyển và xét tuyển mà không có quy trình nào là “sát hạch”. Đối tượng được xét tuyển là thủ khoa đại học trong nước, tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài. Có ý kiến, nếu trong một vị trí đều có 3 thủ khoa ứng tuyển. A Cường đề nghị trường hợp này, cơ quan tuyển dụng trước tiên cần gặp 3 người thủ khoa đó để hỏi ý kiến và nguyện vọng xem có thủ khoa nào muốn thay đổi nguyện vọng sang vị trí khác không. Nếu họ đồng ý chuyển nguyện vọng thì cơ quan tuyển dụng chuyển họ sang vị trí mới. Trong trường hợp cả 3 người đều không muốn chuyển đổi vị trí, và vẫn muốn làm việc tại vị trí đó, trường hợp này cơ quan tuyển dụng sẽ tổ chức thi tuyển đối với cả 3 người đó và chọn người đạt điểm cao nhất. Cơ quan tuyển dụng sau khi đã tuyển dụng thủ khoa, thạc sĩ xuất sắc sẽ ký hợp đồng thử việc 01 năm để họ có cơ hội thể hiện năng lực bản thân. Sau 01 năm, cơ quan tuyển dụng sẽ thành lập hội đồng để đánh giá về kết quả làm việc của thủ khoa và thạc sĩ xuất sắc. Nếu họ không đạt yêu cầu thì lúc đó cơ quan tuyển dụng mới được chấm dứt hợp đồng. Cách làm như vậy, phù hợp với chính sách chung của đất nước, của thủ đô về thu hút nhân tài, thu hút thủ khoa, tạo điều kiện cho thủ khoa và những người có tài cống hiến và thể hiện năng lực bản thân. Đồng thời, phù hợp với luật pháp, thể hiện được sự công khai, minh bạch, rõ ràng cũng như sự hợp lý trong vấn đề tuyển dụng đối với các thủ khoa, thạc sĩ xuất sắc. “Chúng ta cần đội ngũ công chức “vừa hồng, vừa chuyên” có tâm, có tầm để phục vụ và đóng góp tích cực cho quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và khốc liệt. Đi ngược lại với điều này, thủ đô và các cơ quan nhà nước sẽ đánh mất đi “nguồn chất xám”, nguồn nhân lực chất lượng cao”, anh Cường khẳng định. |
Theo Dân Việt