Tại sao đôi khi chúng ta quên mất những gì đang định nói?
Bạn đã bao giờ từng chạy vào phòng với ý định tìm một món đồ gì đó nhưng đến khi quyết định thực hiện thì lại quên mất không biết mình đang tìm cái gì?
Não của con người có thể được so sánh với một siêu máy tính. Nó có thể lưu trữ được hàng tỷ dữ liệu so với một máy tính thông thường và xử lý được nhiều việc cùng lúc khác nhau.
Ví dụ như bạn đã bao giờ vừa băng qua đường vừa trò chuyện với bạn bè của mình chưa? Hoặc vừa băng qua đường vừa lướt điện thoại? Tất cả những hành động đó người ta đều gọi chung là “đa nhiệm”.
Và khả năng này sẽ ngày càng tốt hơn khi chúng ta trưởng thành, thông qua việc liên tục học hỏi và trau dồi kỹ năng mới.
Não người giống như một cái trạm điện
Hãy thử tưởng tượng bộ não bạn là một cái trạm điện, và nó có chức năng cung cấp điện cho nhiều thành phố cùng một lúc. Đôi khi sẽ có khá nhiều điện bị tiêu thụ, và nếu một vài thành phố tiêu thụ quá nhiều điện năng, (bằng cách mở hết tất cả đèn chẳng hạn) thì các thành phố khác sẽ có ít điện hơn để hoạt động.
Tương tự như vậy, khi não bộ phải xử lý nhiều việc cùng 1 lúc (đa nhiệm), chúng ta dễ bị phân tâm và quên mất những gì đang định làm tiếp theo. Và điều này thường dễ xảy ra với trẻ nhỏ và người già. Còn đối với người trưởng thành, khoẻ mạnh, điều này ít xảy ra hơn.
Đôi khi với trẻ nhỏ việc thực hiện “đa nhiệm” cũng khả dĩ, nhưng một vài nghiên cứu đã cho thấy rằng, việc này sẽ gây một chút khó khăn. Tại sao? Bởi vì trạm điện trong não chúng nhỏ hơn và không tạo ra nhiều năng lượng như trẻ lớn được.
Ngoài ra, nhờ việc tích luỹ được nhiều kiến thức, kĩ năng, người trưởng thành (người có nhiều kinh nghiệm) thường tốn ít năng lượng tinh thần hơn so với người ít tuổi (suy nghĩ) khi thực hiện một nhiệm vụ nào đó, hay cùng lúc xử lý nhiều công việc.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Làm thế nào để có thể trau dồi được kỹ năng làm được nhiều việc cùng một lúc?
Có công mài sắt, có ngày nên kim
Chúng ta có thể thấy, nếu một người có kỹ năng thể thao tốt (ví dụ: cầu thủ bóng đá chẳng hạn) thì việc vừa đá bóng vừa nói chuyện với một người nào đó là chuyện quá ư dễ dàng.
Kỹ năng chơi bóng của họ đã điêu luyện đến mức trở thành một bản năng tự nhiên. Họ hầu như không tốn mấy năng lượng trong việc giữ quả bóng được thăng bằng trên không.
Ngược lại, với những ai chỉ mới học chơi bóng, kĩ năng của họ chưa thành thục, nên đương nhiên họ sẽ mất khá nhiều tâm sức để giữ quả bóng di chuyển theo ý mình. Lúc đó thật khó cho họ để vừa tâng bóng, vừa trò chuyện với ai đó được.
Vì vậy, câu trả lời ở đây là: Chúng ta càng luyện tập thành thục các kĩ năng của mình (đạp xe, nướng bánh, v.v…), chúng ta càng có thể làm được nhiều việc kèm theo cùng một lúc.
Vậy tại sao có đôi lúc chúng ta quên mất những gì định nói?
Câu trả lời là do bạn đang phải xử lý một chuyện nào đó trong tâm trí trước khi nói chuyện.
Có thể là do bạn vừa nghĩ về những lời định nói vừa nghĩ về một chuyện nào đó trong cùng một thời điểm. Hoặc bạn vừa phải tập trung lắng nghe trong khi vừa phải phải nghĩ miên man về những điều sắp tới định nói. Dẫn đến đôi lúc bạn chẳng nhớ nổi mình định nói gì sau khi hành động lắng nghe kết thúc.
Giải thích cho hiện tượng đó có thể hiểu là não của bạn không thể thực hiện 2 chuyện quá phức tạp trong cùng một lúc được. Hoặc do tại thời điểm đó não bạn không có đủ năng lượng tinh thần để giải quyết “đa nhiệm” này.
Vậy khi điều đó xảy ra với bạn, hãy thử từ từ hít thở thật sâu và thư giãn! Có lẽ những lời mà bạn quên sẽ quay trở lại khi não bạn thanh tĩnh và nạp năng lượng trở lại.
Thiện Thành biên dịch