Tài dùng người của Lý Quang Diệu
(PetroTimes) – Singapore không có tài nguyên thiên nhiên, không có nguồn nước, thiếu khả năng phòng thủ nhưng với tài nguyên duy nhất là con người, ông Lý Quang Diệu đã đưa Singapore trở thành con hổ châu Á…
Carl Thayer, Giáo sư chính trị tại Đại học New South Wales, Úc, nói: “Không thể nói câu chuyện về nước Singapore thời hiện đại mà không nhắc đến ông Lý Quang Diệu”. Các nhà phân tích nói rằng thế mạnh của ông Lý nằm ở chỗ ông đề ra các tiêu chuẩn và mục tiêu, đó là một “nhà tư tưởng chiến lược”, phát huy được nguồn lực quý giá nhất của Singapore: người dân của đất nước này. Ông Lý luôn tự hào về những người đã và đang gánh trọng trách phát triển đất nước Singapore. Đó là những người thuộc “nhóm hạng A” theo đánh giá của ông. Khi được hỏi liệu Singapore có cần một cách thức lãnh đạo mới trong tương lai, ông Lý gián tiếp trả lời “Không”: “Chúng ta phải có một nhóm hạng A… Chúng ta cần những con người 'hạng nhất' với đầu óc khôn ngoan, có ý thức về trách nhiệm làm việc vì công chúng, có khả năng thực thi”. Quan điểm của ông Lý Quang Diệu về trọng dụng, thu hút nhân tài đã được Singapore thực hiện triệt để, rất có hiệu quả. Không chỉ tập trung đào tạo và phát triển người tài ở trong nước, Singapore còn đẩy mạnh thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, với những chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để họ làm việc, định cư lâu dài và nhập quốc tịch Singapore dễ dàng. Đó là nguyên tắc trao cơ hội bình đẳng cho mọi người bất chấp địa vị, chủng tộc, tôn giáo hay giới tính. Với chế độ nhân tài, nhà nước Singapore cố gắng bình đẳng hóa các cơ hội chứ không phải là kết quả. Chính phủ phân chia phần thưởng dựa trên năng lực và thành tích của các cá nhân. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người đều có cơ hội cạnh tranh để tìm kiếm thành công. Và những người giỏi nhất sẽ được lựa chọn. Đối với đội ngũ lãnh đạo đất nước, quy trình tuyển chọn nhân tài rất khắt khe. Chỉ các ứng viên đã chứng tỏ được năng lực trong khu vực nhà nước và tư nhân mới được mời phỏng vấn nhiều vòng. Phần lớn các thành viên đảng Hành động nhân dân (PAP) hiện nay nếu muốn có vai trò lớn trong chính phủ đều phải có bằng cấp cao từ thạc sĩ trở lên. Để chiêu mộ nhân tài làm việc cho nhà nước, ông Lý Quang Diệu khẳng định cần phải trả lương cho các công chức một cách xứng đáng. “Dù là một cảnh sát, nhân viên di trú hay hải quan thì việc họ bị trả lương thấp là điều rất nguy hiểm” – ông nhấn mạnh. Bởi nếu các công chức, bộ trưởng với kinh nghiệm và bằng cấp cao kiếm được ít hơn so với khu vực tư nhân thì chính phủ sẽ rất khó xây dựng được một bộ máy mạnh. Mức lương cao cũng là giải pháp để chống nạn tham nhũng. Mức lương của nội các Singapore thuộc vào hàng cao nhất thế giới, thủ tướng hưởng khoảng 1,7 triệu USD/năm, các bộ trưởng cũng có mức thu nhập từ 1,1-1,7 triệu USD/năm. Lý Quang Diệu từng nhận định, chính kiến thức đem lại cho bạn cuộc sống tốt đẹp: “Bạn phải xác định rõ ràng rằng kiến thức, học tập và ứng dụng kiến thức vào công việc là cái đem lại cho bạn một cuộc sống tốt. Ngược lại, những ai nghĩ rằng có thể trông cậy vào các mối quan hệ thân sơ, sự luồn lách, gian dối, người đó sẽ gặp trắc trở, bởi đã xem nhẹ việc trau dồi tri thức”. Quá trình chuyển mình của Singapore là tập hợp những chiến lược đột phá, chưa từng có trong lịch sử. Điển hình như việc ông Lý Quang Diệu thẳng thừng từ chối những khoản viện trợ nước ngoài để kích thích ý chí của nhân dân. Thay vì nhận sự hỗ trợ, chính phủ Singapore tận dụng những tài sản mà quân Anh để lại, biến chúng thành khu công nghiệp, điểm du lịch, bỏ qua các nước châu Á láng giềng để mời gọi đầu tư từ phương Tây. Tinh thần tự lực ấy là một trong những yếu tố tạo nên thành công của nền kinh tế của Singapore. Nh.Thạch (tổng hợp) |
Theo Petrotimes