Thì ra chữ viết sai, viết ngoáy đều có thể gây hại tới số mệnh
Số mệnh đã tận, Đậu Huyền Đức lẽ ra phải kết thúc cuộc đời ở tuổi 57, nhưng do lương thiện nên được Ti mệnh mách bảo cách giải họa rằng dâng tấu sớ lên Thiên Tào, nhưng lạ thay 2 cái bị vứt đi, đến cái thứ 3 thì được chấp thuận, nguyên nhân là vì đâu?
Thời cổ đại, có một phong tục tưởng như bình thường nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc, đó là, nếu một người gặp phải tai họa, hoặc cảm thấy bối rối về tình trạng của chính mình, hoặc là muốn thề thốt với Thần linh… thì có thể viết ra ý nguyện trong lòng mình thành một bài sớ và đốt nhang cầu khấn trước tượng Thần, nghe nói rằng như thế thì trời cao có thể nhận được sự trần tình của người này.
Từ những bậc đế vương hoàng thất trong triều đình, cho đến các bá tính thường dân, qua các triều đại lịch sử luôn giữ phong tục “đốt nhang khấn cầu” gửi đến Thần linh. Người xưa thành tâm lương thiện đã dùng cách đó để giao tiếp với các vị Thần.
Vào thời nhà Đường, có một giai thoại như vầy, một vị đại thần vì muốn giải trừ tai họa nên đã đi tìm người giúp ông bẩm tấu với Thiên tào (chức quan trên thiên đình). Tuy nhiên, vì chữ viết ngoáy trong bài sớ đã gây ra những sai lầm, Thiên tào không chấp nhận lời cầu nguyện của ông ta. Mãi cho đến khi bài sớ được chỉnh sửa, thì trời cao mới giải trừ tai họa cho ông.
Thời Trinh Quán triều đại nhà Đường, đại thần Đậu Huyền Đức đảm nhiệm chức Sứ giả đô thủy (chức quan chức chịu trách nhiệm quản lý về nước tưới tiêu, bảo vệ kênh đào, là bậc quan ngũ phẩm chính thức), còn được gọi là Đậu đô thủy. Khi Đậu Huyền Đức 57 tuổi, đã được lệnh đi Giang Tây. Khi con thuyền đã sẵn sàng khởi hành, bỗng có một người xin đi nhờ thuyền, Đậu Huyền Đức đã đồng ý cho người đó đi cùng.
Trên đường đi, mỗi khi Đậu Huyền Đức ăn cơm đều mời mọi người cùng vào ăn, nhiều ngày liền đều như vậy. Khi con tàu gần đến Dương Châu, người đi nhờ thuyền liền xin phép rời đi. Đậu Huyền Đức thấy anh ta vội vàng rời đi, liền tò mò hỏi: “Tại sao anh lại đi vội như vậy?”
Người đàn ông thành thật nói rằng: “Ta là sứ giả của Ti mệnh (vị thần cai quản số mệnh của con người), bởi vì Đậu đô thủy đi về phía Dương Châu, Ti mệnh đã phái ta đến đây để lấy mạng của ông ta”. Đậu Huyền Đức kinh ngạc hỏi: “Đô thủy chính là tôi đây! Tại sao ngài không nói sớm chứ?”.
Người đó trả lời rằng: “Mặc dù ta đến đây để lấy mạng của ngài, nhưng không thể hành sự tùy tiện, bởi sinh mệnh của ngài đã định là sẽ kết thúc ở nơi này (Dương Châu). Trước đó vì vẫn chưa đến nơi, ta không thể tiết lộ bí mật này được, cho nên mới theo ngài đến đây. Trên đường đi, ta đã nhận được sự hiếu khách tiếp đãi của ngài, trong lòng ta luôn có cảm giác tội lỗi, ta cũng mong rằng sẽ giúp ngài thoát khỏi kiếp nạn, để báo đáp ân huệ của ngài”.
Đậu Huyền Đức hỏi phải làm thế nào mới có thể giải trừ tai họa này, vị sứ giả Ti mệnh nói ông hãy đi tìm cao nhân tên Vương Tri Viễn, một vị đạo sĩ hiện đang sống ở Dương Châu. Bởi vì Vương Tri Viễn đạo hạnh cao thâm, nên người đời gọi ông là Vương Tôn sư, những gì ông đã làm đều được ngưỡng mộ khắp trên trời dưới đất, và nếu như có thể thành tâm mời được Vương Tôn sư khấn nguyện đến trời cao, có lẽ sẽ tránh được kiếp nạn này. Sứ giả còn hứa với Đậu Huyền Đức rằng, vào đêm hôm sau sẽ đến để nói cho ông biết kiếp nạn đã được hóa giải hay chưa.
