Thảm kịch nhà vệ sinh trường học và nỗi đau ám ảnh cả đất nước Nam Phi
Cái chết của cậu bé Michael Komape tại bãi đất phía sau trường tiểu học Mahdolumela ở làng Chebeng vào năm 2014 đã gây chấn động đất nước Nam Phi, và còn để lại dư chấn cho đến tận ngày nay.
Tháng Một năm đó, bé Michael Komape, một học sinh 5 tuổi mới chỉ đến trường được vỏn vẹn 3 ngày, đã đi ra bãi đất này để sử dụng nhà vệ sinh của trường học.
Gọi là nhà vệ sinh, nhưng thực ra đây chỉ là một hố xí cũ nát với thiết kế đơn giản: Một tấm xi măng thủng một lỗ ở giữa đặt trên một cái hố lớn. Michael chỉ có một mình, và với thân hình nhỏ bé, bé trai đã bị ngã xuống hố xí và chết ngạt.
Ban đầu, không ai tìm thấy Michael ở đâu. Nhiều giờ sau đó, anh James Komape, bố của cậu bé, mới nhận được cuộc điện thoại từ trường học thông báo điều đã xảy ra. Anh Komape đã chạy bộ ba cây số tới trường để chứng kiến cảnh cậu con trai của mình ngập sâu dưới hố xí, chỉ nhìn thấy một bàn tay bé nhỏ thò lên trên. Mẹ của Michael cũng đã ở đó. Hiệu trưởng đã ngăn không cho cặp vợ chồng đưa thi thể con trai mình lên khỏi hố xí. Bà nói rằng họ phải đợi nhà chức trách tới.
“Khi tới trường, tôi vô cùng đau buồn thì thấy con trai vẫn ở bên dưới hố xí”, anh Komape nói. Chưa rõ nguyên nhân vì các nhà trường đã trì hoãn việc đưa thi thể cậu bé ra ngoài.
Cái chết của Michael gây phẫn nộ trên toàn đất nước Nam Phi. Gia đình cậu bé đã đâm đơn kiện chính quyền trong một vụ kiện đã kéo dài nhiều năm và hiện vẫn trong quá trình giải quyết.
Sau đó chỉ hai tháng, một thảm kịch khác lại xảy ra với một kịch bản tương tự điều đã xảy ra với bé Michael. Lumka Mketwa, một cô bé cũng mới lên 5 tuổi, đã ngã xuống hố xí tại trường tiểu học của mình ở tỉnh Eastern Cape. Bé Lumka cũng đã chết ngạt.
Người dân Nam Phi bàng hoàng vì một sự việc đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của học sinh như vậy đã có thể xảy ra tới hai lần. Tổng thống Cyril Ramaphosa, người mới chỉ lên nắm quyền một tháng sau cái chết của Lumka, đã yêu cầu kiểm tra khẩn cấp toàn bộ công trình vệ sinh thiếu an toàn tại các trường công. Nếu chiếu theo chuẩn giáo dục quốc gia của Nam Phi, hố xí thô sơ không được phép sử dụng trong trường học. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có khoảng 4.000 trường học đang phải sử dụng hố xí. Khoảng 3.000 trường học khác đã được xây dựng nhà vệ sinh mới nhưng vẫn chưa phá bỏ hố xí cũ.
Hồi tháng Tám vừa qua, chính phủ Nam Phi đã bắt đầu một chiến dịch công – tư nhằm xóa bỏ hố xí không an toàn tại các trường công trong vòng hai năm tới.
“Chúng tôi hy vọng sẽ xóa bỏ loại hố xí xú uế khỏi đất nước chúng ta”, Tổng thống Ramaphosa phát biểu trong sự kiện phát động Sáng kiến Nhà vệ sinh Phù hợp trong Trường học hồi giữa tháng Tám. “Chúng ta sẽ làm điều này ngay từ hôm nay. Và chúng ta sẽ làm được”.
