Thất hứa với người yêu đi lấy cô gái khác, người đàn ông gặp quả báo bi thảm
Từ xa xưa, cổ nhân đối đãi với thệ ước là vô cùng thận trọng, bởi lời thề vừa thốt ra miệng thì đều được trời đất quỷ thần chứng giám. Nếu như thái độ ngôn hành không phù hợp với lời thề ấy, nhất định sẽ rước lấy tai họa.
Ngô Giáp, quê ở Lâm Xuyên, tỉnh Giang Tây, trong lúc làm ăn buôn bán ở Quý Châu từng lén lút qua lại với một cô gái người bản xứ. Cô gái nói: “Nhà của anh cách nơi này mấy ngàn dặm, một khi trở về quê nhất định sẽ thành gia lập thất, em ở nơi này sẽ thành cành khô lá úa mất thôi!”.
Ngô Giáp nói: “Dù ta có trở về, nhưng nhất định sẽ quay lại đây rất nhanh thôi, rồi nghĩ cách để cho chúng ta danh chính ngôn thuận trở thành vợ chồng, sống bên nhau đến đầu bạc răng long. Em không cần nói những lời như vậy!”.
Cô gái vẫn khóc lóc nỉ non, Ngô Giáp cũng cảm thấy rất đau lòng, không có cách nào để an ủi, liền nói: “Nếu em không tin thì chúng ta tìm nơi nào đó lập lời thề ước trước Thần linh được không?”. Cô gái liền gật đầu đồng ý.
Trong vùng có một ngôi miếu thờ, từ trước nay đều vô cùng linh nghiệm. Hai người liền đi vào trong miếu, dâng hương thề: “Chúng con một nam một nữ, từ sớm đã kết mối lương duyên, nguyện sẽ trở thành vợ chồng. Sống thì đồng lòng, chết chung một huyệt. Nếu như phạm lời thề này, xin Thần linh cứ trừng phạt“. Sau khi tuyên thệ, tình cảm của hai người ngày càng sâu đậm.
Ngô Giáp vẫn thường suy nghĩ biện pháp để hai người có thể lén lút gặp nhau, cô gái liền nói: “Không cần phải như vậy. Ở Giang Tây, cha em có quen thân với hơn chục người bạn, hơn nữa cha cũng rất mực coi trọng anh, nếu anh có thể nhờ được một người trong số họ làm mai mối, dựa theo nghi thức cầu hôn thông thường, thì ai nói không được chứ? Cần gì cứ phải mang hành lý khắp nơi trốn tránh, bị người nhạo báng?”.
Ngô Giáp nói: “Vậy thì tốt quá. Có điều anh vừa nhận được thư của cha, chắc phải tạm thời trở về quê nhà một chuyến để an ủi song thân, thời gian chắc cũng không quá một năm; hơn nữa anh cũng có thể xin cha mẹ tán thành chuyện hôn nhân của chúng ta, như vậy chẳng phải càng tốt hơn sao?”. Cô gái thấy rằng những lời này có đạo lý, nên cũng đành chấp nhận.
Đêm trước khi chia ly, cô gái nói với Ngô Giáp rằng: “Chúng ta đã có lời thề non hẹn biển, nhất định không thể thay đổi. Nếu có thể trở về sớm một ngày, chúng ta sẽ có thêm một ngày vui vẻ. Nếu chậm trễ quá lâu, biết đâu sẽ có người đi lấy người khác. Nếu đúng như vậy, em dù chết cũng sẽ mang theo mối hận này 3 kiếp”.
Ngô Giáp nói: “Ta đã ủy thác một người đồng hương làm mai mối, hẳn là không có gì phải lo lắng. Ta nhất định sẽ trở lại đúng thời hạn”. Nói rồi hai người rơi lệ cáo biệt.
Khi Ngô Giáp trở về quê nhà ở Giang Tây, mới biết cha đã sắp đặt hôn ước cho anh với một cô gái nhà họ Phong, và anh không thể cưỡng lại. Sau đó, Ngô Giáp lại nhận được lá thư từ đồng hương ở Quý Châu, nói rằng gia đình bên kia đã chấp nhận, nói anh mau chóng trở lại Quý Châu để tiến hành hôn lễ.
Ngô Giáp xưa nay vốn e sợ người cha nghiêm khắc, nên không dám nói với cha về sự tình tại Quý Châu. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, anh liền nảy sinh ý định vi phạm lời thề, không muốn quay trở lại Quý Châu nữa.
Ba ngày trước khi kết hôn với người phụ nữ họ Phong, Ngô Giáp đã mời một đồ tể đến giết lợn và dê để cúng tế tổ tiên. Lúc này, đột nhiên có 3 người từ phía nam đi tới, dáng người to lớn, mặt mày dữ tợn, họ chộp lấy con dao từ tay gã đồ tể, tóm lấy Ngô Giáp và cắt bỏ “thứ quý giá” của anh ta rồi ném xuống đất.
Đợi đến khi những người bên cạnh chạy đến cứu giúp thì đã quá muộn. Ngô Giáp ngất lên ngất xuống, dùng thuốc nửa năm mới gượng dậy được, nhưng bạn bè thân thích giờ không ai còn coi trọng, con gái nhà họ Phong cũng đã đi lấy người khác.
Sau đó, cha mẹ của Ngô Giáp cũng lần lượt qua đời, gia cảnh anh ta cũng dần dần suy bại. Do di chứng của vết thương, Ngô Giáp không thể đảm đương được công việc làm ăn vất vả, đến năm 60 tuổi, Giáp trở thành một người ăn xin lưu lạc, cuối cùng vì vết thương phát tác mà tử vong.
Tuệ Tâm (Theo Soundofhope)