Tha thứ – “Liều thuốc” giúp trị lành những vết thương
Tha thứ là “liều thuốc” giúp xóa tan muộn phiền, lo lắng; biến ân oán và hận thù trở thành những điều tốt đẹp, biến những bà mẹ bình thường như bao nhiêu người phụ nữ khác trở thành những người anh hùng nổi tiếng thực sự.
Câu chuyện thứ nhất: Cái ôm kẻ sát nhân
Môt điều bất ngờ đã xảy ra trong phiên tòa xét xử cậu học sinh Jordyn Howe, 15 tuổi vì tội bắn chết cô bạn cùng lớp, Lourdes “Jina” Guzman-DeJesus.
Trước sự chứng kiến của tất cả mọi người có mặt, cô Ady – mẹ của Jina bước đến chỗ hung thủ và nói: “Cô tha thứ cho cháu”, rồi vòng tay qua ôm lấy Jordyn.
Hành động của cô Ady đã khiến cả hội trường không khỏi ngỡ ngàng. Trang tin Miani Herald dẫn lời của quan tòa Ellen Due Venzer, nói:
“Tôi đã chứng kiến thảm kịch con người diễn ra trong phòng xử án này suốt 20 năm nay, nhưng tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng được việc mẹ của nạn nhân lại ôm người đã giết chết con mình”.
Khi trả lời phỏng vấn bên ngoài phòng xét xử, cô Ady cũng đã giải thích một cách đơn giản về hành động của mình: “Công lý đã được thực thi (…) Jordyn là bạn của con gái tôi và tôi biết con bé muốn tôi tha thứ cho cậu bé”.
Trước đó vào tháng 11/2012, cậu học sinh Jordyn Howe đã vô tình bắn trúng Lourdes “Jina” Guzman-DeJesus, 13 tuổi, khi đi trên cùng chuyến xe buýt. Howe cho biết đã lấy khẩu súng của cha dượng và mang nó đến trường. Khi Howe khoe khẩu súng với bạn bè thì vô tình bóp cò khiến Lourdes bị thương ở cổ và qua đời tại bệnh viện.
Tháng 6/2014, Howe ra đầu thú.
Theo luật pháp Hoa Kỳ, dù chưa tới tuổi vị thành niên nhưng cậu bé vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật về hành động của mình với tư cách một người trưởng thành. Jordyn sẽ phải đối mặt với 2 tội danh: Giết người bằng vũ khí nguy hiểm; và sở hữu, sử dụng vũ khí khi chưa tới tuổi vị thành niên.
Nhưng nhờ sự tha thứ của mẹ Jina, Jordyn tránh được án tù và sẽ tham dự một khóa phục hồi chức năng trẻ vị thành niên.
Câu chuyện thứ 2: Giây phút cuối cùng
Tại Iran và một số nước Hồi giáo, gia đình nạn nhân của một vụ giết người sẽ được phép tới gần kẻ sát nhân trong “những phút cuối cùng” trước khi hắn bị tử hình bằng thòng lọng. Họ có hai lựa chọn: khiến kẻ ác nhận lấy cái chết – hay tha thứ…
“Thế giới của tôi sụp đổ vào cái ngày tôi nghe tin con trai mình bị chết. Nếu tôi tha thứ cho Bilal, làm sao tôi có thể sống được?” – Đó là điều mà bà Samereh Alinejad từng nói khi gia đình kẻ sát nhân Bilal Gheisari cầu xin bà tha thứ. Bilal đã giết chết Abdollah, đứa con trai 17 tuổi yêu quí của bà Samereh trong một trận ẩu đả trên đường phố. Bà cũng nói với chồng rằng: “Nếu Bilal được tha, tôi sẽ chết!”
Ngày 15/4/2014, khi Gheisari đứng trên một chiếc ghế tại giá treo cổ, với hai tay bị cùm, đầu quàng thòng lọng, thì hàng trăm người đã đứng bên ngoài cổng nhà tù ở một thị trấn miền Bắc Iran để chứng kiến bà Samereh thực hiện quyền của mình…
Gheisari năn nỉ: “Xin tha cho cháu, cô Maryam”. Đó là tên gọi thân thiện của bà Samereh trong cộng đồng. Người mẹ mất con tiến đến: “Vậy cháu có tha cho chúng ta không? Cháu có tha cho con trai ta không? Cháu đã lấy đi hạnh phúc của chúng ta. Tại sao chúng ta lại phải tha thứ?” Nói rồi, Samereh tát Gheisari một cái.
Xúc động và bất ngờ trước hành động của Samereh, mẹ của kẻ sát nhân đã cúi xuống hôn chân bà (Ảnh: Interaksyon.com)
Rồi khi mọi người còn đang đợi chờ cái chết của Gheisari thì Samereh đột ngột lấy thòng lọng ra khỏi cổ Gheisari. Sau bảy năm chỉ khao khát có một điều là trả thù thì trong giây phút cuối cùng đó, Samereh lại lựa chọn tha thứ. Nhiều người dân chứng kiến đã chết sững vì kinh ngạc trước hành động của bà.
Việc làm đó đã biến Samereh thành một người hùng ở vùng Royan trên bờ biển Caspian. Đường phố treo đầy băng rôn về lòng vị tha của gia đình Alinejad và người dân hết lời ca ngợi sự rộng lượng của Samereh. Còn Samereh thì tâm sự rằng bà cảm thấy tất cả những khổ đau suốt bảy năm trời đã trôi theo cái tát mà bà dành cho Gheisari. Điều quan trọng là bà cảm thấy bình an vì đã lựa chọn tha thứ.
TinhHoa tổng hợp