Tập Cận Bình và cuộc chiến sinh tử chống tham nhũng suốt 5 năm
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) hôm 8/10 cho biết, hơn 1,34 triệu quan chức cấp thấp đã bị trừng phạt trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đó là kết quả của cuộc chiến sinh tử suốt 5 năm qua.
Ông Tập Cận Bình từng coi cuộc chiến chống tham nhũng – gọi là “đả hổ diệt ruồi”, nhắm cả vào quan chức cấp cao và cấp thấp – là một chính sách cốt lõi trong nhiệm kỳ kéo dài 5 năm của mình.
Tân Hoa xã dẫn lời CCDI nói rằng, trong số hơn 1,34 “ruồi tham nhũng” nói trên có gần 700 nghìn quan chức cấp làng xã, và phần lớn tội trạng liên quan tới tham nhũng quy mô nhỏ.
Trong khi phần lớn chiến dịch chống hối lộ nhắm vào các quan chức cấp làng xã và quận huyện, một số nhân vật cấp cao cũng đã bị sa thải.
CCDI cho biết, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc đang có động lực và nhận được sự đồng tình ủng hộ của công chúng. Trung Quốc cũng tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc săn lùng các quan chức tham nhũng trốn ra nước ngoài thông qua chiến dịch “Lưới trời”.
Đến cuối tháng 8/2017, 3.339 người chạy trốn đã bị bắt giữ ở hơn 90 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 628 người là cựu quan chức. Ngoài ra, CCDI cho biết cũng đã thu hồi được 9,36 tỉ nhân dân tệ, tương đương 1,41 tỉ USD.
Đáng chú ý, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình sẵn sàng xử mạnh tay cả các quan chức lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo cấp cao. Hàng loạt cái tên nặng ký đã bị CCDI điều tra và xử lý vì có hành vi tham nhũng như Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an TQ; Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh; Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương; Lệnh Kế Hoạch, Phó chủ tịch Hội Hiệp thương Chính trị Trung ương và từng là cố vấn thân cận của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Cuộc chiến sinh tử suốt 5 năm
Cùng với cuộc chiến chống tham nhũng 5 năm qua của 2 ông Tập và ông Vương Kỳ Sơn là cuộc chiến nội bộ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trang mạng hải ngoại có tên Đa Chiều đã điểm lại những vụ việc gay cấn của 2 ông Tập – Vương trong bài “Cuộc chiến sinh tử giữa cải cách và chống cải cách”.
“Đấu tranh chống tham nhũng, thì chuyện sống chết cá nhân, hủy hoại danh dự cá nhân, đều không để ý đến nữa”. Ngày 4/8/2014, một tờ báo đảng địa phương đã “vô ý” để lộ ra lời nói trên của ông Tập Cận Bình. Cách đó khoảng 1 tuần là vụ sa lưới của ông Chu Vĩnh Khang, người có biệt danh “Vua chính trị và pháp luật”.
Ngày 26/6/2014, trong hội nghị của Bộ Chính trị ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình có phát biểu tương tự: “Có người nói đe dọa chúng ta, hãy cứ chờ xem, tôi muốn nói cho các anh biết, ai sợ ai! Năm xưa Chu Dung Cơ nói phải chuẩn bị 100 cỗ quan tài, 99 cái cho kẻ tham nhũng, cái cuối cùng giành cho bản thân… Hôm nay chúng ta cũng phải có dũng khí như thế này”. Ngày thứ 4 sau bài phát biểu đó, nguyên Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu bị “khai trừ khỏi Đảng”, đồng thời giao cho cơ quan kiểm sát quân sự.
Bài viết còn nói, 2 ông Tập – Vương chống tham nhũng đã động đến quá nhiều miếng bánh của tập đoàn lợi ích quyền quý, “Bài nói chuyện sinh tử” của ông Tập Cận Bình không phải là lời nói quá chút nào.
Bài báo cũng dẫn lời một nhân sỹ Trung Nam Hải dấu tên tiết lộ, giới truyền thông đồn đoán về “sự vắng mặt bí ẩn của ông Vương Kỳ Sơn” là vì ông đang làm một đại án nào đó, mà lại bỏ qua việc ông Vương từng giờ từng phút đang đối diện với nguy hiểm. Bên ngoài luôn tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ của ông Tập Cận Bình, mà không nghĩ đến ông đang đối diện với những mối uy hiếp chết người của rất nhiều đối thủ có thế lực, sức mạnh.
Vai trò của ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn, một người chủ đạo chống tham nhũng, một người vung đao chống tham nhũng, khiến các cơ quan chức năng không thể không áp dụng các biện pháp bảo vệ tăng cường đối với hai ông.
Khi ông Tập Cận Bình tham dự lễ kỷ niệm 20 năm Hong Kong trở về với Trung Quốc, công tác bảo vệ ở Hong Kong được cho là có quy mô “lớn nhất trong lịch sử”. Một đoạn video lộ ra cho thấy: Khi ông Tập Cận Bình chuẩn bị rời sân bay, xung quanh chiếc xe chống đạn mà ông ngồi là các nhân viên anh ninh dày đặc, họ thậm chí còn chạy đồng thời khi chiếc xe khởi động, cho đến tận khi chiếc xe đạt đến tốc độ nhất định, sau đó có các đội xe và xe mô-tô bảo vệ khác đi theo vây quanh.
Bài báo thuật lại lời người đưa tin nói, trước Đại hội 18 và quanh thời điểm 2 người đứng đầu quân đội Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu bị bắt, Trung Nam Hải và trong khuôn viên quân ủy có một cánh quân bí mật luôn luôn chăm chú các động tĩnh của những người đứng đầu quân đội, đồng thời chỉ huy nhiều đơn vị quân đội đảm bảo trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Bài báo cũng cho biết, tin tức nội bộ ĐCSTQ nói, cho đến tháng 5/2017, ông Tập Cận Bình mới hoàn toàn kiểm soát quân đội. Hội nghị công tác cải cách quân đội cuối năm 2015, do nhiều ý kiến bất đồng nên buộc phải lùi lại, ông Tập Cận Bình cuối cùng phát biểu mạnh mẽ “Ai phản đối người đó bị cách chức” thì mới khởi động được các biện pháp cải cách. Điều động nhân sự quân đội cao cấp lại là một “Cuộc chiến sinh tử” nữa.
Một “chiến trường” có quan hệ sống còn đối với cuộc cải cách của ĐCSTQ là kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là làm sạch thị trường tài chính. Bài báo dẫn lời người đưa tin rằng, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã lập một danh sách đen, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp và cá nhân trong danh sách đen có các hoạt động tiền tệ ở nước ngoài.
TinhHoa tổng hợp