Tại sao đi chân trần lại tốt hơn đi giày?
Hóa ra sau hàng nghìn năm, người tạo ra những “đôi giày” tuyệt vời nhất lại chính là mẹ thiên nhiên. Và phải mất một thời gian khá dài khoa học hiện đại mới nhận ra điều đó…
Có nhiều lý do cho thấy vì sao những vũ công, vận động viên thể thao hay những người theo đuổi công việc cần giữ thăng bằng lại không cần thiết phải mang giày thể thao.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng bàn chân đầy đặn có thể giúp bảo vệ đôi chân chúng ta tốt hơn hẳn những đôi giày. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu này còn cho rằng giày thực sự đã làm giảm độ nhanh nhạy của đôi chân đồng thời làm thay đổi cách chúng ta đi bộ hoặc nghiêm trọng hơn là làm thay đổi đáng kể dáng đi của con người.
Giáo sư Daniel E. Lieberman thuộc Đại học Harvard, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Tôi không nói là mọi người không nên đi giày”. Thay vào đó, ông đề nghị cần có nhiều nghiên cứu hơn việc giày dép đã thay đổi cơ thể và thói quen sinh hoạt của chúng ta như thế nào? Chúng ta đã bị mất đi những gì khi che chắn quá kỹ đôi chân của mình?
Giáo sư Lieberman và các cộng sự đã mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu về các vết chai sần ở chân, hầu như các nút sừng cứng được hình thành trên bàn chân là do thường xuyên tiếp xúc với môi trường thô cứng. Họ đã khảo sát 100 người lớn hầu hết đến từ Kenya, trong đó nửa số người tham gia sẽ không mang giày dép một thời gian dài.
Sau đó họ phát hiện rằng, mặc dù có những vết chai sần dày, nhưng những người này vẫn luôn có thể cảm giác được phần đất dưới chân họ. Trên thực tế, ngay cả những vết chai dày nhất cũng không hề làm giảm độ nhạy của xúc giác. Hóa ra thông tin vẫn được truyền tới não bộ qua các vết chai sần sùi.
Việc đi giày mặc dù không có quá nhiều ảnh hưởng, nhưng với một số trường hợp đặc biệt là người già hoặc những người gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng (như rối loạn tiền đình, bệnh lý tiểu não…) thì có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng.
Khi già đi, đôi chân chúng ta thường mất đi sự nhạy cảm và việc mang giày hàng ngày có thể khiến cho việc giữ thăng bằng của chân trở nên khó khăn hơn.
Giáo sư Lieberman giải thích: “Nếu đôi chân của bạn không thể cảm nhận được những gì đang diễn ra trên mặt đất, bạn sẽ có thể dễ bị té ngã gây chấn thương, và giày có thể là một nguyên nhân dẫn đến điều đó. Nếu não bộ của chúng ta có thể tiếp nhận lượng thông tin đầy đủ thì có thể giúp khả năng phản xạ được tốt hơn”.
“Chúng tôi khuyến khích trẻ em nên đi chân trần trên cỏ ẩm để kích thích các yếu tố phát triển [thế chất và tinh thần]”, đồng tác giả nghiên cứu Thomas Milani thuộc trường Đại học Công nghệ Chemnitz ở Đức cho biết.
Chân trần giúp cảm nhận môi trường sống tốt hơn và truyền tải thông tin lên não. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn phải bỏ hết những đôi giày của mình. Sẽ xuất hiện nhiều vấn đề từ các vật nhọn trên đường phố, bùn đất, sình lầy hay nhiệt độ….
Theo các nhà nghiên cứu, các vết chai sạn cũng có thể giúp bảo vệ đôi chân của con người. Trong quá khứ, khi môi trường sống của con người vẫn còn khá an toàn thì chất sừng (keratin) trong lớp da chai sạn sẽ giải quyết tốt các vấn đề mà đôi chân gặp phải.
Do vậy điều cần làm ở đây là cân bằng việc chỉ mang giày ở những nơi cần thiết. Chẳng hạn vào những ngày hè nắng nóng, trong bãi cỏ công viên, bạn nên trò chuyện và vui đùa thoải mái với một đôi chân trần.
An Nhiên biên dịch