Số mệnh bất ngờ được thay đổi nhờ một lời giáo huấn của Táo Quân
Người đàn ông bất hạnh đau khổ than vãn: “Cả cuộc đời tôi đã làm điều gì sai, sao tôi lại bị trừng phạt nặng nề đến thế?” Lời giáo huấn của Táo Quân sau đó đã giúp ông thấu tỏ.
Tương truyền rằng, cứ đến 23 tháng Chạp hàng năm các vị Táo Quân sẽ cưỡi cá chép về trời để bẩm tấu với Ngọc Hoàng về tình hình gia chủ trong năm vừa qua. Với niềm tin này, người Việt thường làm lễ tiễn ông Công ông Táo rất thịnh soạn, người người nhà nhà đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được tâu với Ngọc Hoàng, còn những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi. Những mâm cỗ đầy ắp, những lư hương nghi ngút nhang đèn, ai nấy cùng nhau phóng sinh những chú cá chép mới mua ngoài chợ ban sáng trong ngày tiễn đưa vị Thần Bếp về trời.
Dẫu rằng nét đẹp văn hóa ấy là di sản phi vật thể của cả dân tộc, thế nhưng ý nghĩa thực sự ẩn sau những phong tục tập quán đó mới là điều đáng quý hơn cả. Dưới đây là câu chuyện về Táo Quân được lưu truyền trong dân gian, qua đó giúp chúng ta hiểu được phần nào về thế giới Thần và Người cùng mối tương quan giữa hai bên, tạo nên nền văn hóa Thần truyền vô cùng đẹp đẽ.
Táo Quân, còn có tên gọi là Thần Bếp, từ Thiên Đình được Ngọc Hoàng phái đến cõi Nhân gian. Hằng ngày, ông Táo sẽ theo dõi hành vi của con người rồi ghi chép lại những việc tốt – xấu của họ. Cứ vào ngày 23 tháng Chạp, ông Táo sẽ lên chầu Ngọc Hoàng để bẩm báo. Vì vậy, mỗi hộ gia đình đều làm lễ cúng ông Táo trong ngày này.
Số mệnh thay đổi bất ngờ nhờ một lời giáo huấn của Táo Quân
Thời nhà Minh, có một thầy giáo tên là Yu Du, ông từng là một thư sinh thông minh sáng dạ và thi đỗ kỳ thi từ khi mới lên 17 tuổi. Sau đó, ông cùng bạn bè mở một trường học và dạy học trò để kiếm sống qua ngày. Thế nhưng, chẳng hiểu sao trong nhiều năm liền, mặc cho công sức miệt mài đèn sách để vượt qua một kỳ thi cao hơn nhưng ông đều bị trượt.
Ông Yu có năm người con trai và bốn người con gái. Thật bất hạnh, cả bốn người con trai đều qua đời từ khi còn rất trẻ vì bệnh tật, chỉ duy nhất một người con trai là còn khỏe mạnh và thông minh. Thế nhưng, cái khổ cũng không buông tha cho ông khi cậu bé lên 8 tuổi, trong một lần đi chơi bên ngoài, cậu đã bị mất tích. Chỉ còn lại bốn người con gái, vợ lão Yu vô cùng buồn bã và khóc đến mù cả đôi mắt. Trường học cũng phải đóng cửa vì không có học sinh, trong lúc khó khăn cùng cực, ông đã nghĩ: “Cả cuộc đời tôi đã làm điều gì sai, sao tôi lại bị trừng phạt nặng nề đến thế?”
Mỗi ngày, ông Yu đều viết một lá thư cho Táo Quân và cầu xin Ngài chuyển thông điệp tới Ngọc Hoàng. Nhiều năm trôi qua, thế nhưng mọi thứ chẳng có gì thay đổi. Thậm chí năm 47 tuổi – cái tuổi ngũ tuần đáng lý ra phải hưởng phúc con cháu, ông Yu vẫn phải vay ngũ cốc từ hàng xóm để gia đình có bữa ăn vào đêm giao thừa.
