“Thái tử Đảng” gián tiếp phản bác tin đồn “chính biến”
Gần đây ông Hồ Hải Phong khi trả lời phỏng vấn đã nhấn mạnh “chỉ thị” của lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình. Động thái này đã gián tiếp phản bác lại nhiều tin đồn liên quan đến vị thế chính trị của ông Tập Cận Bình.
Trong 1 tháng 2 lần ca ngợi Tập Cận Bình
Ngày 30/7, con trai cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào là ông Hồ Hải Phong – Bí thư thành phố Lệ Thủy (Lishui) tỉnh Chiết Giang đã nhận trả lời phỏng vấn truyền thông, qua đó nhấn mạnh phải “bám sát” quan điểm “biểu dương Lệ Thủy” 102 chữ của lãnh đạo Tập Cận Bình, phát huy lợi thế để phát triển kinh tế sinh thái cho thành phố Lệ Thủy.
Lần này là lần thứ 2 sau khi nhậm chức ông Hồ Hải Phong công khai ca tụng ông Tập Cận Bình. Vào ngày 9/7, Nhật báo Lệ Thủy tỉnh Chiết Giang đã đưa tin, trong thời gian đi khảo sát tại huyện Toại Xương, ông Hồ Hải Phong cho biết toàn thành phố nên “bám sát” tinh thần chỉ đạo “biểu dương Lệ Thủy” với 102 chữ của Tổng bí thư Tập Cận Bình trong Diễn đàn phát triển vành đai kinh tế Trường Giang, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển xanh, điện toán đám mây.
Cái gọi là “biểu dương Lệ Thủy” là chỉ trong sự kiện Diễn đàn phát triển vành đai kinh tế Trường Giang ngày 26/4, ông Tập Cận Bình cho biết Lệ Thủy đã nỗ lực đi theo con đường phát triển xanh và bảo vệ môi trường và giới quan chức Lệ Thủy xem đây là “lời khen ngợi Lệ Thủy”.
Lệ Thủy là địa cấp thị có diện tích lớn nhất nhưng nghèo nhất tỉnh Chiết Giang, nhưng thành phố này cũng được xem là “thành phố sinh thái đầu tiên của Trung Quốc”.
Ngày 2/7, chính quyền tỉnh Chiết Giang ra thông báo bổ nhiệm cựu Phó Bí thư và Thị trưởng thành phố Gia Hưng Hồ Hải Phong nhậm chức Bí thư thành phố Lệ Thủy.
Hồ Hải Phong gián tiếp bác tin đồn liên quan đến Hồ Cẩm Đào
Trước và sau khi ông Tập Cận Bình có chuyến công du nước ngoài vào ngày 19/7, Trung Quốc tràn ngập tin đồn chính trị thông qua các phương tiện truyền thông xã hội bên ngoài Trung Quốc. Tổng hợp nguồn tin cho thấy những tin đồn bao gồm: các trưởng lão đập bàn tranh luận lên án ông Tập Cận Bình, ký thư chung yêu cầu phế bỏ ông Tập; Vương Hộ Ninh bị ép rời bỏ chức vụ, thay thế bằng Uông Dương; Hồ Xuân Hoa vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị trở thành người kế nhiệm Tổng Bí thư, giữ lại vị trí đối với Tập Cận Bình; sửa đổi Hiến pháp lần thứ hai, xem lại nhiệm kỳ Chủ tịch nước; thay thế Tập Cận Bình, Lưu Hạc, và Uông Dương…
Trong số tin đồn này còn có tin đồn liên quan đến ông Hồ Cẩm Đào cùng các nguyên lão gồm Giang Trạch Dân, Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo đã ký thư chung gửi Bộ Chính trị, lá thư lên án thực trạng sau Đại hội 19 nổi lên xu thế tả khuynh và sùng bái cá nhân, yêu cầu triệu tập một cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị. Dưới sức ép của giới nguyên lão, Hội nghị mở rộng Bộ Chính trị đã được tổ chức lúc 2:30 sáng vào ngày 11/7 và kéo dài 2 ngày cho đến 13/7. Do thực trạng ĐCSTQ gặp quá nhiều khốn đốn về đối nội cũng như đối ngoại, lại bị cuốn vào cuộc chiến thương mại với Mỹ nên ông Tập Cận Bình bị truy cứu trách nhiệm. Trong thời gian diễn ra hội nghị đã thay thế đội quân cảnh vệ Bắc Kinh, ban hành thiết quân luật và quân đội đặt vào trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh.
Tuy nhiên, thời điểm đó Minh Báo (Ming Pao) Hồng Kông đã xuất bản một bài phân tích cho rằng những tin đồn là không đúng.
Bài viết này chỉ ra, trong chuyến thăm gần đây đến vùng nông thôn của con trai ông Hồ Cẩm Đào là Hồ Hải Phong đã nhấn mạnh quan điểm tất cả các công việc phải thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Tập Cận Bình, điều này cho thấy tin đồn ông Hồ Cẩm Đào liên kết cùng các nguyên lão khác “đánh Tập Cận Bình” không thể là sự thật. Còn đối với ông Hồ Xuân Hoa thì mới năm ngoái còn “may mắn thoát nạn” nay lại bị đồn thành người tiếp quản quyền lực là có mưu đồ “đưa ông ta lên hỏa thiêu”.
