Sự thông thái của người Mỹ bản địa tạo ra một thế hệ thiếu niên dũng cảm
Thời xưa, những người thổ dân Châu Mỹ đã nuôi dưỡng những đứa trẻ của họ trở nên can đảm và lễ phép mà không cần bất cứ biện pháp hà khắc nào. Họ đã vận dụng bốn nhu cầu tăng trưởng như: gắn kết, thành thục, độc lập và rộng lượng, để giáo dục chúng.
Vòng tròn can đảm
Các nhà nhân chủng học từ lâu đã biết thổ dân châu Mỹ có thể nuôi dưỡng những đứa trẻ can đảm và lễ phép mà không cần đến biện pháp hà khắc nào. Tuy nhiên, khi người châu Âu xâm chiếm Bắc Mỹ, họ đã cố gắng “văn minh hóa” trẻ em bản xứ trong các trường nội trú nghiêm khắc mà không biết rằng người dân ở đây đã có một triết lý tinh tế với sự tôn trọng sâu sắc khi đối xử với con trẻ. – Theo Vòng tròn can đảm của người châu Mỹ bản địa.
Vòng tròn can đảm là một mô hình nuôi dạy trẻ tích cực được mô tả lần đầu tiên trong cuốn sách “Reclaiming Youth at Risk”, do Larry Brendtro, Martin Brokenleg và Steve Van Bockern là đồng tác giả. Mô hình này kết hợp các triết lý của người thổ dân châu Mỹ về cách nuôi dạy con, di sản của những người tiên phong trong công tác giáo dục, và những nghiên cứu hiện đại về sự kiên cường. Vòng tròn can đảm dựa trên bốn nhu cầu tăng trưởng của tất cả trẻ em: gắn kết, thành thục, độc lập và rộng lượng.
Những giá trị truyền thống này đã được các nghiên cứu hiện đại về trẻ em công nhận và chúng cũng phù hợp với những phát hiện của Stanley Coopersmith, người đã xác định bốn nền tảng của giá trị bản thân là: có giá trị, năng lực, quyền và đạo đức. Chúng được tóm tắt như sau:
Gắn kết
Trong nền văn hóa bản địa châu Mỹ và Những Bộ tộc Đầu tiên (First Nations, còn gọi là người Anh-điêng), giá trị của mỗi người được xây dựng từ sự gắn kết với cộng đồng. Ella Deloria, nhà nhân chủng học người Lakota đã mô tả giá trị cốt lõi của những từ đơn giản này là: “Có mối liên hệ với tất cả những người mà bạn biết bằng cách nào đó”. Đối xử với những người khác như người thân trong gia đình, giúp mọi người luôn tôn trọng lẫn nhau, đồng thời giúp củng cố các mối quan hệ xã hội.
Nhà thần học Marty quan sát thấy rằng trong suốt lịch sử của bộ lạc, điều đảm bảo sự tồn tại của nền văn hóa không phải là các gia đình hạt nhân. Ngay cả khi cha mẹ trong một gia đình đã mất hoặc không thể nuôi nấng đứa con của mình, bộ lạc sẽ luôn sẵn sàng nuôi dạy những đứa trẻ ấy.
Thành thục
Trong văn hóa truyền thống, việc luôn tạo cơ hội để trẻ “thành thục” sẽ giúp trẻ nâng cao được năng lực của mình. Trẻ em được dạy phải quan sát và lắng nghe cẩn thận những gì người có nhiều kinh nghiệm truyền đạt. Một người tài giỏi hơn được xem là tấm gương để học tập chứ không phải là một đối thủ.
Mỗi người cố gắng ưu tú hơn là vì để hoàn thiện bản thân, chứ không phải để vượt qua một ai khác. Trong bản thân mỗi người đã có sẵn nghị lực bẩm sinh để đương đầu với những khó khăn thử thách và trở nên giỏi giang hơn.
Độc lập
Quyền lực trong văn hóa phương Tây là dựa trên địa vị, nhưng trong truyền thống các bộ tộc nó có nghĩa là tôn trọng quyền độc lập. Ngược lại với các hình thức kỷ luật để rèn tính vâng lời, giáo dục của người bản địa lại hướng đến xây dựng sự tôn trọng và tự kỷ luật từ trong nội tâm.
Từ thời thơ ấu, trẻ em đã được khuyến khích tự đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề và thể hiện trách nhiệm của bản thân. Người lớn có nhiệm vụ làm gương, nuôi dưỡng, dạy bảo con em các giá trị sống và đưa ra nhận xét, nhưng trẻ em cũng có nhiều cơ hội để tự đưa ra lựa chọn của mình mà không bị ép buộc.
Sự rộng lượng
Cuối cùng, sự rộng lượng được coi như một đức tính ưu việt. Mục tiêu chính trong việc nuôi dạy trẻ của người thổ dân châu Mỹ là dạy tầm quan trọng của sự rộng lượng và không ích kỷ. Theo lời của một già làng người Lakota, nó giống như: “Bạn sẽ có thể cho đi món đồ mình yêu thích nhất mà trong tâm không tiếc nuối”. Trong việc giúp đỡ người khác, thiếu niên cũng đồng thời chứng minh được giá trị của mình, họ có sự đóng góp tích cực cho cuộc sống của người khác.
Hồng Liên, theo UC