Thỏ cộc Mỹ – Quả bóng lông siêu dễ thương có nguy cơ tuyệt chủng
Với thân mình tròn tròn như hình quả trứng, bộ lông mềm, dài và dày, sẽ không quá khi nói thỏ cộc là quả bóng lông siêu dễ thương, nhưng chúng đang dần biến mất khi nhiệt độ Trái Đất ngày càng tăng cao.
Thỏ cộc Mỹ sinh sống ở vùng núi lạnh chủ yếu phân bố ở phía Tây Bắc Mỹ và Tây Canada.
Bề ngoài trông loài thỏ này không khác gì những con thỏ thông thường, nhưng khi nhìn kỹ sẽ thấy thỏ cộc có hai lỗ tai tròn và ngắn, chân sau không dài hơn chân trước. Mũi to, đuôi ngắn đến mức chỉ vừa đủ để người ta thấy chúng có đuôi.
Thỏ cộc khá thông minh, vào mùa hè và mùa thu, chúng biết tìm nơi khô ráo để phơi khô cỏ. Những đống cỏ được gom lại để phơi khô ngoài trời hay dưới những tảng đá, rồi mang vào hang. Đến cuối hè, chúng tập trung những đống cỏ khô nhỏ, bảo quản kỹ để dành cho mùa đông.
Thỏ cộc xa lánh con người, hay ẩn náu trong những đống đá để tránh thời tiết khắc nghiệt và tránh thú dữ. Vì ít xuất hiện, nên loại thỏ cộc này cũng không được nhiều người biết đến.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy sự nóng lên của Trái Đất đang đe dọa loài sinh vật trên núi cao này, và chúng đang dần biến mất.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát khu vực nhìn thấy thỏ cộc gần đây nhất vào năm 2012, nhưng không phát hiện cá thể nào.
Điều này không khiến các nhà khoa học ngạc nhiên khi họ đã cảnh báo tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ gây nguy hiểm cho các loài vật núi cao thuộc những loài dễ bị tổn thương.
Thỏ cộc có bộ lông dày để chống lại thời tiết rất lạnh, nên nếu nhiệt độ lên đến 25 độ C thì bộ áo ấm này có thể giết chúng. Và nếu nhiệt độ tăng thêm 5,4 độ C như dự báo của Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) thì đó có thể là khởi đầu của sự kết thúc loài này.
“Đây chính là một loại cảnh báo về những gì đang xảy ra trong hệ sinh thái núi của chúng ta“, Erik A. Beever, tác giả của nghiên cứu mới này và là nhà sinh thái thuộc Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) nói.
Loài thỏ cộc Mỹ vẫn chưa được liệt vào danh mục loài nguy cấp, nhưng điều đó rất có thể sẽ sớm thay đổi.
Iris theo Do Do, Wikipedia