Đậu Huyền Đức theo lệnh của Thái Tông Hoàng đế Đường triều, vừa đến Dương Châu, các vị quan cấp dưới đều ra đón tiếp. Khi còn chưa bàn việc công với họ, Đậu Huyền Đức đã vội hỏi rằng: “Có ai ở đây từng gặp qua Vương Tri Viễn hay chưa?”, tức thì quan địa phương liền sai người đi mời Vương Tri Viễn về. Sau khi mời được Vương Tri Viễn đến, Đậu Huyền Đức cho những người tùy tùng lui ra, rồi khẩn tình cầu xin Vương Tri Viễn ra tay cứu giúp cho ông giải trừ kiếp nạn này.
Vương Tri Viễn nói: “Trong những năm gần đây, ta đã chuyên tâm tu hành chính pháp, nên những chuyện liên quan đến bái tế cầu khấn, ta đều không làm. Nếu như ngài đã nghe lệnh hoàng thượng đến đây, phải gánh vác sứ mệnh to lớn như vậy, ta sẽ cố gắng giúp ngài thử xem, nhưng kết quả cuối cùng như thế nào thì ta cũng không thể dự đoán được”. Sau đó Vương Tri Viễn sai thư đồng viết ra một bản sớ, rồi ngài đích thân đến trước bàn thờ vái lạy và đốt hương cầu khấn.
Tối hôm sau, sứ giả Ti mệnh đã như hẹn mà đến báo tin cho Đậu Huyền Đức: “Kiếp nạn vẫn chưa được hóa giải”.
Đậu Huyền Đức sốt sắng khẩn cầu, sứ giả đồng ý để Huyền Đức đến nhờ Vương Tri Viễn bẩm tấu với trời cao một lần nữa. Sứ giả nói đêm hôm sau sẽ lại đến cho ông biết kết quả, còn căn dặn Đậu Huyền Đức rằng, nhất định phải mua một tờ giấy trắng loại tốt để viết bài sớ và đặt ở nơi sạch sẽ, sau khi bẩm tấu với các vị Thần trên Thiên tào, thì phải lập tức đốt giấy đi, nếu như không đốt đi thì sẽ không linh nghiệm.
Đậu Huyền Đức lại đến cầu xin Vương Tri Viễn cứu giúp. Vương Tri Viễn có tấm lòng từ bi, nên đã giúp ông tấu lên Thiên tào. Tối hôm sau, sứ giả lại quay trở lại nói: “Kiếp nạn vẫn chưa được hóa giải”. Đậu Huyền Đức bối rối khó hiểu vội hỏi nguyên nhân.
Sứ giả khó lòng khước từ, nên đã nói khẽ với ông: “Bản tấu chương của vị đạo sĩ giống như bản tấu chương tầm thường của thần dân gửi lên hoàng đế vậy. Lần đầu, trong bản sớ có chữ viết sai; lần thứ hai, thì có 2 chữ viết rất ngoáy. Trong nhân gian, khi các thần tử dâng tấu chương lên, các nét chữ phải cẩn thận gọn gàng, huống chi là tấu chương dâng lên Thiên đế, làm sao mà có thể hời hợt cẩu thả được? Vì vậy, hai bản tấu chương đó đều bị vứt đi, nếu đã không thể biểu đạt lên Thiên thượng, thì còn có tác dụng gì nữa?”
Đậu Huyền Đức đã kể lại chuyện này cho Vương Tri Viễn nghe, rồi xin ngài ấy giúp đỡ dâng sớ lên Thiên tào lần nữa. Vương Tri Viễn đi đến bàn thờ và lấy hai bài sớ trước đó, thì phát hiện ra đúng như điều sứ giả nói, có chữ viết sai và chữ viết rất ngoáy. Thế là, Vương Tri Viễn nói: “Bản tấu chương lần này sẽ do bần đạo đích thân viết vậy”.
Sau khi viết xong, Vương Tri Viễn đã kiểm tra lại nhiều lần, đến khi đã chắc chắn rằng ngữ pháp lời nói và chữ viết không có sai sót nào, mới dùng phương pháp đạo giáo dâng bản tấu này lên Thiên tào. Sáng sớm hôm sau, sứ giả Ti mệnh đã đến sớm để báo tin rằng việc đã thành rồi. Vương Tri Viễn nói với Đậu Huyền Đức: “Lần này ngài có thể kéo dài tuổi thọ thêm mười hai năm rồi”.
Trước đây, Đậu Huyền Đức vốn dĩ không tin vào đạo thuật, nhưng giờ đây may mắn nhờ sự giúp đỡ của đạo pháp, mà có thể kéo dài tuổi thọ, nên ông đã tin vào đạo thuật tồn tại không hề hão huyền.
Ông đã nói với gia đình và người thân rằng: “Từ giờ trở đi, hãy để tôi kính đạo thờ phụng Thần linh”. Ông đến Thanh Đô được Quan Doãn Tôn sư ban cho những sách vở kinh điển của Đạo giáo, cả gia đình ông cũng dấn vào con đường sùng đạo. Đậu Huyền Đức sống được đến tuổi 69 thì qua đời.
Tuệ Tâm, theo NTDTV