Tạo tác kỳ dị trên quần đảo Azores – Bằng chứng về những thủy thủ cổ xưa tiến bộ?
Theo các chuyên gia, những hình thù điêu khắc trên đá ở quần đảo Azores cho thấy con người đã xuất hiện tại đây hàng ngàn năm trước. Hơn nữa, một số cấu trúc nhân tạo dường như có mặt từ Thời kỳ Đồ đá cho thấy thời điểm đó tồn tại một nền văn minh đủ tiên tiến để di chuyển đến và chiếm đóng những hòn đảo xa xôi này.
Quần đảo Azores thuộc Bồ Đào Nha, nằm cách bờ biển châu Âu khoảng 100 dặm, bằng khoảng 1/3 chặng đường từ châu lục này đến Bắc Mỹ qua Đại Tây Dương. Theo ghi chép lịch sử chính thức từ lâu cho rằng quần đảo này không có người sinh sống, cho tới khi người Bồ Đào Nha thực hiện các cuộc thám hiểm đến đó vào thế kỷ 15. Tuy nhiên, một lý thuyết thay thế gây tranh cãi đang nổi lên.
Một số chuyên gia, trong đó có Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Khảo cổ học Bồ Đào Nha, Nuno Ribeiro, nói rằng những hình thù điêu khắc trên đá và những tàn dư của các cấu trúc nhân tạo trên quần đảo cho thấy con người đã xuất hiện tại Azores từ hàng ngàn năm về trước.
Khẳng định này đang gây tranh cãi bởi vì nó được sử dụng để ủng hộ một lý thuyết cho rằng có một tuyến đường thương mại đã tồn tại giữa người Phoenicia, Na-Uy và Tân Thế Giới (Châu Mỹ) từ lâu trước thời điểm mà người ta vốn vẫn cho là đã diễn ra sự tiếp xúc đầu tiên với Tân Thế Giới.
Một điều kỳ lạ ở đây là một số cấu trúc nhân tạo dường như có mặt từ Thời kỳ Đồ đá, cho thấy tại thời điểm đó tồn tại một nền văn minh đủ tiên tiến để di chuyển đến đây và chiếm đóng những hòn đảo xa xôi này. Đây là một điểm gây tranh cãi nữa.
Ribeiro bắt đầu nói về những phát hiện của mình vào năm 2010 và nó đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận dữ dội về những tuyên bố xoay quanh việc định cư cổ xưa trên quần đảo Azores. Cuộc tranh cãi này khiến chính phủ Bồ Đào Nha phải thành lập một ủy ban chuyên gia để điều tra thêm.
Vào năm 2013, ủy ban này tuyên bố, những tàn tích được quan sát của một nền văn minh cổ đại có thể là cấu trúc đá được tạo thành một cách tự nhiên hoặc là các cấu trúc của nguồn gốc hiện đại hơn. Tuy nhiên, Antonieta Costa, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Porto, Bồ Đào Nha vẫn không tin và tiếp tục nghiên cứu giả thuyết cho rằng Azores đã có người sinh sống vào thời cổ đại và thậm chí là vào thời kỳ tiền sử.
Đầu Tháng 10/2016, Costa đã có một cuộc họp với ông Avelino de Meneses, giám đốc Sở Giáo dục và Văn hóa khu vực Azores. De Meneses là một trong những chuyên gia đã ký tên vào báo cáo chính phủ phủ nhận tình trạng cổ xưa của các cổ vật.
Tuy nhiên, Costa cho biết, De Meneses hiện tại đã bày tỏ sự cởi mở với giả thuyết của cô sau nhiều năm bị chính phủ từ chối tiến hành các điều tra khảo cổ học trên Azores.
Lý thuyết về sự tiếp xúc giữa người Phoenicia và Tân Thế Giới
Vào năm 1778, một bài viết của Johan Frans Podolyn trên Ấn phẩm của Hiệp hội khoa học và Văn học Hoàng gia tại Gothenburg, Thụy Điển đã trình bày chi tiết về cuộc khám phá được cho là phát hiện ra tiền xu của người Carthage trên đảo Corzo, một đảo thuộc quần đảo Azores.
Nước Carthage được thành lập vào thế kỷ 1 trước Công Nguyên bởi người Phoenicia trên lãnh thổ mà ngày nay là nước Tunisia, phía bắc Châu Phi. Một học thuyết cho rằng người Phoenicia đã biết cách đến Tân Thế Giới, nhưng họ đã lan truyền rộng rãi một thần thoại nói rằng không thể băng qua đại dương, nhờ vậy họ duy trì sự độc quyền trên tuyến đường thương mại.
Những cổ vật ở Bắc Mỹ, chẳng hạn như những bức tranh khắc đá được tìm thấy ở thành phố Peterborough, Canada, được coi là bằng chứng của tuyến đường thương mại này giữa Cựu Thế Giới và Tân Thế Giới. Trong số những người ủng hộ giả thuyết này có nhà sinh vật học kiêm nhà văn khắc học quá cố Barry Fell và nhà khảo cổ học quá cố David Kelley, đều của Đại học Harvard.
