Thêm 328 ca Covid-19, Đồng Tháp ghi nhận 100 ca; nước cam khiến bộ xét nghiệm nhanh nCoV cho kết quả dương tính
Bộ Y tế sáng 5/7 công bố thêm 328 ca mới mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 20.261 ca; giáo sư Andrea Sella của Đại học College London (nước Anh) xác nhận việc nước cam có thể khiến bộ xét nghiệm nhanh nCoV cho kết quả dương tính, nước sốt cà chua và Coca-Cola cũng gây ra hiệu ứng tương tự.
TP.HCM ghi nhận 175 ca bệnh, 54 ca chưa rõ nguồn lây; dịch lan ra 55/63 tỉnh thành
Theo Vnexpress, 328 ca mắc mới được ghi nhận từ số 19934-20261 tại TP.HCM (175), Đồng Tháp (100), Phú Yên (23), Hưng Yên (9), Khánh Hòa (8), An Giang (6), Long An (2), Bắc Ninh (2), Lạng Sơn (1), Đồng Nai (1) và Sóc Trăng (1); trong đó 272 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy, sáng nay (5/7) ghi nhận số ca nhiễm cao nhất được công bố vào buổi sáng, kể từ đầu dịch (328 ca).
Sóc Trăng lần đầu tiên ghi nhận ca nhiễm trong đợt dịch này, đưa tổng số tỉnh thành xuất hiện dịch lên con số 55.
328 ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 6.209 ca, Bắc Ninh 1.617 ca, Phú Yên 243 ca, Long An 191 ca, Hưng Yên 135 ca, Lạng Sơn 110 ca, Đồng Nai 69 ca, Đồng Tháp 161 ca, An Giang 29 ca, Khánh Hòa 21 ca, Sóc Trăng 1 ca.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 16.782, ghi nhận ở 55 tỉnh thành.
Dưới đây là thông tin về các ca mắc mới:
Tại Lạng Sơn
Ca bệnh 19934 nữ, 30 tuổi, địa chỉ tại huyện Hữu Lũng, liên quan đến Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang, đã được cách ly, kết quả xét nghiệm ngày 4/7 dương tính, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng.
Tại An Giang
Ca bệnh 19935-19940 gồm 5 ca là các trường hợp F1; 1 ca có tiền sử đi về từ Tiền Giang và TP.HCM, hiện đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện An Phú.
Tại Long An
Ca bệnh 19941-19942 là các trường hợp F1, đã được cách ly.
Tại Đồng Tháp
Ca bệnh 19943, 19956-20053, 20261 gồm 68 ca là các trường hợp trong khu vực đã được phong tỏa; 32 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly.
Tại Phú Yên
Ca bệnh 19944, 19946-19952, 19955, 20229, 20231, 20237-20238, 20243, 20247, 20252-20259 là các trường hợp F1 trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa.
Tại Đồng Nai
Ca bệnh 19945 là nam, 34 tuổi, địa chỉ tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; liên quan đến chợ Bình Điền, TP.HCM, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.
Tại Bắc Ninh
Ca bệnh 19953-19954 gồm 1 ca là F1 của BN 16281 đã được cách ly; 1 ca đang điều tra dịch tễ.
Tại TP.HCM
Ca bệnh 20054-20228 gồm 121 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 54 ca đang điều tra dịch tễ.
Tại Khánh Hòa
Ca bệnh 20230, 20232-20236, 20239-20240 là các trường hợp liên quan đến BN 17725 đã được cách ly, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa.
Tại Hưng Yên
Ca bệnh 20241-20242, 20244-20246, 20248-20251 là các trường hợp F1 đã được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Tại Sóc Trăng
Ca bệnh 20260 là nam, 36 tuổi, địa chỉ tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng; liên quan đến chợ Bình Điền, TP.HCM.
Nước cam có thể khiến bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 cho kết quả dương tính
Các học sinh ở Anh đã phát hiện việc có thể dùng nước cam để tạo ra kết quả dương tính với bộ xét nghiệm Covid-19 nhanh. Hiện tượng này là do tính axit của nước cam khiến bộ xét nghiệm Covid-19 bị hư hại.
Theo The Guardian, một số loại thực phẩm và đồ uống khác, bao gồm nước sốt cà chua và Coca-Cola, cũng gây ra hiệu ứng tương tự.
Giáo sư Andrea Sella của Đại học College London cho biết khám phá này không có gì đáng ngạc nhiên. “Nếu cố tình sửa đổi giao thức thì tất nhiên bạn sẽ nhận được kết quả sai. Tôi muốn nói rằng đây không phải dương tính giả. Dương tính giả nghĩa là thu được kết quả dương tính trong khi tuân thủ quy trình xét nghiệm”, ông Sella cho biết.
Video ghi lại cảnh người dùng mạng thử các chất lỏng khác nhau trên bộ xét nghiệm nhanh đã được đăng trên TikTok. Theo trang inews, đã có hơn 6,5 triệu lượt xem các video trên TikTok với kết quả tìm kiếm #fakecovidtest (xét nghiệm Covid-19 giả).
Việc dùng nước cam trên bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 gây lo ngại vì những người dương tính buộc phải cách ly. Tuy vậy, hành vi này không gây thiệt hại quá lâu dài vì những người nghi dương tính đều phải được xét nghiệm lại bằng phương pháp PCR, The Guardian cho biết.
Vũ Tuấn (t/h)