Thảm họa hạt nhân Chernobyl: Khi dối trá nguy hiểm hơn chất phóng xạ
Vụ tai nạn Chernobyl được xem là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Nhưng thứ nguy hiểm nhất dẫn đến thảm họa này không phải chất phóng xạ, mà là sự che đậy và dối trá.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba hôm 4/3 xác nhận một vụ hỏa hoạn đã xảy ra gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Tin tức cập nhật cho thấy nhà máy hiện đã an toàn.
Nhà máy điện Zaporizhzhia có 6 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp hơn 1/5 tổng sản lượng điện ở Ukraine.
Trước đó, lực lượng của Nga cũng đã chiếm được nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cách Kiev 100km về phía Bắc, nơi từng xảy ra Thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Thảm họa này cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của Liên Xô cũ.
Ngày 26/4/1986, nhà máy Chernobyl bị nổ tại lò phản ứng số 4. Vụ tai nạn khiến lượng phóng xạ phát ra gấp khoảng 350 lần quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima.
Thảm họa Chernobyl lớn đến mức nó khiến nhà nước Xô Viết khánh kiệt ngân quỹ vì các phí tổn giải quyết thiệt hại. Việc này đã làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế của cả khối Xô Viết, và khiến nó tan rã chỉ 5 năm sau đó.
Rất khó để đưa ra con số chính xác về tổng số người thiệt mạng do thảm họa này. Một bản báo cáo năm 2005 của Hội nghị Chernobyl cho rằng có 56 người chết ngay lập tức sau vụ nổ; 47 công nhân và 9 trẻ em tử vong vì ung thư tuyến giáp, khoảng 9.000 người cuối cùng sẽ chết vì một loại bệnh ung thư nào đó.
Riêng tổ chức Hoà bình Xanh ước tính tổng số người chết là 93.000, sau đó ghi thêm trong báo cáo rằng: “Những con số được đưa ra gần đây nhất cho thấy chỉ riêng ở Belarus, Nga và Ukraina, vụ tai nạn có thể đã dẫn tới cái chết thêm của khoảng 200.000 người trong giai đoạn từ 1990 đến 2004”.
Những người trực tiếp ấn nút kích hoạt trong phòng điều khiển là những công nhân, mà hầu hết là thiếu kinh nghiệm và không hiểu rõ chính xác những gì họ làm, lại được hướng dẫn bởi những người lãnh đạo bất chấp mọi thứ để đạt thành tích báo cáo. Từng giây, từng phút trong phòng điều khiển đêm hôm đó, mọi hành động của họ như được lập trình để dẫn đến sai lầm.
Năng lượng nguyên tử có lẽ là thứ vũ khí với sức mạnh hủy diệt ghê gớm nhất mà con người từng phát minh ra. Trong loạt phim Chernobyl phát sóng trên kênh HBO năm 2019, hình ảnh những người lính cứu hỏa – lực lượng đầu tiên có mặt ứng cứu tại hiện trường – tiếp xúc với phóng xạ và nhanh chóng tan rã như một lời nhắc nhở về sự nhỏ bé và vô minh của con người.
Yếu tố nguy hiểm nhất do Chernobyl phóng ra không phải là Cesium hay Plutonium, mà là sự dối trá.
Khi dối trá nguy hiểm hơn phóng xạ
Rất nhiều người hùng đã hy sinh tính mạng của mình trong thảm họa Chernobyl để bảo vệ sinh mạng triệu người dân. Những cái tên cần kể đến như Alexei Ananenko, Valeri Bezpalov và Boris Baranov.
Tuy nhiên, có một người hùng khác mà cái chết của ông đã khiến người ta rùng mình kinh hãi về sự tàn khốc của chế độ. Người anh hùng đó là Valery Legasov.
Valery Legasov là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, cũng là Chủ tịch Ủy ban Điều tra Tai nạn Hạt nhân Chernobyl. Ông đã sử dụng cách tự sát như một phương thức chiến đấu cuối cùng của mình; những lời nhắn nhủ của ông trong đoạn băng thu âm trở thành di thư nhắn gửi thế giới nguyên nhân thật sự của thảm họa Chernobyl.
Vào thời điểm xảy ra vụ nổ, Viện sĩ Legasov là nhà khoa học duy nhất trực tiếp làm việc tại hiện trường. Ông đã sử dụng trực thăng quân sự bay quanh khu vực lò phản ứng bị nổ 5-6 lần/ngày, trong khi mức độ phóng xạ đã vượt quá 500 roentgen/giờ – chỉ số tối đa của máy đo tia X đặt trên máy bay.
