Thông minh không chỉ là… giỏi Toán
Nỗ lực bổ sung cho con đủ mọi dưỡng chất “bổ não”, thế nhưng chị Ngọc Uyên rất thất vọng khi con trai gần vào lớp 1 không thể đếm vanh vách từ 1 đến 100 như cậu bé nhà hàng xóm.
Lo lắng trước những biểu hiện của con, chị Uyên đã đưa bé đến Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 để xin bác sĩ kiểm tra. Sau khi khám, bác sĩ đánh giá cháu bé phát triển hoàn toàn bình thường, đồng thời lưu ý với mẹ rằng cháu sở hữu loại thông minh gọi là thông minh về lĩnh vực tự nhiên. Cụ thể, cháu rất thích thú khi được chơi đùa với các “bạn chó”, “bạn mèo”, thậm chí biết quan sát, nhận ra chính xác chú mèo đang “muốn chơi đùa” hay “khó chịu”.
Điều đáng nói là chị Uyên tỏ ra khá thất vọng. Với chị, chuyện con yêu thích tự nhiên không phải là thông minh. Chị muốn con có thể nhớ nhanh mặt chữ, thuộc làu con số, đếm thật rành rọt.
Bác sĩ Thái Thanh Thủy,Trưởng Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết “những ông bố bà mẹ như câu chuyện của chị Ngọc Uyên không phải là hiếm. Theo các bậc cha mẹ đánh giá một đứa trẻ thông minh sẽ là: tính toán giỏi, học đếm nhanh, hoặc có khả năng nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề logic. Tuy nhiên, cách đánh giá này đã cũ chưa theo kịp với quan điểm của Tâm lý- Giáo dục học hiện đại, cũng như sự phát triển không ngừng của xã hội hiện nay”. Theo học thuyết “Thông minh đa chiều” của Howard Gardner, sau đó được Thomas Armstrong (tác giả cuốn sách Bạn thông minh hơn bạn nghĩ) phổ biến rộng rãi, có đến 8 loại hình thông minh khác nhau, bao gồm: ngôn ngữ, logic toán học, không gian, âm nhạc, khả năng vận động cơ thể, năng lực tương tác, năng lực tự nhận thức bản thân, tự nhiên.
Mỗi đứa trẻ khi sinh ra ngoài việc có đủ 8 loại hình thông minh này, sẽ có thể có được một hoặc một vài loại hình thông minh vượt trội. Vì thế, các bậc cha mẹ cần nắm bắt kịp thời, từ đó hướng cho con phát triển tốt nhất loại hình trí thông minh phù hợp, giúp bé vượt trội và dẫn đầu.
Giúp con phát triển trí thông minh đúng cách
Bác sĩ Thái Thanh Thủy nhấn mạnh: trí thông minh của trẻ bị chi phối bởi 3 yếu tố: Di truyền, dinh dưỡng, giáo dục. Trong đó, bên cạnh yếu tố di truyền không thể thay đổi, cha mẹ vẫn có thể góp phần tác động thêm về mặt dinh dưỡng và giáo dục, để giúp con ngày càng vượt trôi, dẫn đầu về lĩnh vực mà con có khả năng.
Để giúp trẻ phát triển đa chiều, cha mẹ nên bỏ qua định kiến áp đặt con theo hướng mình mong muốn. Thay vào đó, các bậc phụ huynh nên dựa theo khả năng của con, tạo điều kiện cho trẻ có thể phát triển tốt nhất loại hình trí thông minh phù hợp. Bằng cách này, bé sẽ dần tự tin, hiểu rõ bản thân và hạnh phúc hơn khi được tự do làm điều mình thích.
Theo Saga / MASK Online