Sự bảo thủ khiến Đông Nam Á tăng trưởng chậm lại
Một số nền kinh tế chủ chốt tại Đông Nam Á đang tăng trưởng chậm lại do ít chi tiêu đầu tư và sự bảo thủ trong các chính sách tài chính đã hạn chế chính phủ sử dụng cắt giảm thuế hay những biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng sớm hơn.
Tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong 3 năm qua của Philippines là một trong những dấu hiệu cho thấy sự bất ổn tại Đông Nam Á. Tình trạng này cũng tạo áp lực lên chính phủ các nước trong việc nới lỏng chi tiêu tài khóa, vốn đang bị hạn chế và ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay.
Sau nhiều năm với chính sách lãi suất thấp, người tiêu dùng và các doanh nghiệp trên hầu hết khu vực Đông Nam Á hiện đang có khoản nợ khổng lồ, khiến chính sách kích thích tiền tệ trở nên kém hiệu quả. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát gia tăng cũng gây hạn chế cho việc tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Chuyên gia kinh tế Fred Neumann của ngân hàng HSBC nhận định, các chính sách tiền tệ hiện đã mất dần hiệu quả, nhưng chính phủ các nước vẫn chưa thực sự có động thái mới nào.
Các nền kinh tế Đông Nam Á đang giảm dần đà tăng trưởng và những số liệu gần đây cho thấy, rất ít dấu hiệu phục hồi trong quý II/2015, đặc biệt là khi sức cầu từ Trung Quốc đang suy giảm.
Bên cạnh đó, chính phủ các nước Đông Nam Á không thể mạnh tay chi tiêu, kể cả khi giá dầu giảm khiến gánh nặng tài khóa giảm bớt. Nguyên nhân là biến động chính trị cũng như các cáo buộc tham nhũng đã ngăn cản hoạt động đầu tư.
Tăng trưởng kinh tế quý I/2015 của Philippines chậm nhất trong vòng hơn 3 năm qua do xuất khẩu và chi tiêu công yếu. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tại Indonesia ở mức chậm nhất trong vòng 6 năm, còn tăng trưởng tại Malaysia cũng chỉ ở mức trung bình.
Khi giá dầu giảm mạnh vào giữa năm 2014 giúp hạn chế việc trợ giá nhiên liệu trong khu vực, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán chi tiêu chính phủ sẽ bùng nổ, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Báo cáo của ngân hàng ANZ cho biết, các chính sách kích thích tài khóa, sau gần 1 năm kể từ khi giá dầu giảm mạnh, đã “thất bại” trong việc thúc đẩy một số nền kinh tế chủ chốt.
Ngân hàng ANZ cho rằng các khoản chi tiêu đầu tư công hiện nay khó có thể phục hồi bởi ảnh hưởng từ những cuộc chiến chống tham nhũng tại các quốc gia Đông Nam Á.
Chính sách kích thích tiền tệ
Trước đó, các nhà hoạch định chính sách thường dựa vào ngân hàng trung ương để triển khai chương trình kích thích kinh tế, nhưng khi tỷ lệ lạm phát gia tăng, việc cắt giảm lãi suất ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lo ngại về những khoản nợ hộ gia đình khổng lồ cũng như tình trạng thoái vốn khỏi thị trường nếu Mỹ nâng lãi suất. Đồng Rupiah của Indonesia là đồng tiền giảm mạnh nhất tại Đông Nam Á từ đầu năm đến nay khi giảm 6% so với USD.
Sau khi những số liệu cho thấy chi tiêu đầu tư công giảm trong quý I/2015 khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, Thống đốc Indonesia là Agus Martowardojo nhận định kế hoạch ngân sách của ông Widodo không thể thúc đẩy tăng trưởng nếu không được sử dụng.
Giá dầu thô thế giới giảm khiến Thủ tướng Malaysia Najib Razak hạ các khoản trợ giá nhiên liệu, nhưng chính quyền Kualar Lumpur lại phải vật lộn với sự suy giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu, vốn chiếm 30% thu ngân sách.
Chuyên gia Neuman của HSBC nhận định, sự bảo thủ trong các chính sách tài chính đã hạn chế chính phủ các nước Đông Nam Á sử dụng cắt giảm thuế hay những biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng sớm hơn. “Họ có thể làm được điều đó (các biện pháp khác), nhưng họ vẫn không làm”.
Theo NĐH