Hố xí chỉ là một trong hàng loạt thách thức mà các trường học nghèo ở vùng nông thôn Nam Phi đang phải đối mặt sau nhiều thập kỷ bị quên lãng dưới chế độ phân biệt chủng tộc apartheid. Trước khi chế độ người da trắng thống trị kết thúc vào năm 1994, các trường học dành cho trẻ em da đen gần như không được chính phủ ngó ngàng. Quyền được hưởng giáo dục căn bản đã trở thành một trong những nguyên lý nền tảng của bản hiến pháp Nam Phi mới khi nó được thông qua vào năm 1996.
Giờ đây, chính phủ của Tổng thống Ramaphosa cam kết sẽ giải quyết vấn đề nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn tại các trường học. Nhưng với những giáo viên và phụ huynh tại các cộng đồng đã chờ đợi nhiều năm ròng trong vô vọng thì vẫn còn sự hoài nghi.
Tại làng Chebeng, đã có những đổi thay tại các trường tiểu học sau cái chết của bé Michael. Hố xí được thay thế bằng một loại nhà vệ sinh an toàn hơn có bệ ngồi chắc chắn. Nhưng chỉ cách ngôi làng này không xa, nhiều trường học khác vẫn phải sử dụng hố xí.“Nhà vệ sinh không phải là một trong những ưu tiên hàng đầu tại các trường học”, anh David Allen Still, một nhà tư vấn thiết kế đã tham gia khảo sát hàng trăm công trình vệ sinh trường học ở Nam Phi cho biết. “Điều kiện vệ sinh rất tồi tệ”.
Tuy hố xí ở những trường học này có phần an toàn hơn tại trường của bé Michael, nhưng chúng vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ. Ví dụ như tại trường tiểu học Utjane, nhiều hố xí có chiều sâu tới 2 mét với lỗ có đường kính lên tới 30 cm. Một học sinh nhỏ tuổi có thể dễ dàng ngã lọt xuống hố này mà không thể kêu cứu do hố xí được xây rất xa lớp học
“Con cái chúng tôi không được an toàn khi sử dụng những hố xí này”, chị Mataphelo Legodi, một phụ huynh có hai con đang theo học tại trường Utjane nói. “Khi một đứa trẻ vào đây, không ai có thể thấy điều gì xảy ra với chúng”.
Vị phụ huynh này đã từng giúp một học sinh 7 tuổi bị mắc kẹt một chân trong hố xí. Chị không tin tưởng rằng những cam kết của chính phủ sẽ đem lại kết quả tại ngôi trường này. “Tôi không cho rằng tình hình sẽ thay đổi”, chị Legodi cho biết. “Chính phủ đã hứa hẹn nhiều nhưng chẳng ra đâu vào đâu”.
Tại trường tiểu học Sebushi cách đó chỉ vài cây số, nhà vệ sinh cũng trong tình trạng tương tự. Để đối phó với nguy cơ, nhà trường đưa ra quy định học sinh lớp dưới chỉ được đi vệ sinh khi có thầy cô giáo hoặc một học sinh lớn hơn đi kèm.
“Chúng tôi đã nộp đơn xin được xây dựng nhà vệ sinh mới, nhưng họ trả lời rằng có quá nhiều trường đã đăng ký, nên chúng tôi vẫn ở trong danh sách chờ”, thầy giáo Madumetja Kganyago, người đã giảng dạy ở trường Sebushi suốt hơn 25 năm cho biết. “Chính phủ đã cam kết họ sẽ hành động, nhưng mà chúng tôi vẫn đang phải chờ đợi. Chúng tôi không biết bao giờ mới đến lượt trường mình”.
