Thế hệ tương lai, các bạn được gì và mất gì?
Thế kỷ 21, thuận theo khoa học kỹ thuật phát triển, dường như ai cũng bớt cực nhọc và nhàn nhã hơn trước, đặc biệt là thanh niên, muốn được sống thoải mái và hưởng thụ. Tuy nhiên, để được như vậy cần phải có sự đánh đổi.
Cái gì tự nhiên thì trân quý nhất
Có bao giờ bạn để ý vì sao ăn cơm trong niêu đất lại ngon hơn rất nhiều so với cơm nấu trong nồi cơm điện, những món ăn thượng hạng bao giờ cũng đều từ tay những đầu bếp hạng nhất chế biến mà không qua một quy trình chế biến tự động, bạn đổ mồ hôi cật lực làm việc thì nước mà trước giờ bạn luôn uống lại ngọt và thanh mát như vậy?
Câu trả lời chính là: Bạn phó xuất bao nhiêu thì được bấy nhiêu, và điều gì tự nhiên, chân thành thì giá trị nó mang lại là trân quý nhất. Ví như sau những ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi, bạn được nghỉ ngơi ở nơi thanh tĩnh và trong lành, khi đó tinh thần và sức khỏe của bạn như được gột rửa vậy; hay sau những chịu đựng đầy đau đớn khi sinh con, điều hạnh phúc nhất là được nhìn thấy đứa con bé bỏng của mình. Chỉ tưởng tượng thôi là không khỏi mỉm cười rồi.
Người xưa khi làm một việc gì đó, họ cần phải tự thân vận động, bỏ ra công sức mới thu hồi được kết quả. Trong quá trình thực hiện, họ rất tâm huyết vào việc mình làm, vì họ biết, điều đang làm ấy sẽ mang tới nụ cười cho người khác, họ muốn nhìn thấy nó, bởi lẽ nụ cười này khiến họ hạnh phúc, họ cảm thấy họ được quan tâm và thành quả của họ được tôn trọng. Càng như vậy họ lại càng nỗ lực trong công việc. Hóa ra chân thành, hết lòng vì người khác lại cũng là vì chính mình.
Ngày nay khoa học công nghệ phát triển tiên tiến, rất nhiều phát minh được sáng tạo nhằm hỗ trợ con người sống được thoải mái hơn, các công cụ kỹ thuật giúp ích khá tốt cho con người, chúng giải quyết được một số vấn đề về thời gian, nhân lực… Vì vậy con người càng truy cầu cuộc sống thoải mái và hưởng thụ, thì họ càng lệ thuộc vào máy móc. Dần dần, họ ngày một theo đuổi những thứ vật chất, nghiêm trọng hơn là họ sẽ chiếm tiện nghi của người khác, không cần biết rằng liệu điều mình làm có ảnh hưởng tới người khác hay không. Tệ hơn cả, có thể không điều ác nào không làm chỉ vì chút đỉnh lợi ích cho bản thân.
Càng phát triển, càng thụt lùi
Thanh niên, là niềm hy vọng của mỗi gia đình, là thế hệ tương lai của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Mọi tâm huyết đều được đổ dồn vào lớp trẻ. Nếu thanh niên chỉ theo đuổi tài vật và danh vọng, không màng tới an nguy của người khác, hẳn là dấu chấm hết cho gia đình, quốc gia hay dân tộc. Nhiều người đã nhận thức được: Dường như xã hội càng phát triển, đạo đức con người càng thụt lùi.
Một người không những chỉ có tài mà cần có đức. Đức ấy bao gồm nhiều thứ, như là sự chân thành, biết quan tâm và suy nghĩ cho người khác, làm việc gì cũng cần có trách nhiệm, thấy cái xấu mà tránh xa, tôn vinh và thực hành cái thiện, quan trọng hơn phải biết chịu đựng, nhẫn nại đối với mọi hoàn cảnh, buông bỏ thói hư tật xấu, bao dung với lỗi lầm của người khác, người trước mình sau. Cổ nhân dạy “có đức mặc sức mà ăn”. Quả là vậy, một người biết tu tâm tích đức, đức ắt sẽ dày, muốn gì được nấy, không cần mệt mỏi mà tranh mà đấu, mất ăn mất ngủ vì danh vì lợi.
