Thảm kịch Germanwings: Máy bay bị hack chứ không phải do cơ phó?
(PLO) – Một chuyên gia hàng không đã đặt câu hỏi: Liệu có phải chiếc máy bay định mệnh Germanwings đã bị hack trước khi rơi khiến 150 người trên chuyến bay thiệt mạng?
Giả thiết này đã được đặt ra trong bức thư gửi đến tờ Financial Times bởi ông Matt Andersson, chủ tịch hãng hàng không Indigo Aerospace.
Thảm kịch ở dãy núi Alps, Pháp xảy ra trên chuyến bay từ Barcelona đến Dusseldorf đã được quy cho cơ phó Andreas Lubitz (28 tuổi). Người ta cho rằng anh đã tự nhốt mình trong buồng lái chiếc Airbus A320 của hãng Germanwings khiến cơ trưởng không thể vào trong được trước khi máy bay lao xuống sườn núi, gây ra thảm kịch kinh hoàn.
Điều tra viên cho biết cơ phó đã có tiền sử mắc bệnh tâm thần và anh đã giấu đi giấy chứng nhận của bác sĩ.
Chuyên gia hàng không nhận định có thể một yếu tố từ xa (hack thiết bị điện tử chẳng hạn) là nguyên dân dẫn đến thảm họa rơi máy bay Germanwings khiến 150 người thiệt mạng.
Ông Andersson cho biết các điều tra viên đều rõ một điều rằng chiếc máy bay tăng tốc đột ngột. Nhưng trong tờ Financial Times, ông cho rằng có thể có rất nhiều nguyên nhân gây ra thảm kịch này, kể cả việc bị hack hệ thống điều khiển và định vị máy bay bằng phần mềm độc hại.
“Đây là một trong những nguyên nhân máy bay quân sự và chuyên cơ của Tổng thống thường được trang bị lớp giáp dày đặc biệt và các biện pháp bảo vệ tăng cường hiệu quả mà không máy bay dân sự nào có.”
Ông Andersson cho rằng mọi người không nên đưa ra phán xét cuối cùng cho đến khi các điều tra viên có kết luận chính xác nhất.
Ông nói thêm: “Công chúng nên kiên nhẫn chờ đợi sự điều tra của các chuyên gia an toàn hàng không, thay vì đưa ra phán xét cá nhân qua những giả thuyết sơ bộ.”
Đoạn thu âm từ buồng lái cho thấy cơ phó Andreas Lubitz (trái) đã tự nhốt mình trong buồng lái trong khi cơ trưởng Patrick Sondenheimer tìm cách vào trong.
Ông cho biết: “Cả thiết bị thu âm buồng lái (CVR) và thiết bị lưu trữ dữ liệu chuyến bay (FDR) của chuyến bay Germanwings 9525 đều chưa đạt chuẩn quốc tế. Những nhận định được đưa ra truyền thông hiện nay có thể không chính xác, dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng như sai lầm trong việc cáo buộc trách nhiệm, đền bù tài chính, bảo hiểm.”
Theo điều tra viên, cơ phó Andreas Lubitz được cho là người gây ra thảm kịch khi nhốt mình trong buồng lái và cố ý gây ra tai nạn.
Từ khi tai nạn xảy ra, lãnh đạo hàng không châu Âu đã khuyến cáo trên khoang máy bay lúc nào cũng phải có hai người, và thành viên phi hành đoàn phải can thiệp nếu một trong hai phi công rời buồng lái.
Trên tờ Financial Times, ông Andersson cho rằng việc tiết lộ nhỏ giọt các đánh giá sơ bộ về vụ thảm họa có thể gây phản tác dụng. Ông cho biết Hiệp hội phi công châu Âu đại diện cho gần 40.000 phi công chuyên nghiệp hoàn toàn có cơ sở khi chỉ trích việc công bố quá sớm những đoạn ghi âm trong buồng lái máy bay.
Hoàng Cào
Theo Pháp luật TPHCM