Tài xế lại trả tiền lẻ, BOT Cai Lậy xả trạm
Chiều 13/8, sau khi hẹn nhau trên mạng xã hội, hơn 50 tài xế lại mang tiền mệnh giá 200, 500, 1.000 đồng để trả phí trạm Cai Lậy (Tiền Giang), buộc trạm này phải xả trạm.
Không chỉ các tài xế đã hẹn nhau trên mạng xã hội trả phí bằng tiền lẻ, rất đông xe khác cũng chuẩn bị sẵn tiền mệnh giá thấp để trả. Các tài xế còn mang heo quay đến để “cúng trạm”.
Giờ cao điểm lượng xe lớn, việc đếm tiền cũng mất nhiều thời gian đã khiến các ôtô ùn ứ kéo dài hơn 4 km.
Dù trạm thu phí tăng cường nhân viên, mở thêm làn đường, CSGT và thanh tra giao thông được huy động điều tiết nhưng các tài xế trả tiền lẻ ở cả hai chiều nên không thể kiểm soát. Tài xế yêu cầu xả trạm, la hét, bấm còi inh ỏi… gây áp lực.
Heo quay được các tài xế mang tới “cúng trạm” Cai Lậy. (Ảnh: VNE)
Khoảng 17h, trạm Cai Lậy buộc xả trạm cả hai chiều, điều động nhân viên thu phí rời cabin để hướng dẫn các xe qua. Trong nửa giờ giao thông bớt ùn ứ, trạm thu phí tiếp tục làm việc.
Tuy nhiên hoạt động này chỉ kéo dài được hơn 30 phút, các tài xế tiếp tục trả tiền lẻ khiến trạm lại xả vì lo kẹt xe. Đến 21h trạm Cai Lậy vẫn chưa thu phí trở lại.
Việc tài xế phản đối trạm thu phí Cai Lậy bằng tiền lẻ đã diễn ra nhiều ngày trước, gây ùn ứ nhưng đây là lần đầu nhà đầu tư phải xả trạm.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng.
Trạm nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới với hơn 1.000 tỷ đồng, đoạn sửa chữa Quốc lộ 1 trên 300 tỷ đồng.
Sau một tuần hoạt động, nhiều tài xế dùng tiền lẻ 200, 500, 1.000 đồng vo tròn bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm… nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý ở Quốc lộ 1. Họ yêu cầu dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh, vì đây mới là đường được đầu tư.
Đại diện chủ đầu tư, Công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang lý giải, phí bảo trì mỗi năm đóng trên đầu xe chỉ đủ để “dặm vá ổ gà”. Còn dự án tăng cường mặt đường trên quốc lộ do đơn vị thực hiện, bốc dỡ toàn bộ mặt đường để thảm lại nên chi phí cao hơn. Mức phí ở trạm thu cao hơn cao tốc Trung Lương vì thời gian thu ngắn hơn, chỉ hơn 6 năm so với trên 20 năm.
Về vị trí đặt trạm, ông Nguyễn Phú Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang nói việc này đã được UBND tỉnh Tiền Giang đồng ý và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) với Bộ Tài chính chấp thuận. Còn mức phí thì chủ đầu tư BOT Tiền Giang không có quyền tự áp đặt cho từng loại xe mà do hai bộ liên quan ban hành kèm theo thông tư 30/2016 của Bộ Tài chính và 35/2016 của Bộ GTVT.
Trong khi đó, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc đề xuất miễn giảm phí cho chủ phương tiện tại trạm thu phí Cai Lậy do nhà đầu tư đề xuất, khi có ý kiến thống nhất của địa phương, sau đó Bộ Giao thông sẽ phê duyệt.
Theo VNE