Lớp trẻ Việt Nam hẳn ai cũng quen thuộc với câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn”, nghĩa là trước tiên cần phải học lễ nghi, rồi mới tới học văn chương, tri thức. Trong Lễ Ký (cuốn sách trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử) chép: “Lễ là cái trật tự của trời đất… Trật tự, nên vạn vật đều khác biệt”. Từ đây có thể thấy vạn vật mặc dù không tương đồng nhưng đều có trật tự, phân ra đẳng cấp, thứ bậc mà cùng nhau phát triển.
Người xưa luôn giữ thái độ kính trọng và khiêm nhường trước vạn vật, thiên địa, họ nhận ra vạn vật, thiên địa tuy khác biệt rất nhiều nhưng đều có trật tự và nguyên tắc hài hòa. Về bản chất “lễ” giúp mọi người ở các tầng thứ khác nhau cùng giữ được tư tưởng công chính, bình hòa, không lệch sang đường tà. Về hình thức, “lễ” khiến con người thường xuyên chú ý đến sự đoan trang, thành kính, khiêm nhường, nhu thuận ở vẻ bề ngoài. Như vậy đức cũng bao hàm cả lễ vậy.
Nhìn lại nền giáo dục hiện tại, quả là khác hẳn so với khi xưa. Cộng đồng mạng chia sẻ: Sách Đạo Đức ngày xưa hay thế, cùng dạy “Cảm ơn và xin lỗi”, sách Đạo Đức của thế hệ 8X, đầu 9X sử dụng hình tượng Thỏ con, bác Gấu, Sóc nâu, cùng bài học đơn giản, dễ hiểu như: Tới nhà bác Gấu, Thỏ con vô ý làm đổ bình mật ong. Thỏ con vội xin lỗi bác Gấu. Bác Gấu hết giận, còn cho Thỏ con ăn mật ong.
Còn SGK mới yêu cầu học sinh nhìn tranh, và trả lời câu hỏi: “Các bạn trong tranh đang làm gì, vì sao các bạn làm như vậy, có thể học tập được các bạn điều gì…” Bài “Vâng lời thầy cô giáo” trong sách xuất bản năm 1993 có bối cảnh lớp học thân quen của những năm 80, 90. Còn bài “Lễ phép, vâng lời thầy cô giáo” ra đời năm 2015 có nét vẽ mang hướng Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cuốn sách cũ với cách tiếp nhận và giải quyết vấn đề khá chân phương, học sinh có thể nhớ và hiểu vấn đề bằng hình ảnh giản dị, lời thơ ngắn gọn, dễ thuộc. Còn SGK hiện nay thiên về nêu vấn đề, yêu cầu các em tự tư duy, suy nghĩ qua các bài tập, câu hỏi, trò chơi. Trẻ cần nhờ cô giáo hoặc cha mẹ giúp đỡ.
Một vài nhận định nữa cũng nêu ra: “Lớp 1 thì không cần nghĩ nhiều, chỉ cần một vài bức tranh là đủ để các em tiếp thu kiến thức cơ bản”; hay “Xã hội bây giờ rắc rối và nhiều vấn đề hơn ngày xưa, nên môn Đạo Đức cũng yêu cầu nhiều hơn, không chỉ có mấy bài như cuốn sách ngày xưa”.
Người Nhật cho rằng “SGK Đạo Đức đảm đương vai trò vô cùng quan trọng, đó là nuôi dưỡng tính nhân văn trong mỗi con người, dạy trẻ em biết suy nghĩ cho người khác, bên cạnh những bài học về bản thân, cách giao tiếp xã hội, ý thức quy phạm, để từ đó các con tự tin tạo dựng một cuộc sống tích cực, tốt đẹp hơn”. Ngay từ lớp nhỏ nhất là lớp 1, lớp 2, trẻ em Nhật Bản đã được dạy đầy đủ các bài học đạo đức và kỹ năng cơ bản để xây dựng nên những con người có phẩm cách cũng như một xã hội văn minh.
