Thầy giáo và nữ sinh đánh nhau trong lớp: Lỗi tại ai?
Clip thầy giáo và nữ sinh trường THPT Tầm Vu ở Hậu Giang đánh nhau lan truyền trên mạng mấy ngày qua khiến nhiều người bất ngờ và suy nghĩ.
Chuyện giáo viên đánh học sinh, học sinh đánh nhau không còn là bất thường trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, thầy giáo và nữ sinh đánh nhau trong lớp học thì không phải lúc nào cũng thấy. Nó làm nhiều người suy nghĩ về quan hệ thầy – trò thời nay.
Hành xử không đúng mực
Theo thầy Nguyễn Văn Tỉnh, Hiệu trưởng trường Tầm Vu, vụ việc xuất phát từ nữ sinh nói chuyện, gây mất trật tự trong giờ học. Sau khi bị thầy giáo nhắc nhở, em này phản ứng và có những hành động cùng lời lẽ không hay dẫn đến thầy – trò cầm sách đánh nhau.
Nhiều người nhận định hành vi đánh tay đôi với học sinh của nam giáo viên là sai hoàn toàn. “Tôi không bênh nữ sinh đó nhưng em ấy sai 5 thì thầy giáo sai 10”, Quốc Hưng, giáo viên ở Hà Nam, nhận xét.
Thầy Hưng cho rằng trong bất cứ trường hợp nào, giáo viên cũng cần giữ bình tĩnh và hành xử đúng chuẩn mực nhà giáo.
Trên thực tế, những vụ việc gần đây cho thấy không ít thầy cô có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, vô cảm, thiếu trách nhiệm với học sinh. Thanh Hằng, phụ huynh ở Nghệ An, lo ngại hành vi bạo lực của giáo viên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ, hình thành tư tưởng dùng nắm đấm giải quyết mâu thuẫn.
Cô đặt câu hỏi: “Cứ cho là học sinh ra tay đánh trước, em ấy sai. Nhưng, giáo viên lao vào đánh trả trước sự chứng kiến của cả lớp như thế thì có đủ tư cách làm thầy không? Trước khi hành động, thầy giáo đã xác định rõ vị trí của mình chưa?”.
Một số nhà giáo vẫn còn áp dụng phương pháp “thương cho roi vọt” một cách máy móc vào quá trình giáo dục trẻ hoặc viện cớ này để thanh minh cho hành vi phản giáo dục của mình.
“Học sinh sai, thầy cô uốn nắn, chứ cứ bảo học trò không nghe rồi thẳng tay đánh như vậy thì không ổn”, chị Minh Tuyết, phụ huynh ở Hà Tĩnh, nêu quan điểm.
Cô Hoàng Linh ở Lâm Đồng cũng cho rằng cách dạy học trò bằng roi vọt không còn phù hợp. Ngày trước, thầy cô đánh học sinh không phải chuyện lạ nhưng nó xuất phát từ tình thương, từ cái tâm của nhà giáo, mong các em nên người. Ngày nay, nhiều người không thể kiềm chế cơn tức, lấy học sinh làm nơi trút giận thay vì giáo dục.
Hơn nữa, giáo dục bây giờ khác trước. Nghề sư phạm không chỉ đòi hỏi người thầy tâm huyết với sự nghiệp trồng người mà còn phải có kỹ năng, không thể dùng bạo lực để ép các em vào khuôn khổ.
PGS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng trường Lương Thế Vinh, Hà Nội – cho rằng trong trường hợp này, cả thầy và trò đều sai. Lẽ ra, thầy giáo nên bình tĩnh hơn, báo cáo vụ việc với hiệu trưởng để giải quyết sau, thay vì đánh tay đôi với nữ sinh.
Cách hành xử của người thầy trong clip trên cũng phản ánh hiện trạng chung của nền giáo dục hiện nay, khi rất nhiều giáo viên thiếu hẳn những kỹ năng đối nhân xử thế, cũng sự tu dưỡng bản thân để trở thành một người thầy chuẩn mực. Dưới đây là câu chuyện giáo dục của người xưa rất đáng để chúng ta suy ngẫm, và rút ra bài học cho chính mình.
Câu chuyện “Sự im lặng của lão thiền sư”
Trời đã về khuya, lão thiền sư nhìn thấy bên cạnh bức tường của tu viện có một chiếc ghế, ngay lập tức ông nhận ra có một tu sĩ vi phạm quy định trèo tường ra ngoài. Lão thiền sư lặng lẽ đi về phía bức tường, bỏ ghế ra và ngồi xuống ngay tại chỗ đó.
Ngay sau đó, bên ngoài có tiếng động, một vị tu sĩ trẻ trèo tường để vào, dẫm lên vai của lão thiền sư và nhảy vào sân. Khi hai chân anh ta chạm đất, mới phát hiện vừa rồi đạp vào không phải cái ghế, mà là sư phụ của mình. Vị này cảm thấy hoảng sợ, không nói được câu nào, chỉ đứng im tại chỗ, chờ sư phụ trừng phạt.
Trái với suy nghĩ của tiểu hòa thượng, sư phụ không lớn giọng mắng chửi, chỉ nói rất nhẹ nhàng: “Đêm khuya, trời lạnh, hãy mặc thêm quần áo vào”.
Vị tăng trẻ tự trong lòng cảm thấy rất hổ thẹn, từ đó về sau không dám trốn ra ngoài chơi mà quyết chí tu học, cuối cùng trở thành một vị tăng có tiếng thời đó.
TH (t/h)
Video Chọn Lọc: