Tết và 1.001 nỗi khổ phụ nữ: Những ám ảnh của phận làm dâu…
Đi chợ từ 4 giờ sáng khi trời rét buốt, 5 ngày tết nấu 10 mâm cỗ đầy ú hụ, nấu bếp gas cũng phải nhìn mẹ chồng… những ám ảnh về ngày Tết ở quê chồng khiến nàng dâu miền Tây sợ Tết hơn bao giờ hết.
Đi chợ từ 4 giờ sáng, nấu quần quật 10 mâm cỗ
Chị Trần Thị Thắm, 31 tuổi (ngụ đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP.HCM) quê ở Cà Mau, lấy chồng ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã 5 năm nay nhưng chỉ có duy nhất một cái Tết năm ngoái cả gia đình về quê chồng.Tuy nhiên, ấn tượng về cái đầu tiên và duy nhất (cho tới nay) thì không thể nào quên.
Vì nhà có con nhỏ mới 2 tuổi, trước Tết, tranh thủ dịp công tác, chồng chị đã về quê một chuyến, xây dựng lại công trình phụ, toilet, nhà tắm, lắp bình nước nóng, mua bếp gas để khi vợ con về có thể tiện hơn trong sinh hoạt. Ngày Tết, ở Hà Tĩnh lạnh buốt, rét cắt da.
Sáng 29 Tết, mới có 4 giờ sáng, ngoài trời còn tối đen, mẹ chồng chị Thắm đã gọi cả nhà dậy để đi chợ, mua thực phẩm chuẩn bị trước cho cả 3 ngày Tết với lý giải là “chợ trung tâm của huyện nên hơi xa, muốn mua được nhiều đồ tươi ngon thì phải đi sớm”.
Sau buổi chợ mệt phờ hơi tai, cả một nhà thực phẩm thịt cá, rau củ quả được bày la liệt từ trong ra ngoài. Nhà có 4 nàng dâu nhưng chỉ một mình chị Thắm về ăn Tết với nhà chồng, do đó phải cáng đáng không ít việc. Khác với phong tục ở miền Tây quê chị, ngày Tết đơn giản hơn nhiều, có nấu cúng kiếng ông bà tổ tiên cũng chỉ một mâm cơm nhỏ với một số món ăn thì ở đây, chị Thắm làm hoa mắt, chóng mặt nhưng vẫn chưa xong mâm cơm bày lên bàn thờ.
“Ngày 30 Tết một mâm cơm cúng, 4 ngày Tết 8 mâm cơm cúng, vì sáng một mâm khác, chiều phải một mâm hoàn toàn khác, nhà mẹ chồng tôi mùng 4 Tết mới tiễn ông bà tổ tiên (tục hóa vàng) như vậy đến hết ngày mùng 4 âm lịch, chúng tôi phải nấu 9 mâm cỗ đầy.
Tính thêm một mâm cơm mang đến nhà thờ của dòng họ, vậy là tròn 10 mâm cỗ. Mâm nào cũng bắt buộc phải có gà luộc, xôi, và các món từ thịt bò, tôm, cá chép, không được thiếu bất kể cái gì. Con gà phải bôi nghệ làm sao cho nó vàng óng, luộc kiểu gì không đứt nứt một miếng da. Ngày tết ai cũng ngán ngấy thịt cá, không ai ăn hết, cúng xong lại trút hết vào tủ lạnh, rồi lại nấu, lại cúng, tôi hoa mắt, chóng mặt”, chị Thắm kể lại.
Muốn có nước nóng tắm cho con, phải nhờ mẹ chồng… mở công tắc
Biết tính mẹ chồng tiết kiệm, nhưng chị Thắm chưa thể hình dung có những tình huống chị không biết phải làm sao. Con nhỏ phải ăn cháo, nhưng mỗi bữa chỉ nấu một chút gạo nên chị mở bếp gas nấu cho tiện, bỗng nhiên mẹ chồng chị từ đâu xuất hiện, tắt phụt bếp gas và bảo “nấu bếp củi đi, nhà nhiều củi lắm”.
Chị Thắm loay hoay khi cái nồi nhỏ xíu, nắm gạo và ít nước lỏng chỏng, muốn đổ đến nơi, trong khi cả cái bếp kiềng rất lớn, lửa phừng phừng. Trời rét cắt da, chị muốn tắm cho con bằng nước nóng nhưng bắt buộc phải gọi mẹ chồng để bà đích thân mở công tắc, nước vừa nóng, bà lại tắt ngay. Có lần, chị Thắm đề nghị có thể lấy nước nóng giặt đồ được không, vì trời lạnh buốt quá, mẹ chồng gạt ngay: “Nếu con lạnh thì đi ra, mẹ làm, ở đây chịu lạnh quen rồi”.
Có một kỷ niệm mà chị Thắm nhớ mãi không quên, hôm đó mẹ chồng làm món gà cần lá chanh, chị nhanh nhẹn thái giúp một nắm lá chanh mới hái ngoài vườn. Vì nghĩ là chỉ cần thái nhỏ thành sợi như mình vẫn thái ở nhà, chị mau mắn đưa cho mẹ thì bà rất khó chịu, gặp khách khứa, người thân quen nào đến nhà, bà cũng chìa cái bát để lá chanh ra và khoe “đây, con dâu miền Tây của tôi nó thái lá chanh như thế này này”.
Chị Thắm trầm ngâm: “Tết, với tôi không còn là những ngày đoàn viên hạnh phúc, nếu ở quê chồng, nó là một sự cực hình tra tấn với bếp núc, bát đũa, chợ búa và những dòm ngó, xét nét của mẹ chồng, chị chồng và cả em chồng. Một buổi tôi muốn trổ tài nấu nướng, tự tay làm món gà hấp nước mắm kiểu miền Tây, bò xào bông cải, đang vui vẻ nấu thì em chồng tôi bảo ‘chắc trước khi về quê chồng ăn Tết, chị đến nhà hàng học hàng tháng trời ấy nhỉ’. Mũi tôi cay sộc, nước mắt cứ muốn ứa ra mà không được”.
Theo Thanhnien