Tài xế dọa mua vé bằng tiền lẻ nếu trạm Cầu Rác không miễn phí
Trong buổi đối thoại hôm 21/4, nhiều tài xế ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bất bình việc không đi đường BOT mà vẫn phải trả phí nên đòi dời trạm Cầu Rác hoặc miễn phí 100%, nếu không sẽ dùng tiền lẻ mua vé để phản đối.
Sáng 21/4, tại trụ sở xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), Công ty TNHH một thành viên hạ tầng Sông Đà – chủ đầu tư trạm thu phí Cầu Rác – cùng nhà chức trách huyện Cẩm Xuyên tổ chức buổi đối thoại với người dân xung quanh việc thu phí BOT.
Bức xúc khi không đi đường BOT vẫn phải đóng phí, ông Bình (trú xã Cẩm Trung) nói: “Những vụ thu hoạch lúa, hộ dân có ruộng bên kia trạm Cầu Rác thuê ôtô chở sang bên này cũng phải trả phí gấp đôi, trong khi không sử dụng mét đường BOT nào, không bất bình sao được?“.
Nhiều hộ dân vùng lân cận trạm Cầu Rác ví von việc phải đóng phí khi không sử dụng đường BOT là “bóc lột không thương tiếc”. “Chúng tôi đề nghị di dời trạm BOT về đặt đúng chỗ, hoặc chủ đầu tư phải miễn phí 100% qua trạm Cầu Rác. Nếu không, người dân sẽ phản đối, công ty cứ chuẩn bị đông nhân viên để đếm tiền lẻ“, một tài xế nói.
Ông Lương Văn Sơn, Giám đốc Ban chiến lược đầu tư (Tổng công ty Sông Đà) giải thích, thời gian qua công ty đã thấu hiểu và giảm 50% tiền phí mua vé. “Đây là sự mạnh dạn để làm hài lòng bà con rồi. Việc miễn giảm hơn nữa cần ý kiến cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư không quyết định được“, ông Sơn nói.
Trước thắc mắc tại sao trạm thu phí Cầu Rác xa vị trí tuyến đường BOT tránh TP Hà Tĩnh vài chục km, ông Sơn lý giải do trước đây trạm này hoàn vốn cho quốc lộ 1A cũ vào năm 2008. Sau đó 1 năm, tuyến đường BOT tránh TP Hà Tĩnh dài 16 km từ xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) đến xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) hoàn thành với kinh phí hơn 800 tỷ đồng. Để tận dụng tối đa cơ sở vật chất của nhà nước, công ty đã dùng trạm Cầu Rác thu phí hoàn vốn. Hơn nữa nguyên tắc trạm thu phí phải cách nhau 70 km, nếu đặt ở vị trí tuyến đường BOT sẽ không hợp lý.
Ông Phạm Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên bày tỏ quan điểm ủng hộ người dân, song theo ông “làm việc gì cũng phải đúng mực, tránh vi phạm pháp luật“. “Không riêng người dân vùng lân cận trạm Cầu Rác, nhiều người ở địa phương khác không đi đường BOT vẫn phải nộp phí. Huyện ghi nhận ý kiến và trình chủ đầu tư, họ sẽ xem xét giải quyết vấn đề mà bà con đã nêu“, ông Nhật nói.
Trước đó ngày 16/4, gần 40 người dân huyện Cẩm Xuyên xuống đường cùng 30 xe tải ben loại dưới 8 tấn, một số ôtô 4 chỗ tập trung phía đầu trạm thu phí Cầu Rác, mang băng rôn “Chúng tôi không đi đường BOT, tại sao lại phải trả phí” rồi cho xe đi chậm qua trạm để phản đối. Nhà chức trách phải huy động lực lượng phân luồng để tránh xảy ra tình trạng ách tắc giao thông.
4 tháng trước, người dân vùng phụ cận cầu Bến Thủy, giáp ranh Nghệ An và Hà Tĩnh liên tục phản đối thu phí BOT ở trạm Bến Thủy 1. Họ dùng nhiều cách như trả tiền lẻ khiến giao thông ách tắc, gửi đơn kiến nghị chủ đầu tư là Công ty Cienco 4. Ngày 11/4, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất giảm 100% phí cho các phương tiện, thời gian áp dụng từ ngày 24/4.
Theo VNE