Thành phố ngầm Nushabad – Hầm trú ẩn tránh chiến tranh hạt nhân thời tiền sử?
Thành phố ngầm Nushabad ở Iran được các học giả coi là một trong những kiệt tác vĩ đại nhất của kiến trúc cổ đại. Cách đây hàng nghìn năm, một nền văn minh tiền sử đã có thể đào sâu vào lòng đất, tạo ra một thành phố ngầm đồ sộ gồm các hành lang, phòng ốc và lối đi rộng rãi để cư dân có thể sinh sống một thời gian dài.
Thành phố ngầm Nushabad (còn gọi là Ouyi) được xem là một trong những kiệt tác vĩ đại nhất của công nghệ và kiến trúc cổ đại, được đặt giữa vùng sa mạc Iran, nơi thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Nhiệt độ ở Nushabad chênh lệch rất lớn, ban ngày có thể lên tới 50oC và trở nên giá rét vào ban đêm.
Thành phố này tọa lạc ở Isfahan, một tỉnh miền trung Iran. Công trình ngầm nổi tiếng này được thiết kế tinh vi với nhiều căn phòng, lối đi đã thu hút không ít nhà nghiên cứu cũng như du khách đến tham quan.
Tại sao người ta lại xây một thành phố khổng lồ bên dưới lòng đất từ hàng ngàn năm trước?
Các nhà nghiên cứu đã đề xuất một số giả thuyết cho nguyên nhân xây dựng thành phố này như: do khí hậu quá nóng, do chiến tranh hoặc do một lượng phóng xạ cực lớn dẫn đến ô nhiễm khí hậu thời cổ đại.
Nushabad theo tiếng Ba Tư có nghĩa là thành phố nước lạnh, nó được xây dựng sau khi một vị vua của đế quốc Sassanid đi qua khu vực này và dừng lại để uống nước lấy từ giếng. Sau khi uống, ông cảm thấy dòng nước từ giếng vô cùng trong lành và tinh khiết, vì vậy ông quyết định xây dựng một thành phố quanh giếng. Khi đó nó được đặt tên là Anoushabad, về sau đổi thành Nushabad.
Tuy nhiên, lý do thật sự xây dựng thành phố này là gì? Có phải chỉ đơn giản là để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt? Họ hoàn toàn có thể chuyển đến một vùng đất khác có khi hậu thích hợp hơn. Không chắc chắn lắm, nhưng thực sự nền văn hóa cổ xưa này có thể đã gặp khá nhiều rắc rối và họ tạo ra thành phố dưới lòng đất nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp hơn so với chuyện thời tiết.
Một số lý thuyết cho thấy các cư dân cổ đại đã tạo ra thành phố ngầm này vì trong quá khứ xa xôi, khu vực này là một nơi cực kỳ không an toàn. Thế nên, các nhà xây dựng đã quyết định đào sâu xuống lòng đất và phát triển hệ thống phòng ốc, đường hầm nhằm cung cấp chỗ ở cho người dân.
Thành phố này được xây dựng rất tốt, các nhà xây dựng thiết kế mọi thứ gần như hoàn hảo. Thành phố thậm chí còn có một loạt các trục thông gió để người dân có thể hít thở không khí trong lành khi sinh sống bên dưới lòng đất trong một thời gian dài.
Nước suối là nguồn cung cấp chính cho cư dân, ngoài ra theo các nhà nghiên cứu, có bằng chứng cho thấy thực phẩm cũng được trữ sẵn trong mỗi căn phòng của thành phố.
Các nhà nghiên cứu thành phố đã tìm thấy một loạt đường hầm và lối đi phức tạp, cũng như các lỗ đất đá sâu rộng được chạm khắc để làm ghế và giường cho cư dân. Điều này nói lên rằng thành phố ngầm Nushabad đã được lên kế hoạch khá tốt, nó thực sự là một nơi đảm bảo an toàn cho người dân khỏi những mối đe dọa từ thế giới bên ngoài trong những trường hợp khẩn cấp. Độ sâu của thành phố dao động từ 4 – 18m bên dưới lòng đất.
Cho đến ngày nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa thể thống nhất quan điểm về lý do người ta xây dựng thành phố ngầm này. Một trong những lý thuyết được chấp nhận nhiều nhất đó là thành phố được xây lên để giúp người dân tránh khỏi chiến tranh. Theo lịch sử, khi đó đế quốc Sassanid là một quốc gia có tầm ảnh hưởng rất lớn và là đối thủ đáng gờm của Đế quốc La Mã.
Đế quốc này trải qua khá nhiều cuộc chiến, cho đến vị vua cuối cùng là Yazgerd (632-651), ông đã thất bại trước cuộc xâm lược của những người Hồi giáo trong trận chiến quy mô lớn kéo dài 14 năm. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu nhiều người muốn tìm kiếm sự an toàn trong thời chiến và thành phố ngầm Nushabad đã làm được điều đó. Hầu hết các lối vào thành phố đều rất nhỏ, điều đó có nghĩa là nếu có đội quân nào muốn chiếm cứ thành phố thì họ sẽ phải mất rất nhiều thời gian.
Một giả thuyết bất ngờ khác
Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt giả thuyết về chiến tranh và thời tiết khắc nghiệt sang một bên, thì nguyên nhân bất ngờ khác được đặt ra là do một cuộc chiến hạt nhân thời cổ đại từng xảy ra trong khu vực. Và người ta muốn tìm kiếm một nơi ẩn náu an toàn trước thảm họa.
Ở di tích khảo cổ Mohenjo-Daro, phía Tây Pakistan, người ta đã tìm thấy bằng chứng cho thấy một vụ nổ hạt nhân xảy ra từ hàng nghìn năm trước. Nhiều tác giả cho rằng các nền văn minh tiền sử trước đây từng sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến, trong đó có cả vũ khí và chiến tranh hạt nhân.
Thành phố cổ Mohenjo-Daro đã bị phá hủy, người ta đã tìm thấy nhiều tầng đất sét và thủy tinh có màu lục. Theo nhiều nhà khảo cổ cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng này là do đất sét và cát dưới áp lực của một nguồn nhiệt cực cao đã tan chảy rồi đông cứng lại thành thủy tinh. Những tầng thủy tinh màu lục này cũng được tìm thấy ở vùng sa mạc Nevada sau các vụ thử hạt nhân của Hoa Kỳ. Không những vậy, các nhà khảo cổ còn tìm thấy 12 bộ hài cốt ở Mohenjo-Daro với mức phóng xạ cao gấp 50 lần so với bình thường.
Các tòa nhà ở trung tâm vụ nổ đã tan chảy do nhiệt độ vượt quá 1500oC.
Dù nằm cách Mohenjo-Daro hơn 2 nghìn km, nhưng khu vực thành phố ngầm vẫn trong tầm ảnh hưởng của vụ nổ hạt nhân, do đó nhiều tác giả đã ủng hộ giả thuyết thành phố này là một hầm trú ẩn hạt nhân cỡ lớn của các kiến trúc sư cổ đại. Và hơn nữa nó cũng cho thấy sự tiên tiến trong khoa học và quân sự của con người từ hàng ngàn năm trước.
Hoàng An