Thỏa thuận Minsk 2.0: Chìa khóa để Ukraine ‘lật ngược ván cờ’ với Nga?
Theo CNN, dù thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2.0 có lợi nhiều cho Nga, nhưng so với chiến tranh, nó tốt hơn rất nhiều. Hơn nữa, Ukraine có thể biến đây thành cơ hội để “lật ngược ván cờ” với Moscow.
Mặc dù thỏa thuận hòa bình Minsk 2.0 rất mong manh nhưng Ukraine và phương Tây vẫn đang hết sức quan tâm đến việc giữ gìn thỏa thuận này bởi hy vọng lớn nhất của Ukraine là giảm căng thẳng ở miền Đông Ukraine để có thời gian tiến hành những cải cách cần thiết. Chừng nào cuộc xung đột tại đây còn tiếp tục, chừng đó chính phủ mới của Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko sẽ khó tập trung vào cải cách. Chuyên gia chính trị Ulrich Speck thuộc viện chính sách Carnegie Europe tại Brussels, Bỉ nhận định, trong thực tế, có thể biến Minsk II theo hướng đem lại nhiều lợi thế cho Ukraine, giúp nước này tập trung được vào đổi mới cả về chính trị và kinh tế. Một đất nước Ukraine mạnh mẽ hơn, năng động hơn, ít tham nhũng hơn và có khả năng cung cấp cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn, sẽ có nhiều khả năng hơn trong việc đối đầu với Nga.
Mặc dù các điều khoản của Minsk 2.0 có nhiều điểm có lợi cho Nga, nhưng nó thể hiện sự tương quan lực lượng hiện tại. Quân đội Nga mạnh hơn nhiều so với của Ukraine. Còn phương Tây không sẵn sàng dùng quân sự để giúp Ukraine cân bằng cán cân đó. Không có gì ngạc nhiên khi Minsk 2.0 không nhằm trực tiếp vào việc phục hồi toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Trong khi thỏa thuận Minsk đầu tiên hồi tháng 9/2014 quy định rằng các quan sát viên quốc tế sẽ giám sát biên giới Nga-Ukraine thì Minsk 2.0 yêu cầu đưa biên giới trở về tay chính phủ Kiev với điều kiện Kiev phải tiến hành những cải cách hiến pháp. Nó yêu cầu hiến pháp mới phải được đại diện của ly khai chấp thuận. Theo ông Ulrich Speck, trong thực tế, điều này có nghĩa là Ukraine phải đàm phán với điện Kremlin khi xây dựng hiến pháp mới. Theo thỏa thuận ngừng bắn hiện tại, Ukraine phải lựa chọn chấp nhận hoặc lãnh thổ ly khai kiểm soát sẽ ngày càng bị nới rộng hoặc chấp nhận một hiến pháp mới mà theo đó Nga sẽ vẫn có một tầm ảnh hưởng đáng kể đối với tương lai của Kiev. Dù thế nào đi nữa, Nga vẫn cứ đạt được mục tiêu đưa Ukraine quay trở lại phạm vi ảnh hưởng của mình. Do vậy, theo ông Speck, Ukraine và phương Tây phải xây dựng một chiến lược để đối phó với Nga. Ông cho rằng Nga yếu hơn so với những gì mọi người đang nghĩ. Nền kinh tế nước này đang bị tổn thương nặng nề do giá dầu giảm mạnh và các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nếu Minsk 2.0 có hiệu quả, Ukraine có thể tái tập trung năng lượng vào việc giải quyết những thách thức lớn nhất trong nước, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng các tổ chức nhà nước phù hợp. Một Ukraine mới được quản lý tốt hơn không chỉ lấy được lòng dân mà còn thu hút được các nhà đầu tư phương Tây. Hiện tại, Kiev đã có động lực để thực hiện mục tiêu trên. Chính phủ Poroshenko đã có một số bước đi nhỏ nhưng đầy hứa hẹn và đúng hướng. Hơn nữa, người dân Ukraine giờ đây đã gây áp lực nhiều hơn đối với các nhà lãnh đạo. Do vậy, chính phủ mới nhận ra rằng họ cần phải cải cách để tồn tại.
Bên cạnh đó, ông cho rằng, điện Kremlin cũng rất coi trọng việc giảm căng thẳng ở miền Đông Ukraine và xây dựng lại mối quan hệ với phương Tây. Điều đó là cần thiết cho cả kinh tế và chính trị của Moscow. Điều mà người Nga trông đợi nhất vào ông Putin vẫn là một nền kinh tế thịnh vượng. Chính việc Ukraine có quá nhiều điểm yếu đã khiến cho quân ly khai thân Nga đánh bại được quân chính phủ và chiếm giữ được gần như trọn vẹn miền Đông Ukraine. Việc miền Đông Ukraine thiếu sự đoàn kết dân tộc, kiểm soát yếu kém đối với đường biên giới cũng giúp các lực lượng từ Nga có thể xâm nhập được vào Donbass. Quân đội thiếu kĩ năng và trang thiết bị cũng dễ dàng bị quân ly khai đẩy lùi.
Do đó, thách thức của Ukraine và phương tây là biến Minsk 2.0 thành một cơ hội. Chính phủ phải chứng minh sự nỗ lực của mình trong quá trình cải cách và nghiêm túc bắt đầu một cuộc chiến chống tham nhũng. Nếu Ukraine có thể nhanh chóng tiến về phía trước với các chương trình cải cách và nếu Nga trở nên yếu hơn do những khó khăn kinh tế hiện nay thì lợi thế sẽ nhanh chóng trở về phía Ukraine. Ukraine càng mạnh về chính trị, kinh tế, quân sự, thì càng dễ đối đầu với Nga. Và nếu điều đó thành công, một ngày không xa Ukraine sẽ trở nên thịnh vượng như Ba Lan, người dân ở Donbass sẽ quay lại thúc đẩy việc thống nhất đất nước, khiến ly khai không thể thực hiện mục tiêu chia cắt khu vực này ra khỏi Ukraine. Và tất nhiên, mục tiêu này có thực hiện được hay không là do Ukraine. Chính phủ nước này có sẵn sàng thúc đẩy cải cách hay không, có sẵn sàng xóa bỏ quan liêu để xây dựng một trật tự mới hay không và các đầu sỏ chính trị có sẵn sàng từ bỏ quyền lực xã hội và chính trị để tập trung vào duy trì vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế hay không. Ngoài ra, theo ông Speck, phương Tây cũng đóng vai trò rất quan trọng. Thứ nhất, EU và Mỹ phải khiến Nga biết rằng nước này sẽ phải trả một cái giá rất đắt nếu gây xung đột hòng ngăn Ukraine tiến hành cải cách. Phương Tây phải khẳng định với Moscow rằng họ sẽ phản ứng bằng những biện pháp vô cùng mạnh mẽ nếu Moscow vẫn hành động kiên quyết ở Ukraine. Ông Speck nhấn mạnh, mặc dù phương Tây không muốn đối đầu quân sự với Nga ở Ukraine, nhưng phương Tây phải thể hiện rõ sự hỗ trợ và ủng hộ đối với Kiev. Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới. PHẠM KHÁNH (Lược dịch) |
Theo Infonet