Tàu ngầm TQ luồn vào sát nách, Ấn Độ “bàng hoàng”
Chiếc tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc đã lặng lẽ luồn qua vùng biển Ấn Độ, tiến vào neo đậu ở cảng Pakistan suốt một tuần lễ.
Trong những ngày vừa qua, Hải quân Ấn Độ đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi phát hiện ra rằng một chiếc tàu ngầm thuộc loại nguy hiểm nhất của Hải quân Trung Quốc đã âm thầm băng qua vùng biển ngay sát nách Ấn Độ và đến neo đậu ở cảng Karachi, Pakistan trong suốt một thời gian dài mà không bị phát hiện. Theo tờ India Today của Ấn Độ, chiếc tàu ngầm lớp Nguyên 335 của Trung Quốc xuất phát từ căn cứ trên đảo Hải Nam vào hôm 31.3, và tiến vào biển Arab khoảng 2 tuần sau đó. Chiếc tàu ngầm lớp Nguyên này được trang bị ngư lôi, tên lửa chống hạm và động cơ đẩy khí độc lập giúp nó có thể hoạt động được trong thời gian dài dưới mặt nước. Tàu ngầm Trung Quốc tại cảng Karachi của Pakistan
Chiếc tàu ngầm thuộc loại hiện đại nhất của Trung Quốc đã lặng lẽ băng qua biển Arab và tiến vào cảng Karachi vào ngày 22.5 mà Hải quân Ấn Độ không hề hay biết. Chiếc tàu ngầm với ít nhất 65 thủy thủ này đã đậu lại cảng Karachi để tiếp liệu và nhận đồ tiếp tế trong khoảng 1 tuần trước khi quay trở về Trung Quốc. Việc tàu chiến của các nước tới ghé thăm cảng nước ngoài để tiếp tế và sau đó trở về là chuyện bình thường, nhưng đối với tàu ngầm, đó lại là một câu chuyện khác. Sau tàu sân bay, tàu ngầm được coi là thứ vũ khí nguy hiểm nhất trong tác chiến trên biển, và việc vì sao để một chiếc tàu ngầm với đầy đủ vũ khí, trang bị của Trung Quốc “luồn qua nách” đang là câu hỏi lớn đặt ra với các tướng lĩnh Hải quân Ấn Độ. Ngoài ra, việc chiếc tàu ngầm lớp Nguyên trên đến đậu ở cảng Pakistan trong một tuần lễ đã khiến nhiều người đã nghĩ đến cảnh tượng hai nước láng giềng luôn trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Ấn Độ giờ đây lại đang bắt tay nhau để có thể tạo thành thế gọng kìm, đưa Ấn Độ vào giữa. Tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc neo đậu tại cảng
Trong khi đó, Ấn Độ lại hầu như không thể làm được gì. Họ có thể thuyết phục Trung Quốc một cách lịch thiệp rằng đây không phải là một động thái cần thiết, và cần phải tránh lặp lại trong tương lai. Còn với Pakistan, họ sẽ chẳng thể nói được gì, bởi sự thù địch và nghi kỵ lẫn nhau giữa giới chức an ninh hai nước. Hồi năm ngoái, Sri Lanka cũng đã phớt lờ lời phản đối của Ấn Độ sau khi để một tàu ngầm Trung Quốc tới neo đậu ở nước này, và New Delhi chỉ có thể thở phào sau khi tân Tổng thống Maithripala Sirisena của Sri Lanka tuyên bố vào đầu năm nay rằng nước này sẽ không chấp nhận bất cứ tàu ngầm Trung Quốc nào ghé thăm nữa. Trên thực tế, đến nay Ấn Độ vẫn tỏ ra thận trọng và chưa có bất cứ phản ứng chính thức nào về việc tàu ngầm Trung Quốc tới neo đậu ở Pakistan. Theo các chuyên gia phân tích, cách tốt nhất mà Ấn Độ có thể làm hiện nay là sớm đẩy nhanh quá trình mua 6 tàu ngầm của Pháp để xây dựng được một hạm đội tàu ngầm mang tính răn đe hiệu quả. Tàu ngầm lớp Nguyên phóng ngư lôi. Đồ họa: Xinhua
Hiện dự án tàu ngầm giữa Pháp và Ấn Độ vẫn đang tiến triển chậm chạp, và Pháp chỉ có thể bàn giao chiếc tàu ngầm đầu tiên cho Ấn Độ vào cuối năm sau, và phải đến năm 2020, Ấn Độ mới được trang bị cả 6 chiếc tàu ngầm mới này. Hiện Hải quân Ấn Độ mới chỉ có 13 tàu ngầm đang hoạt động, quá ít so với 60 tàu ngầm của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang chạy đua để đóng mới thêm tàu ngầm và dự kiến sẽ có khoảng 70 tàu ngầm trong hạm đội của mình vào năm 2020. Nước láng giềng Pakistan của Ấn Độ hiện có 8 chiếc tàu ngầm, và dự kiến sẽ mua khoảng 8 tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc trong vòng vài năm tới. Mới đây, Đô đốc RK Dhowan, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ đã tuyên bố rằng nước này sẽ giám sát “từng phút” hoạt động của Hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương, và đây có thể là sự khởi đầu cho một cuộc chơi “mèo vờn chuột” mới trên vùng biển chiến lược này. |
Theo Dân Việt