Một số học giả đã bác bỏ báo cáo của Podolyn về những đồng tiền xu, cho rằng những đồng xu có thể đã bị bỏ lại ở đó bởi những người định cư đến sau này mà họ sở hữu những cổ vật này hoặc chúng có thể là giả mạo. Những tin đồn về một bức tượng được tìm thấy trên một trong những hòn đảo bởi những người định cư ban đầu đã củng cố thêm cho giả thuyết cho rằng những người định cư cổ đại đã ở đó mặc dù vị trí chính xác của bức tượng này hiện vẫn chưa xác định rõ.
Costa tin rằng Azores có thể thực sự đã từng là vùng chuyển tiếp sang Tân Thế Giới, cô lưu ý rằng một số các dấu vết cô đã nhìn thấy trên đá ở Azores dường như giống với những gì mà nhà văn khắc học Fell đã nghiên cứu tại Bắc Mỹ. Tuy nhiên, cô cho biết, các nhà khảo cổ học cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa trên Azores để xác nhận những điểm tương đồng này.
Hiện nay, cô đang bận rộn nghiên cứu những điều bí ẩn dù không chính yếu nhưng vẫn có giá trị liên quan đến những cổ vật trên Azores.
Liệu có phải là lịch của Thời kỳ đồ đá?
Costa đã và đang nghiên cứu bằng khả năng có thể của mình khi chưa có sự cho phép chính thức về những tảng đá đài, các chỗ lõm và khe hở nhỏ được tạo ra trên các phiến đá trên quần đảo.
Những khe hở nhỏ hoặc kẽ hở trong đá thường được giải thích như là những vết cắt bởi người định cư hiện đại giúp họ dễ dàng khai thác đá. Nhưng Costa cho rằng các vết cắt đó không phải để giúp cho việc khai thác đá.
Thay vào đó, cô cho rằng chúng có thể là một phần của một hệ thống lịch. Cô nhận thấy tất cả những người tạo ra các khe hở này trên những phiến đá đều tránh sắp xếp chúng theo hướng chính đông.
Các khe hở gần nhất với hướng chính đông nhỏ hơn những khe hở hướng về các hướng khác. Điều này đưa đến giả thuyết về một sự sắp xếp có phương pháp các dấu vết tương ứng với các hướng. Tuy nhiên các khe hở có vẻ thẳng hàng với các điểm chí, gợi ý về một chức năng tính lịch của chúng, theo Costa.
Liệu có phải là bản đồ Thời kỳ Đồ đá
Những chữ khắc trên các phiến đá trên quần đảo Azores cũng tương tự như “những bản đồ” được xác định trên các hình thù trên đá khác thuộc Thời kỳ Đồ đá tại lục địa Châu Âu, Costa cho biết.
Cô đã trích dẫn tác phẩm của Angelo Fossati, một giáo sư về thời tiền sử tại trường Catholic University of the Sacred Heart ở Italy. Trong cuốn sách của mình, “European Landscapes of Rock-Art”, Fossati đã viết về “những bản đồ” Thời kỳ Đồ đá mà Costa nhận thấy chúng có thể so sánh với những bản đồ trên quần đảo Azores: “Tại sao con người thời tiền sử này lại miêu tả các bản đồ? Những bản đồ này tương ứng với các khu vực có thật hay tưởng tượng? Liệu chúng có phải là sự miêu tả theo tưởng tượng về một thế giới đã được biết đến?”
Có rất ít điều được biết đến về chủ đề nghiên cứu tương đối mới này.
Những địa điểm thiêng liêng giống như thế này ở Phần Lan cổ đại?
Costa cũng so sánh các cấu trúc đá trên quần đảo Azores với các cấu trúc đá ở Lapland, phía Bắc đất nước Phần Lan.
Trên quần đảo Azores, cô đã xác định những chỗ lõm mà cô cho rằng chúng là phần đá bị cắt ra phục vụ cho các nghĩ lễ, các chỗ lõm này ở gần các cấu trúc đá mà trông giống động vật hoặc người một cách tự nhiên. Tại Lapland thời cổ đại, người ta cũng đã thực hiện các nghi lễ gần các cấu trúc đá đó.
Cô đã trích dẫn một đoạn trong cuốn sách “A Touch of Red: Các phương pháp tiếp cận khảo cổ học và dân tộc học đối với việc giải thích những bức tranh trên đá ở Phần Lan” của tác giả Antti Lahelma: “Một số các vách đá dường như mang hình dáng người, điều này có thể đã làm cho những nơi đó trở nên đáng chú ý, khác thường và thậm chí thiêng liêng trong mắt những người săn bắt hái lượm Thời kỳ Đồ đá.
Điều này có thể đã đóng góp vào quan điểm cho rằng các vách đá không chỉ là nơi ở của những người giúp việc cho thần thánh mà chính chúng cũng được cho là những sinh vật sống”.
Costa cho biết cô không thể xác nhận mối quan hệ giữa các nền văn hóa của Azones và của Thời kỳ Đồ đá ở Châu Âu hoặc nền văn hóa của người Phoenicia, nhưng cô mong đợi được nghiên cứu sâu hơn nữa với sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ chính quyền Bồ Đào Nha.
Theo Vietdaikynguyencom