Báo Việt Nam Net từng đăng bài báo “Hơn 9.000 giáo sư không có bằng sáng chế” hay Zing News: “Việt Nam nhiều tiến sĩ nhất ASEAN, nhưng lại ít chất xám” và nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng cho rằng “Chúng ta có quá nhiều tiến sĩ, thạc sĩ giấy”. Vì đâu nên nỗi? Chính là vì chạy theo hình thức, theo thành tích, không chú trọng ứng dụng thực tiễn, những môn như Giáo dục công dân, Công nghệ… vừa giúp nâng cao giá trị đạo đức, vừa cọ sát thực tế với cuộc sống thường ngày thì bị thay đổi bằng những tiết học Toán, Lý, Hóa, Văn… Các bạn chỉ biết học là học, không còn biết hay hiểu cuộc sống thực tế là gì.
Hiện nay các bạn trẻ học từ sáng tới tối, cha mẹ đưa đón rất tấp nập với mong muốn con cái sau này đỗ đạt cao để được nở mày nở mặt. Điều này quả thực sai lầm, bậc phụ huynh chỉ vì muốn thỏa mãn cái danh mà không cần quan tâm con của mình nghĩ gì, tuổi thơ như thế nào, học có mệt không?
Đang là tuổi ăn tuổi lớn, điều các bạn cần nhất là sự quan tâm, sẻ chia và thấu hiểu từ cha mẹ. Sẽ có những thắc mắc, quan ngại về cuộc sống mà các bạn không hiểu, lúc này cha mẹ sẽ là cánh buồm dẫn dắt thế hệ tương lai thẳng tiến về phía trước, vượt qua sóng gió cuộc đời mà cập bến trong niềm vui và sự trưởng thành. Theo nhiều nghiên cứu, con cái thiếu sự quan tâm và tình thương từ cha mẹ dễ phát sinh nhiều thói hư tật xấu và sa ngã vào tệ nạn.
Trước đây, rượu bia, thuốc lá là thứ bị cấm đối với trẻ vị thành niên, nhưng ngày nay điều ấy đã được hợp thức hóa, thậm chí là quảng bá, cổ xúy những món nước có cồn hay loại “thuốc lá” không nằm trong danh mục cấm như shisha (thuốc lá điện tử).
Không xa lạ khi ta bắt gặp những bạn trẻ “cụng ly” rất sảng khoái những chai nước trái cây có cồn, hay phì phèo từng cụm hút shisha, nhả những làn khói muôn hình dạng vào không trung, thứ mà trước đây chỉ có trong các vũ trường, quán bar nhưng hiện nay nó được phổ biến tại nhiều quán cà phê, giải khát. Các bạn cho rằng nó là “mốt”, nhưng thực sự rất có hại, nó gây nghiện đối với người sử dụng nó. Nó không chỉ nguy hại tới sức khỏe mà còn bóp nát bản tính thiện lương của con trẻ trong thầm lặng.
Thanh niên ngày nay rất chịu khó chạy theo “Fashion” (thời trang), sẵn sàng chi tiền hàng triệu, hàng chục triệu cho những món đồ mặc trên người để tham dự các buổi tiệc, sự kiện âm nhạc… hay “make-up” (trang điểm), nhuộm tóc một cách mà có thể nói là lòe loẹt và quá lố, không phù hợp với lứa tuổi của mình. Những bộ tóc sặc sỡ nhiều màu sắc, nào xanh, nào đỏ, nào bạc… trông hết sức đa dạng, nhưng các bạn có để ý những bộ tóc ấy chỉ xuất hiện trong các bộ phim như Tây Du Ký với hình tượng là yêu tinh, yêu quái?
Các bạn còn trẻ, trách nhiệm nên là học cho tốt, hàm dưỡng đạo đức bản thân hơn là phóng túng, đua đòi và hưởng thụ chúng. Tiền để mua, để hưởng thụ nếu không phải từ cha mẹ cho thì từ đâu mà có? Các bạn làm cách gì để có được những số tiền lớn như vậy? Để có được số tiền ấy, bậc phụ huynh không chỉ đổ mồ hôi, sôi nước mắt mà thậm chí còn đối mặt với nguy hiểm từng phút, từng giây. Có nhiều bạn còn vì quá say mê thần tượng, tìm mọi cách để được thấy thần tượng, mà sẵn sàng “lăng mạ”, “từ cha từ mẹ”.
