Sự đáng nghi về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với cùng tốc độ trong ba quý liên tiếp. Liệu tốc độ tăng trưởng quá ổn định của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này có phải là sự thật?
Hôm Thứ 4 (19/10) vừa qua, Trung Quốc công bố nền kinh tế nước này tăng trưởng 6,7% trong quý 3 so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả đó giống với tốc độ tăng trưởng do nước này thiết lập trong quý 1 và quý 2/2016. Tuy nhiên trong kinh tế học, sự tăng trưởng ổn định này là không đáng tin cậy.
Xem xét những số liệu kinh tế được đưa ra gần đây dường như có thể nhận thấy một sự ổn định đáng ngờ và sự “can thiệp” của các nhà thống kê Trung Quốc. Tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái của 6 quý gần đây nhất lần lượt là 7,2%, 7,2%, 7%, 7%, 6,9% và 6,8%.
Các chuyên gia kinh tế thường có cái nhìn xa hơn những con số chính thức để đánh giá nền kinh tế Trung Quốc. Những số liệu khác và thực tế cho thấy chính sách cho vay ồ ạt mà Trung Quốc tung ra trong những tháng gần đây đang giúp duy trì sự tăng trưởng.
Tuy nhiên nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, chậm hơn so với năm 2015, năm có tốc độ chậm nhất trong 25 năm qua.
Diana Choyleva, nhà kinh tế học tại Enodo Economics cho biết: ”Nền kinh tế này đã đi đến cuối con đường khi phải nhập khẩu và mô hình đầu tư đang dần chiếm ưu thế”.
Đó là một mối quan tâm lớn của các ngân hàng trung ương, các nhà kinh tế, nhà đầu tư và giám đốc điều hành các công ty trên toàn thế giới, vì Trung Quốc đã là một động lực chính của tăng trưởng toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Câu hỏi chính của họ là: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Khủng hoảng tài chính
Trung Quốc đã thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bằng cách bắt đầu chiến dịch nhà nước định hướng chi tiêu. Và việc đó cũng tạo ra một núi nợ mới. Các nhà phê bình cho rằng họ chỉ đang trì hoãn ngày suy thoái của mình.
Tháng trước, Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế công bố những dữ liệu ước tính khoảng cách giữa dư nợ tín dụng và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dài hạn của Trung Quốc đã mở rộng đến mức kỷ lục, cho thấy một cuộc khủng hoảng tài chính có khả năng xảy ra.
Một phần của vấn đề nằm ở sự tăng trưởng bất thường gọi là bóng ma tài chính. Các hình thức quản lý tài sản hoặc các hình thức cho vay phi truyền thống trở thành trung tâm của những vụ gian lận. Trong báo cáo tháng 10, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) cảnh báo các khoản vay tăng trung bình gần 300% vốn dự trữ tại các ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc.
Với sự tăng mạnh các khoản nợ này, IMF buộc phải đưa ra một cảnh báo chính thức về một nguy cơ “tai họa tài chính” bắt nguồn từ Trung Quốc.
Hoàng An, Theo NYT