Thảm họa bao vây: Tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc bùng phát bệnh viêm gan A
Một công ty ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã công bố một thông báo trên mạng vào ngày 7/3, cảnh báo các nhân viên rằng dịch bệnh viêm gan A đã bùng phát ở khu vực Đại Liên và Đan Đông. Tuy nhiên, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đại Liên cho biết đây chỉ là tình trạng “lẻ tẻ” và chưa “bùng phát tập trung”.
Vào tối ngày 7/3, một “Thông báo” được đóng dấu chính thức của “Công ty TNHH Dược phẩm Cửu Châu Thông (Cẩm Châu)” lưu hành trên Internet đã thu hút sự chú ý của công chúng.
Thông báo đề cập đến khu vực Đại Liên và Đan Đông vì ăn nhiều sản phẩm hải sản nên dẫn đến bệnh viêm gan A bùng phát. Công ty cảnh báo nhân viên và người thân không nên sử dụng các sản phẩm hải sản trong thời gian này, đồng thời với việc ngăn ngừa virus Corona mới (COVID-19), thì cũng cần phải ngăn ngừa viêm gan A lây lan. Thông báo được ban hành vào ngày 6/3/2020.
Sau khi thông báo này được đưa ra trên Internet, cư dân mạng đã bàn luận sôi nổi về việc liệu bệnh viêm gan A có bùng phát ở tỉnh Liêu Ninh hay không.
Tờ “National Business Daily” của Đại lục đưa tin, hôm đó đã kiểm tra tính xác thực của thông báo này với nhân viên của Cửu Châu Thông và được các nhân viên xác nhận. Sau đó, các phương tiện truyền thông đã truy vấn Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đại Liên về vấn đề trên, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh đã trả lời rằng, thực sự có một vài trường hợp viêm gan A ở Đại Liên, nhưng nó vẫn ở trong tình trạng phân tán nhỏ lẻ và chưa đến mức độ bùng phát tập trung.
Các nhân viên của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cũng cho biết, dữ liệu hiện tại cho thấy tỷ lệ mắc bệnh viêm gan A năm nay cao hơn khoảng 1,2% -1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. “Các doanh nghiệp và tổ chức ban hành thông báo nội bộ để hướng dẫn chỉ đạo là không sai, nhưng đề nghị phải dựa theo tin tức chính thức của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh”.
Được biết, ngay từ hai ngày cuối cùng của tháng 2 năm nay, tin tức về sự bùng phát của virus viêm gan A (viêm gan A) ở Liêu Ninh và Sơn Đông đã bắt đầu lan truyền trong cộng đồng mạng ở Trung Quốc. Vào thời điểm đó, một số cư dân mạng đã tiết lộ tin tức rằng, thị xã Đông Cảng trực thuộc thành phố Đan Đông và thị xã Trang Hà trực thuộc thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã có nhiều trường hợp mắc bệnh viêm gan A, các bệnh viện truyền nhiễm ở địa phương đã chật kín người.
Có cư dân mạng còn đưa lên thông báo hỏa tốc của phía chính quyền trên WeChat, thông báo đề cập đến việc khi xét nghiệm trong phòng thí nghiệm chức năng gan của Bệnh viện Trung ương Trang Hà, thì 5 trong số 12 người có kết quả xét nghiệm dương tính. Những tin tức này đều chỉ ra rằng, hải sản có khả năng là nguồn lây nhiễm viêm gan A, kêu gọi người dân địa phương ngừng ăn hải sản để ngăn ngừa sự lây lan của viêm gan A.
Vào ngày 28/2, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Bồng Lai, Sơn Đông cũng báo cáo rằng, có nhiều trường hợp mắc bệnh viêm gan A trong thành phố và hầu hết trong số họ đã ăn các loại hải sản có vỏ từ 2 – 6 tuần trước khi phát bệnh.
Tuy nhiên, vào ngày 29/2, nhiều phương tiện truyền thông của ĐCSTQ bao gồm Tân Hoa Xã đã lần lượt lên tiếng để “dập tin đồn”, nói rằng bệnh viêm gan A ở Đông Cảng và Trang Hà là “bùng phát nhỏ lẻ” và không có “trường hợp bệnh lý lây nhiễm thứ phát”.
Quan chức Văn phòng Tin tức thành phố Đan Đông cũng đăng một bài viết vào ngày 2/3 nói rằng: “Mặc dù số ca mắc viêm gan A ở thành phố của chúng ta đã tăng nhẹ, nhưng nó đã được kiểm soát”. Cùng ngày, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã đưa tin rằng, cục Công an Đông Cảng đã “triệu tập và cảnh cáo nhiều người tung tin đồn bừa bãi”.
Trong giai đoạn đầu khi bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán, các quan chức và cảnh sát Vũ Hán đã “bắt tay” để đàn áp các bác sĩ tuyến đầu tiết lộ thông tin, che giấu sự thật rằng lây nhiễm tập thể và thậm chí là lây nhiễm y tế đã xảy ra. Do đó, dịch viêm phổi Vũ Hán đã chuyển biến xấu và lan rộng nhanh chóng vào tháng sau. Thành phố Vũ Hán đã đóng cửa gần 50 ngày, cho đến nay vẫn chưa được gỡ bỏ lệnh “phong thành”.
Bài học đau đớn vẫn đang bày ra trước mắt, công chúng đặt câu hỏi về phương sách đối phó của ĐCSTQ đối với sự bùng phát của bệnh viêm gan A ở Liêu Ninh, sợ rằng ĐCSTQ sẽ lặp lại những sai lầm tương tự như dịch viêm phổi Vũ Hán.
Tư liệu cho thấy, viêm gan A là một bệnh truyền nhiễm cấp tính xảy ra ở gan và do nhiễm virus viêm gan A gây ra. Thời gian ủ bệnh cho virus viêm gan A là khoảng 2 đến 6 tuần. Các đường lây truyền phổ biến nhất là lây nhiễm qua ăn uống và lây nhiễm khi tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân.
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân viêm gan A bao gồm mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, vàng da, sốt và đau bụng. Kiểm tra y tế có thể thấy gan to và chức năng gan bất thường… đa phần các trường hợp xuất hiện hiện tượng vàng da. Bệnh nhân nặng có thể bị suy gan cấp tính.
Minh Huy (Theo NTDTV)