Thuận theo nhu cầu giải trí của con người, đặc biệt là giới tuổi thanh niên, các bộ phim mang sắc thái bạo lực, kinh dị, xã hội đen, đấu đá lẫn nhau vì quyền lực, những khung hình nhạy bị gán mác 18+ được sản xuất ồ ạt. Nhà sản xuất phim không cần biết có thuần phong mỹ tục hay không, có ảnh hưởng, ám ảnh người xem hay không, điều họ nghĩ chỉ là lợi nhuận.
Trò chơi điện tử cũng tương tự như vậy, chúng bào mòn sức khỏe, tinh thần, thời gian và tiền bạc của các bạn. Lao đầu vào trò chơi điện tử như những con thiêu thân, tương lai của các bạn rồi sẽ ra sao, cứ phát triển tiếp nữa thì xã hội này sẽ đi đến đâu, sẽ nguy hiểm như thế nào? Rất đáng báo động. Nếu các bạn không cung cấp thị trường cho nhà sản xuất, sao họ có thể tiếp tục làm ra những thứ như vậy.
Công nghệ, bản thân nó là con dao hai lưỡi, nó có thể giúp chúng ta cải thiện cuộc sống nhưng cũng có thể đẩy chúng ta tới bờ vực diệt vong nếu lạm dụng nó một cách vô độ. Nhìn vào bất kỳ quán nước, khu vui chơi, ở tất cả mọi nơi chúng ta đều không khỏi giật mình khi thấy những cảnh tượng mọi người cúi đầu chăm chăm nhìn vào thiết bị di động mà không có sự tương tác, giao tiếp nào với nhau.
Gần đây, một robot mang tên Sophia đã gây chấn động dư luận bằng cách trở thành robot đầu tiên được trao quyền công dân, không những vậy Sophia còn bất ngờ xuất hiện trên trang bìa của tạp chí thời trang Stylist ở Anh khiến nhiều người không khỏi sợ hãi. Sophia tuyên bố muốn lập gia đình và sinh con. Trong một buổi phỏng vấn, Sophia được đặt câu hỏi: “Cô có muốn hủy diệt loài người không? Làm ơn hãy nói không!”, Sophia đã có một câu trả lời đáng sợ rằng: “Được thôi, tôi sẽ hủy diệt loài người!”. Có lẽ câu nói đó chính là một lời cảnh báo mà chúng ta không thể xem thường, công nghệ đang thực sự kiểm soát con người chúng ta một cách chặt chẽ.
Bản chất của sinh mệnh chính là quay trở về
Có bao giờ bạn nghiêm túc suy nghĩ vì sao xã hội càng phát triển thì tệ nạn lại xuất hiện càng nhiều? Khác biệt hoàn toàn so với khi xưa. Khi ấy, giới trẻ rất có tuổi thơ, nụ cười luôn gắn trên khuôn mặt, cuộc sống đơn giản mà ý nghĩa. Cổ nhân có câu: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, nghĩa là con người khi còn là trẻ nhỏ, bản tính là thiện lương. Vậy sao lại có người tốt, người xấu?
Là vì trong quá trình mà người ta sinh sống và không ngừng “phấn đấu” đã tích tụ rất nhiều quan niệm không tốt cũng như làm những điều sai trái. Bởi vậy nếu muốn có một cuộc sống thoải mái và bình yên, thì bản thân mỗi người cần phải xả bỏ thói hư tật xấu, phục hồi bản chất lương thiện, chan hòa, chân thành, nhường nhịn và bao dung người khác.
Có người nói: Bản chất của sinh mệnh chính là quay trở về. Con người ta mà quay trở về bản tính con trẻ, ngây thơ, thánh thiện thì quả là trân quý trong mọi điều trân quý. Bởi vì, xét cho cùng, một xã hội mà đạo đức con người đã bị cái “hiện đại” làm băng hoại, mất đi tín ngưỡng, mất đi lễ nghĩa, thì liệu con trẻ sẽ học được điều gì tốt đẹp đây? Vậy nên, quay trở về truyền thống ngay từ mỗi cá nhân, ngay từ trong gia đình, rồi đến cả hệ thống giáo dục, như thế mới có cơ may vớt vát lại được điều gì tốt đẹp cho thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.
