Sự thật đằng sau ngành công nghiệp thời trang: Ô nhiễm và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng
Quần áo mà chúng ta vẫn treo trong tủ ngày nay thực chất là kết quả của một ngành công nghiệp liều lĩnh và phải chịu trách nhiệm cho những ô nhiễm nặng nề và sự vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất hành tinh.
Do áp lực từ các thương hiệu thời trang hàng đầu, các nhà máy dệt may và nhà sản xuất hàng may mặc luôn tìm cách cắt giảm chi phí để tăng tỷ suất lợi nhuận hàng năm bằng mọi giá. Ngành công nghiệp thời trang hiện đại hiện kiếm được 3 nghìn tỷ đô la mỗi năm, nhưng lại là nền công nghiệp không bền vững. Tại sao?
Xếp sau cây đại thụ dầu mỏ, ngành công nghiệp may mặc gây ô nhiễm thứ 2 trên thế giới và phải chịu trách nhiệm cho việc thải chất thải độc hại nhiều nhất, gây ô nhiễm nước ngầm và tiêu thụ lượng nước lớn hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào.
Sự lãng phí vô độ của các nhà bán lẻ và các hộ gia đình phương Tây điển hình đã vượt xa sức chứa của các bãi chôn lấp toàn cầu. Chỉ riêng người Mỹ đã vứt bỏ hơn 14 triệu tấn quần áo mỗi năm. Hàng năm, ước tính lượng quần áo bị bỏ đi là khoảng 36.3kg/người. Chỉ khoảng 20% số quần áo cũ được bán lại. Hơn 80% quần áo của họ sẽ được đóng gói và vận chuyển đến các bãi rác và lò đốt rác trên khắp thế giới.
Ngoài việc sử dụng một lượng lớn nước trong quá trình sản xuất và dầu bẩn để vận chuyển, các sợi có nguồn gốc từ dầu thô như sợi acrylic, polyester và nylon không phân hủy sinh học và phải mất đến hàng trăm năm để phân hủy. Bên cạnh đó lượng sợi này còn thải ra khí nhà kính có hại gấp 310 lần so với carbon dioxide.
Ngoài ra người ta còn chứng minh được rằng, các vi chất dẻo gây ung thư sẽ tích lũy sinh học vào nước ngầm, đi từ sông đến đại dương rồi vào chuỗi thức ăn của chúng ta. Là yếu tố đóng góp ngày càng nhiều cho nạn phá rừng toàn cầu, rayon là một loại sợi tổng hợp được làm từ bột gỗ, được sản xuất bằng các hóa chất độc hại như xút, axit sulfuric và thường xuyên được đổ vào hệ sinh thái địa phương.
Để sản xuất ra một cái áo thun cotton và một chiếc quần jean cần phải tiêu tốn gần 19 khối nước. Việc trồng cây bông vải cũng đòi hỏi phải tiêu thụ một lượng nước khổng lồ cũng như lượng thuốc trừ sâu nhiều nhất thế giới. Cây bông tiêu thụ 10% tổng số hóa chất nông nghiệp và 25% tổng lượng thuốc trừ sâu.
Các tác động tới môi trường từ việc trồng bông biến đổi gen đang tàn phá các cộng đồng địa phương, khiến người dân nơi đó phải chịu tỷ lệ dị tật bẩm sinh, bệnh tâm thần và ung thư tăng lên theo cấp số nhân. Ông trùm hạt giống và hóa chất Monsanto của Mỹ đã làm trầm trọng thêm các tác động có hại cho sức khỏe và môi trường do trồng bông bằng cách tống tiền đe dọa nông dân địa phương. Điều này đã khiến nhiều nông dân ở Punjab, khu vực sản xuất bông lớn nhất của Ấn Độ phải tự tử. Trung tâm Nhân quyền và công lý toàn cầu (Center for Human Rights and Global Justice – CHRGJ) cho biết chỉ riêng năm 2009, có đến 17.638 vụ tự tử xảy ra ở Ấn Độ và “cứ 30 phút lại có một nông dân tự tử”.
Vi phạm nhân quyền là một trong những điều tồi tệ nhất của bất kỳ ngành công nghiệp nào
Ban đầu, người ta dự định ngành công nghiệp thời trang sẽ cung cấp việc làm cho các cộng đồng cư dân nghèo như một cơ hội để thoát nghèo. Nhưng giám đốc điều hành các hãng thời trang nhanh (kiếm được hàng chục triệu đô la mỗi năm) đã cắt giảm chi phí và tăng tỷ suất lợi nhuận bằng cách ưu tiên đặt cơ sở sản xuất ở các quốc gia khét tiếng về bóc lột lao động và vi phạm luật lao động nghiêm trọng như Bangladesh, Trung Quốc, Campuchia, Ấn Độ và Việt Nam.
Trong 40 triệu lao động may mặc trên toàn thế giới có 4 triệu người đang làm việc ở Bangladesh. 85% trong số họ là phụ nữ sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ với thu nhập khoảng 2 đô la mỗi ngày. Họ thường phải làm việc trong cái nóng ngột ngạt mà không được nghỉ ngơi, thường xuyên chịu đựng sự lạm dụng thể xác và tình dục từ nhân viên quản lý. Đây chính là những con người phải chịu gánh nặng lớn nhất từ ngành thời trang giá rẻ. Bên cạnh đó, họ thường bị buộc phải làm việc trong điều kiện không an toàn, thường xuyên dẫn đến tử vong do các tai nạn có thể phòng ngừa được như hỏa hoạn hay sập nhà.
Bất kỳ người hiểu lý lẽ nào cũng có thể thấy ngành công nghiệp thời trang đang hoạt động một cách điên cuồng để thu về lợi nhuận mà không quan tâm đến môi trường hay cuộc sống của con người.
Với những ai muốn đóng góp một chút gì đó cho ngành công nghiệp thời trang thì đó là việc tốt, nhưng trước tiên chúng ta cần tìm hiểu sự thật rằng quần áo của chúng ta có nguồn gốc từ đâu, để làm ra thì cần những gì, và những cái giá không thể tin được cho những gì chúng ta đang mặc.
Có một cuộc cách mạng đang được tiến hành để tái cấu trúc cơ bản ngành công nghiệp thời trang. Thời trang thương mại công bằng đặt nguồn nhân lực và tính bền vững đối với môi trường như một thước đo mấu chốt. Việc giảm thiểu tác động có hại giúp thúc đẩy các tiêu chuẩn sản xuất một cách toàn diện. Từ việc tìm nguồn cung ứng sợi hữu cơ cho đến tái sử dụng tất cả các vật liệu khả thi có sẵn; từ việc mang lại trải nghiệm sống tốt hơn và làm giàu cho cộng đồng đến việc thực hiện lời hứa về mức lương đủ sống.
Mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp vào việc tái cấu trúc ngành công nghiệp thời thượng này bằng những cách như giảm mua, mua lại quần áo cũ, ủng hộ thương mại công bằng, mua sản phẩm hữu cơ và tái chế sản phẩm sau khi sử dụng, tẩy chay các thương hiệu và nhà bán lẻ bóc lột lao động….
Thiên Hoa (Theo Collective Evolution)