Ông Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến công du nước ngoài vào 29/7, cùng ngày tờ Epoch Times tại Mỹ đã xuất bản bài phỏng vấn một “thái tử Đảng” giấu tên, theo đó người này khẳng định chuyện Hồ Cẩm Đào có thể liên kết với Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng là không thể xảy ra vì mâu thuẫn giữa họ xưa nay đã quá lớn, không thể liên kết nhau được.
Đối với khả năng tại Hội nghị Bắc Đới Hà các nguyên lão sẽ liên kết truy cứu ông Tập Cận Bình, vị “thái tử Đảng” thế hệ thứ hai này cũng cho rằng không có khả năng: “Nếu có xảy ra thì cao nhất là họ (các nguyên lão) nói được một vài lời muốn nói, chưa kể trong số họ cũng không thống nhất ý chí. Ông Giang Trạch Dân không thể đứng chung với ông Hồ Cẩm Đào, còn ông Ôn Gia Bảo và Chu Dung Cơ cũng không thể đồng lòng với ông Giang Trạch Dân, họ không có sợi dây nào để liên kết được”.
Hồ Hải Phong được Tập Cận Bình dựng lên “làm gương”?
Ông Hồ Hải Phong là con trai của cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, con đường quan lộ luôn nhận được nhiều chú ý. Dù cho vấn đề thăng quan tiến chức của Hồ Hải Phong là trong dự kiến, nhưng kết quả cuối cùng đối với nhiều người vẫn khá gây bất ngờ.
Ông Hồ Hải Phong từng là Viện trưởng Viện Delta Region Đại học Thanh Hoa tại Chiết Giang, Bí thư Ban Chính trị và Pháp chế kiêm Phó Bí thư Ủy ban thành phố Gia Hưng. Vào tháng 3/2016, ông nhậm chức Thị trưởng thành phố Gia Hưng và vào tháng 4/2017, tái nhiệm Thị trưởng Gia Hưng. Hai năm nay đã có nhiều tin đồn về chuyện ông Hồ Hải Phong sắp lên chức, trong đó gần đây có thông tin làm Bí thư thành phố Gia Hưng, nhưng cuối cùng tất cả những tin đồn đều sai, và cuối cùng Hồ Hải Phong chuyển đến làm Bí thư thành phố Lệ Thủy.
Từ tháng 4/2010, ông Hồ Hải Phong chưa tới 38 tuổi đã được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Viện Delta Region Đại học Thanh Hoa, mặc dù sinh tận tháng 11/1972 nhưng việc Hồ Hải Phong lên chức lần gần nhất này cũng trở thành Bí thư thành phố trẻ nhất trong các địa cấp thị ở Chiết Giang.
Tuy nhiên, Nhật báo Đông Phương (Oriental Daily) Hồng Kông có chỉ ra rằng sự nghiệp của ông Hồ Hải Phong sẽ “không có giới hạn”; trong vài năm tới, ông ta sẽ còn tiến xa, thậm chí sẽ sớm vào trung ương.
Một trong những lý do khiến sự nghiệp chính trị của Hồ Hải Phong đầy lạc quan là người cha Hồ Cẩm Đào được coi là đồng minh chính trị của ông Tập Cận Bình. Sau khi thoái vị tại Đại hội 18, Hồ Cẩm Đào đã ủng hộ ông Tập Cận Bình và trao lại toàn bộ quyền lực.
Ngày 2/7, RFI Pháp dẫn thông tin chỉ ra, ông Hồ Hải Phong là đại diện “thái tử Đảng” tiềm năng hàng đầu trở thành lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ, vấn đề vào Trung Nam Hải “gần như trong tầm tay”, là “hy vọng cuối cùng” của giới “thái tử Đảng” Trung Quốc.
Từng có chuyên gia vấn đề Trung Quốc chia sẻ với giới truyền thông Mỹ rằng, việc con trai của Hồ Cẩm Đào là Hồ Hải Phong có thể yên tâm nằm trong kế hoạch bố trí trở thành lãnh đạo ĐCSTQ là có hai lý do: Thứ nhất, ông Hồ Cẩm Đào không có dã tâm, không chỉ luôn giữ cư xử chuẩn mực mà còn giúp Tập Cận Bình xử lý thế lực Giang Trạch Dân, cũng không nhắm mắt làm ngơ khi ông Tập xử lý thế lực phái Đoàn Thanh niên; thứ hai là rất nhiều “thái tử Đảng” thế hệ kế cận lao vào kinh doanh mà không tham gia chính trị; còn thế hệ con cái quan to tầng dưới hơn thì không đủ khả năng cạnh tranh được với “thái tử Đảng”, không tạo thành một mối đe dọa. Quan trọng hơn, Tập Cận Bình muốn sử dụng Hồ Hải Phong để xây dựng “tấm gương” cho các “thái tử Đảng” khác.
>>>“Thái tử Đảng” La Vũ: Ông Tập Cận Bình đang gặp rắc rối lớn
>>>Nhiều lãnh đạo cấp cao Trung Quốc vắng bóng 3 ngày, hội nghị mật Bắc Đới Hà đã bắt đầu
Theo Trithucvn