Tấm đất sét 3.700 năm tuổi của người Babylon làm thay đổi lịch sử toán học
Một tấm đất sét Babylon có niên đại 3.700 năm đã được xác định là bảng lượng giác chính xác và lâu đời nhất thế giới, cho thấy người Babylon đã đi trước người Hy Lạp cổ đại tới hơn 1.000 năm.
Các nhà khoa học tại Đại học New South Wales, Australia vừa xác định được tấm bảng bí ẩn khắc số của người Babylon chính là bảng lượng giác cổ nhất thế giới với niên đại 3.700 năm.
Tấm bảng có tên gọi Plimpton 322, do nhà khảo cổ học Edgar Banks tìm thấy đầu thế kỷ 20. Các nhà khoa học đã phải mất nhiều thập kỷ mới giải mã được tấm bảng đất sét này. Đây là bảng lượng giác cổ nhất trên thế giới, có trước thời kỳ Hy Lạp hóa đến 1000 năm.
Plimpton 322 có kích cỡ bằng bàn tay, gồm 4 cột dọc và 15 hàng ngang khắc các con số, sử dụng hệ số lục thập phân. Cổ vật bằng đất sét này có khả năng cao được dùng để quyết định tỷ lệ các góc trong xây dựng nhà cửa.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tấm đất sét Plimpton 322 mô tả hình dạng các tam giác vuông bằng cách sử dụng một loại lượng giác mới dựa trên tỷ lệ, chứ không phải là các góc và hình tròn“, Daniel Mansfield, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
“Đây là một công trình toán học độc đáo thể hiện một sự thiên tài không thể nghi ngờ”.
Các chuyên gia ban đầu cho rằng Plimpton 322 thể hiện một danh sách các bộ ba số Pythagore – các bộ số phù hợp với các mô hình lượng giác để tính toán các cạnh của một tam giác vuông. Nhưng sau đó đã có không ít các tranh luận.
Toán học Babylon sử dụng hệ thập lục phân (60) như các điểm đánh dấu phút trên mặt đồng hồ chứ không phải hệ thập phân chúng ta sử dụng ngày nay.
Bằng cách áp dụng các mô hình toán học Babylon, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể bạn đầu tấm đất sét có 6 cột và 38 hàng. Họ cũng chỉ ra cách các nhà toán học thời đó có thể đã sử dụng hệ thống Babylon để đưa ra các con số trên tấm đất sét.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tấm đất sét này có thể đã được các nhà toán học thời cổ đại sử dụng để tính toán và xây dựng các cung điện, đền thờ và kênh rạch.
Nếu nghiên cứu mới này được xác nhận, thì nhà thiên văn Hy Lạp Hipparchus, sống khoảng 120 TCN, sẽ không còn được coi là cha đẻ của phép tính lượng giác như vẫn được thừa nhận lâu nay. Bởi niên đại của tấm đất sét này được xác định là vào khoảng năm 1822-1762 trước Công nguyên.
Mặt khác, hệ thống mà người Babylon sử dụng để giải quyết các vấn đề toán học và hình học khiến các bảng lượng giác của họ chính xác hơn nhiều so với người Hy Lạp.
Lý do là một hệ thống toán học sử dụng hệ thập lục phân có phần chính xác hơn hệ thống thập phân, do ít phải làm tròn lên. Trong khi chỉ có hai con số mà 10 có thể chia hết là 2 và 5, có rất nhiều số chia mà 60 có thể chia hết. Đây chính là điều các nhà nghiên cứu đề nghị các nhà toán học ngày nay xem xét học hỏi.
Mansfield nói: “Điều này có nghĩa là nó có liên quan đến thế giới hiện đại của chúng ta. Toán học Babylon có thể đã lỗi thời trong hơn 3.000 năm nay, nhưng nó có những ứng dụng thực tế trong khảo sát, đồ họa máy tính và giáo dục. Đây là một ví dụ hiếm hoi của thế giới cổ đại dạy cho chúng ta một cái gì đó mới mẻ”.
TinhHoa tổng hợp