Thị trường VN xuất hiện tình trạng ‘gom khẩu trang y tế đã dùng rồi bán lại’
Theo thông tin từ Cục quản lý thị trường, một số đối tượng lợi dụng tình hình khan hiếm khẩu trang đã thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng rồi bán ra thị trường.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ứng phó dịch Covid-19 của Bộ Công Thương, chiều ngày 7/2. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh cho biết, hiện nay dịch Covid-19 đang diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường dẫn tới tình trạng người dân đổ xô đi mua, thu gom và tích trữ khẩu trang y tế, gây nên tình trạng khan hiếm hàng hóa ở hầu khắp các địa phương.
Đặc biệt, trên thị trường đã xuất hiện tình trạng: “khẩu trang dùng 1 lần nhưng được thu gom lại để bán lại qua mạng”.
Ông Linh cho biết, trường hợp này phát hiện ở Hà Nội, dù số lượng không quá lớn nhưng vì tính chất nghiêm trọng nên đang phối hợp với công an điều tra làm rõ.
“Điều này rất nguy hiểm vì không đảm bảo an toàn đối với sức khoẻ người sử dụng”, ông Linh cho hay.
Xử lý hình sự người bán dụng cụ y tế giả, kém chất lượng
Theo ông Trần Hữu Linh, các hành vi vi phạm chủ yếu là găm hàng, không niêm yết giá tại cửa hàng; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác.
Ông Linh cho biết, số lượng khẩu trang y tế được thu giữ nếu đủ chất lượng và có hóa đơn, nhãn mác hàng hóa rõ ràng thì sẽ đưa vào lưu thông. Với khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, sẽ có trình tự xử lý nhanh để sớm đưa ra thị trường.
“Nước sát khuẩn dạng xịt cũng rất dễ làm giả, dùng xong nhiều nơi cho dung dịch bình thường vào lọ để bán, bán cả trên mạng. Giá bao nhiêu mọi người cũng mua. Vấn đề này liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng. Chúng tôi sẽ phối hợp với công an xử nghiêm, thậm chí xử lý hình sự vụ việc thế này”, ông Linh khẳng định.
Về hành vi trục lợi trên môi trường mạng, ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Cục đã có công văn gửi các website, sàn giao dịch thương mại điện tử xử lý các cá nhân, doanh nghiệp đẩy giá sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp vi phạm đẩy giá sản phẩm lên cao trong mùa dịch đã bị các sàn giao dịch như Lazada, Shopee… xử lý.
“Ngoài ra, còn có vi phạm trục lợi trong bối cảnh hiện nay là tăng giá vận chuyển sản phẩm. Tất cả những hành vi này đều bị xử lý”, ông Hải cho hay.
Tình trạng này đã xảy ra tại Trung Quốc
Tình trạng gom khẩu trang y tế đã dùng một lần rồi bán lại kiếm lời cũng đã xảy ra tại Trung Quốc. Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc – nhiều người đã ghi lại các hình ảnh, clip cho thấy, có nhiều đối tượng thu gom lại các khẩu trang y tế đã qua sử dụng ở nhiều nơi, thậm chí là từ thùng rác với mục đích bán lại kiếm lời.
Để đối phó, nhiều người dân nước này đã chia sẻ các cách xử lý khẩu trang đã qua sử dụng như đốt, xả qua nước sôi, xé nhỏ trước bỏ thùng rác hoặc bỏ vào thùng rác chuyên biệt.
Về vấn đề xử lý khẩu trang sau khi sử dụng, bà Zhang Yucheng chuyên gia kiểm soát dịch bệnh cho biết: “Khẩu trang đã qua sử dụng chứa một lượng lớn vi khuẩn miệng và virus, ở cả mặt ngoài và mặt của khẩu trang, do mặt ngoài tiếp xúc với môi trường và mặt trong do hơi thở của người sử dụng”.
Theo bà Zhang Yucheng, sử dụng nước sôi khử trùng không được khuyến khích vì có thể làm bẩn vật chứa khẩu trang và khó đảm bảo được nước sôi liên tục, đảm bảo nhiệt độ trong quá trình thực hiện.
Nếu đem đốt khẩu trang sẽ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ an toàn cháy nổ và không có nơi cố định để thực hiện. Tương tự, việc cắt nhỏ khẩu trang với mục đích tránh tình trạng thu gom lại là ý tốt, nhưng có nguy cơ lây nhiễm chéo cao.
“Nếu bạn ở bệnh viện, sau khi sử dụng khẩu trang có thể đưa trực tiếp cho nhân viên y tế xử lý. Nếu ở nhà, bạn có thể bỏ vào túi kín rồi cho vào thùng rác”, Zhang Yucheng cho hay.
Bên cạnh đó, sau khi xử lý khẩu trang, nên rửa tay cẩn thận với xà phòng để đảm bảo vệ sinh.
Từ Nguyên (t/h)