Sự ra đi của nhà sử học Phan Huy Lê và tiết lộ chấn động về anh hùng Lê Văn Tám
Giáo sư Phan Huy Lê, nhà sử học được nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước biết tới vì đã tiết lộ thực hư câu chuyện “anh hùng Lê Văn Tám”, vừa qua đời vào thứ Bảy (23/6).
Theo báo mạng VietNamNet, cách đây khoảng một tuần, ông Phan Huy Lê vào bệnh viện cấp cứu vì bệnh tim. Sau đó, ông còn gặp một số vấn đề về phổi. Ông Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Sử Địa từ trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội, ông làm phụ tá giảng viên môn Lịch Sử Việt Nam cổ trung đại tại trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Năm 1958, ông làm chủ nhiệm bộ môn Lịch Sử Việt Nam cổ trung đại khi mới 24 tuổi. Từ năm 1988 đến nay, ông là chủ tịch Hội Sử Học Việt Nam.
Năm 2008, ông Phan Huy Lê đưa ra một tiết lộ gây chấn động ngành sử học trong nước. Đó là câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng của Pháp năm 1945 là một câu chuyện bịa. Theo lời ông Phan Huy Lê, câu chuyện này do một nhà sử học giáo sư Trần Huy Liệu ”dựng” lên để ”cổ vũ tinh thần chiến đấu” của người Việt. Ông Trần Huy Liệu khi đó là bộ trưởng Bộ Thông Tin Tuyên Truyền, tiền thân của Bộ Thông Tin Và Truyền Thông ngày nay.
Ông Phan Huy Lê cũng nói giáo sư Liệu kể lại rằng sau khi Việt Nam đưa tin này thì đài BBC của Mỹ cũng đưa tin và sau đó bình luận rằng một cậu bé tẩm xăng vào người đốt thì không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng và ông ”đã tự trách là vì thiếu cân nhắc về khoa học nên có chỗ chưa hợp lý”.
Ông Lê viết rằng chuyện cháy kho xăng là có thật nhưng ai đốt cháy thì còn chưa rõ và nhân vật Lê Văn Tám chỉ là một hình tượng được dựng lên.
Theo SBTN