Tại ngôi trường này, vòi bơm nước giếng khoan cũng đã ngừng hoạt động, khiến cho tình trạng vệ sinh trở nên càng tồi tệ hơn khi trường không có nước sử dụng trong suốt vài tháng qua. Để giảm nguy cơ cho học sinh, trường Sebushi có giải pháp tạm thời là sử dụng những tấm tôn che chắn những phần hở đằng sau hố xí. Nhưng giải pháp này cũng không khiến các thầy cô giáo yên tâm hơn được là bao.
“Nếu học sinh đi ra phía sau này, chúng tôi sẽ không thể biết chắc được là các em có an toàn trở về hay không”, thầy Kganyago nói. “Một ngày nào đó, ngay cả bệ bê tông có thể cũng sẽ sụp xuống”. Do ngân sách không cung cấp đủ kinh phí, Bộ Giáo dục Cơ bản Nam Phi đã phải huy động các doanh nghiệp tư nhân và đã huy động được khoảng 3 triệu USD để xây dựng nhà vệ sinh mới cho các trường học.
“Nếu chỉ với ngân sách nhà nước thì phải đến năm 2025 chúng tôi mới hoàn tất việc thực hiện sáng kiến này”, bà Troy Martens, người phát ngôn Bộ Giáo dục Cơ bản Nam Phi cho biết. Bà Marten cho biết sáng kiến sẽ không chỉ xóa bỏ các hố xí kiểu cũ trong trường học mà còn sửa chữa những nhà vệ sinh kiểu mới nhưng đang hỏng hóc, không hoạt động.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi nhà vệ sinh đều phù hợp, an toàn và đạt tiêu chuẩn”, bà Martens nói.
Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng kế hoạch xóa bỏ hố xí thiếu an toàn trong hai năm tới là quá chậm chạp.
Ông Sheniece Linderboom, một luật sư thiện nguyện đại diện cho gia đình bé Michael cho rằng thời gian kéo quá dài của sáng kiến này cho thấy chính phủ vẫn “chưa thực sự nhìn nhận vấn đề nhà vệ sinh mất an toàn tại trường học như một vấn đề cấp thiết phải giải quyết”.
Năm 2015, gia đình Komape đã khởi kiện chính phủ về những thiệt hại vật chất và tinh thần sau cái chết của con mình. Các luật sư lập luận cái chết của Michael là sự vi phạm quyền con người đã được quy định trong hiến pháp, trong đó có quyền thụ hưởng giáo dục cơ bản, quyền bình đẳng và quyền phẩm giá.
Chính phủ Nam Phi thừa nhận trách nhiệm của mình trước cái chết của bé Michael đã đề xuất đền bù cho gia đình em 9.200 USD. Trong phán quyết đưa ra hồi tháng Tư, tòa án bác bỏ một số cáo buộc từ phía gia đình nhưng yêu cầu chính phủ đền bù thêm khoản chi phí điều trị tâm lý cho gia đình. Thẩm phán cũng yêu cầu chính phủ tiến hành kiểm tra toàn diện các công trình vệ sinh trường học ở tỉnh Limpopo và đưa ra kế hoạch giải quyết vấn đề này trên diện rộng.
Gia đình bé Michael không hài lòng với phán quyết này. Họ đã kháng án lên Tòa án Tối cao Nam Phi yêu cầu đền bù một khoản hơn 200.000 USD. Nếu gia đình Michael kháng án thành công, luật sư Linderboom cho rằng đây sẽ trở thành một “án lệ” về mức đều bù cho công dân khi quyền hiến định của họ bị xâm phạm thô bạo.
“Tôi rất thất vọng với phán quyết của tòa”, anh James Komape, bố của Michael nói. “Con cái của ông thẩm phán cũng đi học và chúng được an toàn. Còn con tôi đi học, và nó đã phải chết”.
>>> Thuốc thịt người’ chỉ là 1 trong 3 ngành công nghiệp ‘ghê rợn’ tại Trung Quốc
>>> Tổng biên tập tạp chí của Nhân dân Nhật báo TQ nhảy lầu tự tử
Theo ngaynay.vn