“Tam Tự Kinh” (bài 8): Sự ra đời của xe chỉ nam
“Tam Tự Kinh” là di sản quý giá được truyền lại của nền văn hóa Thần truyền từ xa xưa. Những bài học làm người đầu tiên giản dị mà sâu sắc này sẽ giúp trẻ ghi nhớ suốt cuộc đời mình.
Xe chỉ nam. (Ảnh: Internet)
Xuân hạ thu đông trong một năm gọi là tứ quý (hay bốn mùa), mỗi mùa đều có nét riêng, và thay đổi tuần hoàn không dừng, xuân qua hạ tới, thu đi đông về.
Đông nam tây bắc gọi là bốn phương (tứ phương), là chỉ các vị trí phương hướng. Bốn phương hướng này đều lấy một điểm ở trung tâm làm chuẩn, và chúng đối ứng với nhau, như thế ta mới có thể định ra được các phương vị.
Bài 8:
Nguyên văn
曰(yuē) 春(chūn) 夏(xià),曰(yuē) 秋(qiū) 冬(dōng),
此(cǐ) 四(sì) 時(shí),運(yùn) 不(bù) 窮(qióng)。
曰(yuē) 南(nán) 北(běi),曰(yuē) 西(xī) 東(dōng),
此(cǐ) 四(sì) 方(fāng),應(yìng) 乎(hū) 中(zhōng)。
Phiên âm Hán Việt
Viết xuân hạ, Viết thu đông
Thử tứ thời, Vận bất cùng
Viết nam bắc, Viết đông tây
Thử tứ phương, Ứng hô trung
Tạm dịch
Mùa xuân mùa hạ, Mùa thu mùa đông
Bốn mùa đó, Vận chuyển tuần hoàn
Hướng đông hướng nam, Hướng tây hướng bắc
Bốn phương hướng, Cùng quy về một điểm ở trung tâm
Câu chuyện “Hoàng Đế và xe chỉ nam”
Trước khi phát minh ra la bàn, con người dựa vào Mặt Trời và các ngôi sao để xác định phương hướng khi đi đường. Ban đêm, con người thời cổ đại quan sát sao Bắc Cực, ban ngày thì quan sát Mặt Trời để phân biệt phương hướng.
La bàn, kỹ thuật chế tạo giấy, kỹ thật in, thuốc súng là bốn phát minh của Trung Quốc thời cổ đại. Trong đó la bàn (hay kim chỉ nam) được phát minh sớm nhất. Hơn 2.000 năm trước, con người đã biết dùng loại đá có từ tính để chế tạo “tư nam” để xác định đâu là hướng nam đâu là hướng bắc. Do đó có thể nói “tư nam” là tiền thân của kim chỉ nam. Nhưng loại “chỉ nam xa” cũng dùng để xác định phương hướng đã xuất hiện từ hơn 4.000 năm trước.
Khoảng hơn 4.000 năm trước, vùng lưu vực sông Hoàng Hà và sông Trường Giang của Trung Quốc có rất nhiều bộ lạc sinh sống. Hoàng Đế là thủ lĩnh của một bộ lạc nổi tiếng trong truyền thuyết.
Khi đó, ở phương đông có một thủ lĩnh của bộ tộc Cửu Lê tên là Xi Vưu không những khỏe mạnh, hung dữ mà còn mang tâm oán hận và không muốn phục tùng Hoàng Đế. Về sau, Xi Vưu liên kết với 81 người anh em của mình và bắt đầu cuộc đại chiến với Hoàng Đế.
Vì để đối phó với kẻ địch mạnh lại có các loại vũ khí chế tạo từ đồng, Hoàng Đế đã nghĩ mọi kế sách, cuối cùng ông phát minh ra một loại vũ khí sắc nhọn là cung tên. Nhưng vì phương bắc có gió cát lớn, thường hay có những trận bão cát, nên để cho các binh sĩ không bị lạc mất phương hướng, thủ hạ của Hoàng Đế đã chế tạo thành công một thứ gọi là “chỉ nam xa” (xe chỉ nam).
Quân hai bên giao chiến tại Trác Lộc, mặc dù quân của Xi Vưu dũng mãnh, nhưng gặp quân của Hoàng Đế lại không chống đỡ được, lần lượt tháo chạy. Lúc này mặc dù trên chiến trường không có gió cát, nhưng lại dày đặc sương mù, quân của hai bên không thể phân biệt được đông tây nam bắc.
Tuy vậy, xe chỉ nam của Hoàng Đế có đặt một người làm bằng sắt, tay của người sắt luôn chỉ hướng nam. Dựa vào chỉ dẫn của xe chỉ nam, quân của Hoàng Đế có thể phân biệt rõ được phương hướng trong làn sương mù dày đặc đó, nên đã đánh bại được quân của Xi Vưu và giành thắng lợi. Đây chính là “trận chiến Trác Lộc” thời viễn cổ.
Theo chanhkien.org