Tiến sĩ người Nhật Masaru Emoto (người đã gây chấn động khắp thế giới bằng công trình nghiên cứu về nước của mình) trả lời phóng viên khi được hỏi:
PV: Cuối cuốn sách, ông viết: “Đích đến cuối cùng của thế giới hỗn loạn này là nơi đâu? Con người đã xuất sinh như thế nào? Lịch sử nhân loại là gì? Tương lai rồi sẽ ra sao?”
TS: Tôi nghĩ rằng con người cũng chính là nước. Cơ thể người là chiếc áo mà chúng ta khoác lên khi ở tại hành tinh này, và ở hành tinh khác, chiếc áo có thể là hoàn toàn khác. Nước rải rác khắp mọi nơi trong toàn vũ trụ. Tôi tin rằng Trái đất giống như quả thận của vũ trụ. Rất nhiều nước của vũ trụ đã đến hành tinh này. Nó phải được tịnh hóa và trở lại những hành tinh khác để tịnh hóa những nơi đó. Những hành tinh này cần nước đã được tịnh hóa.
Nước chính là chúng ta. Chúng ta, con người cần phải tự mình tịnh hóa. Lý do chúng ta tới đây từ không gian vũ trụ là để được tịnh hóa. Rồi chúng ta phải trở về với vũ trụ. Những hành tinh khác đang chờ đợi chúng ta. Họ đang nói: “Hãy trở về! Hãy trở về! Nhanh lên và hãy trở về! Nhanh lên!” Nhưng chúng ta vẫn còn ở trên Trái đất này và bị luân hồi. Chúng ta không thể tiếp tục bị luân hồi như thế này được. Chúng ta phải tốt nghiệp và phải trở về. Chúng ta, con người cũng giống như nước. Chúng ta cần trở về những hành tinh khác.
PV: Nhưng thực tế là thế giới này đang ngày càng dơ bẩn hơn.
TS: Nếu chúng ta tiếp tục sống như thế này, hành tinh Trái đất có thể phải đối mặt với những thảm họa và có thể đi đến kết thúc. Nếu chúng ta không thay đổi cách sống của chúng ta, chúng ta có thể sẽ bị nạn hồng thủy, như những gì đã xảy ra với con thuyền Noah.
PV: Vậy chúng ta có thể tránh những thảm họa như vậy bằng cách nào ạ?
TS: Nó rất dễ. Sự yêu thương và lòng biết ơn, với mọi người và với mọi vật. Nếu 10% những người trong chúng ta có thể làm được điều đó thì thảm họa sẽ không thể xảy ra.
Bản tính nguyên sơ của mỗi người trong chúng ta đều là lương thiện. Thế nên chúng ta thường thấy mỗi đứa trẻ khi mới sinh ra đều đẹp tựa thiên thần. Nhưng rồi trong dòng xoáy cuộc đời, trải qua bao năm tháng biến động, tranh đấu, bon chen, nhiều người trong họ có thể đã biến đổi thành tàn ác, xấu xa. Người đời cũng không ai muốn tôn trọng hay yêu mến họ nữa.
Người ta vẫn thường nói, điều quan trọng hơn cả sự trả giá là sự biết nhìn lại, nhận ra và ‘phản bổn quy chân’, quay trở về với bản tính thuần thiện trong trẻo mà mỗi chúng ta đều đã từng có và có thể đã đánh mất trong những năm tháng đầy biến động của cuộc đời.
Phật gia cho rằng: “Điều ý nghĩa nhất của sinh mệnh đời người chính là quay trở về, trở về với bản tính thuần chân nguyên sơ trong mỗi người”. Hãy giữ gìn và vun xới hạt mầm tốt đẹp đó trong lòng mỗi con người, bởi vì không phải chính trị, tiền bạc, dầu mỏ, kim cương mà chính cội nguồn sâu thẳm tạo nên sinh mệnh và vũ trụ ấy mới có thể cứu rỗi thế giới này.
Viên Luân