Sau quá trình khảo sát, ông đã đề nghị dùng trực thăng thả hỗn hợp gồm các chất có chứa boron, chì và dolomite xuống khu vực lò số 4 để ngăn chặn cháy tâm lò.
Do ở gần lò phản ứng hạt nhân bị nổ 4 tháng và bị nhiễm phóng xạ liều cao, Legasov bị khàn giọng, ho không ngớt, mất ngủ, ăn ít và ngày càng gầy đi…
Tháng 8/1986, tại Hội nghị đặc biệt của IAEA ở Vienna, với sự tham gia của 500 chuyên gia đến từ 62 quốc gia, Viện sĩ Valery Legasov trình bày bản báo cáo trong 5 giờ đồng hồ. Sau hội nghị đó, ông nổi tiếng khắp châu Âu, được vinh danh là “Người đàn ông của năm” và lọt vào top 10 nhà khoa học ưu tú nhất thế giới.
Vào tháng 3 năm 1987, trước khi trở lại một cuộc họp khác của IAEA, ông đã thỏa hiệp để đổi lấy cam kết của chính quyền trong việc cải thiện các sai sót trong thiết kế của lò phản ứng hạt nhân. Theo thỏa hiệp này, ông phải đổ lỗi vụ tai nạn là do vi phạm của tổ vận hành. Nhưng ông không ngờ được rằng chính quyền không những không giữ lời hứa mà còn yêu cầu ông tiếp tục khai man… Ông đã chống trả, kết quả họ đưa ông ra xét xử như một tội đồ thay vì xem ông như một người hùng.
Thẩm phán nói: Nếu anh nghĩ Liên Xô phải chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra, tôi phải cảnh báo anh – vị trí của anh rất nguy hiểm.
KGB cũng đe dọa ông: Khi một viên đạn xuyên qua hộp sọ của ông, thì nguyên nhân có còn quan trọng không?
Nhưng do tên tuổi của Legasov quá lớn nên chính quyền đã giữ lại mạng sống của ông, và để cho ông tại vị trên danh nghĩa. Họ tước đi quyền tự do và công việc của ông, quản thúc việc giao tiếp và các mối quan hệ của ông. Vào ngày 26 tháng 4 năm 1988, cùng thời điểm hai năm sau vụ tai nạn hạt nhân, ông đã tự sát bằng cách treo cổ.
Sự việc gây chấn động quốc tế, cho nên các sai sót về thiết kế mà Legasov đã chỉ ra ở ba lò phản ứng khác tại nhà máy điện Chernobyl nhanh chóng được xác định và sửa chữa. Trên thực tế, mối nguy tiềm ẩn này đã được phát hiện ngay từ năm 1975, nhưng chính phủ đã cố tình che giấu, mà ngay cả những người vận hành nhà máy điện hạt nhân cũng không biết. Trong khi đó, tất cả các lò phản ứng hạt nhân cùng loại ở Liên Xô đều có nguy cơ chết người này. Sau khi thảm họa xảy ra, họ vẫn tiếp tục lừa dối cộng đồng quốc tế và chính người dân của mình.
Muốn có sự thật phải có dũng khí
Ngày 20 tháng 9 năm 1996, Tổng thống Yeltsin của Liên bang Nga đã truy tặng danh hiệu “Anh hùng Liên bang Nga” cho Viện sĩ Valery Legasov vì “lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng” của ông.
“Có sự thật thì mới có an toàn, nhưng muốn có sự thật thì phải có dũng khí”.
Legasov tuyên bố trong đoạn băng: “Nhà khoa học thật ngây thơ, chúng tôi quá quan tâm đến việc theo đuổi sự thật, mà không biết rằng rất ít người muốn chúng tôi tìm ra sự thật. Nhưng sự thật vẫn ở đó, cho dù chúng ta có tìm thấy nó hay không, mặc cho chúng ta lựa chọn “nhìn mà không thấy”. Sự thật sẽ không quan tâm đến nhu cầu hay ý muốn của chúng ta, cũng không quan tâm đến chính phủ, hệ tư tưởng hay tôn giáo của chúng ta. Nó sẽ luôn ở đó chờ được khám phá, và nó là món quà còn sót lại sau vụ tai nạn Chernobyl”.
Món quà này nhắn nhủ mọi người rằng việc lựa chọn “mắt nhắm mắt mở” trước sự thật, không phải là lựa chọn an toàn để tồn tại trong thời gian khó khăn. Sự bùng phát COVID-19 là ví dụ. Những bác sĩ cảnh báo đại dịch ngay từ sớm đã bị chính quyền Trung Quốc răn đe bịt miệng. Cũng như Legasov, cái tên Lý Văn Lượng một ngày nào đó sẽ được người Trung Quốc tưởng nhớ như một người hùng.
Việt Anh (t/h)