Một lần nọ, ông nghe có tiếng người gõ cửa, đó là một ông lão dáng vẻ phi phàm. Ông lão nói: “Ta nghe rằng ngươi đang rất buồn và lo lắng về cuộc sống. Ta muốn đến để an ủi ngươi”. Nghe vậy, ông Yu bèn dốc bầu tâm sự vốn kìm nén bao năm: “Tôi học hành cả một cuộc đời, nhưng sao chẳng đi đến đâu cả. Tôi thậm chí còn chẳng nuôi được gia đình mình”.
Ông lão lạ mặt tiếp lời: “Thực ra ta có biết về ngươi lâu rồi! Ngươi là người thích phô trương và cái tâm ông không hề tốt. Thư của ngươi gửi tới Ngọc Hoàng toàn là ca thán và khiếu nại. Đáng ra ngươi còn phải nhận thêm nhiều hình phạt nữa!”
Nghe đến đấy, ông Yu ngạc nhiên và thốt lên: “Tôi đã hứa sẽ làm việc tốt trong suốt một thời gian dài, sao ông lại nói đó chỉ là phô trương vẻ bề ngoài?”
Ông lão từ tốn trả lời: “Ví dụ, ngươi không biết trân quý giấy. Trong khi bạn bè và học trò ngươi phải dùng giấy từ sách cũ để gói đồ và lau dọn bàn ghế, ngươi lại chẳng giúp họ được điều chi. Ngươi nhặt mấy tờ giấy trên đường, rồi đốt nó trước mặt người khác để phô trương. Tính ngươi hay nổi nóng, trong tâm chỉ toàn là ganh tỵ, đố kỵ, còn lời nói thì sắc lạnh như dao và đầy ác ý. Bất cứ điều gì ngươi làm, ngươi chỉ mong sẽ thu lợi thật mau. Mặc dù ngươi chưa hề quyến rũ được người phụ nữ nào, nhưng mắt ngươi chỉ biết chằm chằm nhìn vào họ một cách thèm thuồng. Tất cả ý nghĩ xấu xa của ngươi đều được ghi cả lại rồi. Ngươi chỉ thích trách né những khó khăn trước mắt, và mong chờ được ban phước lành”.
Trước những lời nói uy nghi ấy, ông Yu run sợ lí nhí không thành lời: “Nếu ông đã biết rõ như vậy, chắc hẳn ông phải là Táo Quân rồi. Xin hãy rủ lòng thương xót và cứu lấy tôi!”
Lúc này, ông lão lạ mặt – tức Táo Quân bèn nói: “Ngươi đã học hết những cuốn sách trong nhiều năm và tất nhiên, ngươi biết được nguyên tắc làm việc thiện và giúp người khác hạnh phúc. Nhưng bởi vì ngươi không thể kiên trì, nên tất cả những việc thiện và lời nói của ngươi chỉ là vẻ bề ngoài. Tại sao ngươi không làm điều đó với tâm chân thành, đừng mong chờ được trả công, không cần thu lợi cũng như đạt được danh tiếng. Mặc cho việc tốt đó lớn hay nhỏ, chỉ cần làm nó mà thôi. Một thời gian nữa, ngươi sẽ thấy được kết quả. Ngươi càng nhanh chóng làm điều thiện nhiều bao nhiêu, thì ngươi sẽ thay đổi được sự phán quyết của Thiên Đình sớm bấy nhiêu!” Nói xong, ông già liền bước thẳng vào bếp và biến mất.
Sau ngày hôm đó, Ông Yu đã hoàn toàn thay đổi và liên tục thay đổi ý nghĩ của mình, cố gắng làm hết sức mình để giúp đỡ những người khác. Ba năm sau, ông Yu được mời vào giảng dạy trong cung điện. Nhà vua thực sự kính trọng ông ấy và ông cũng được thăng chức nhiều lần. Cuối cùng sau bao năm thất lạc, ông vô tình tìm lại được đứa con trai năm xưa, còn người vợ cũng sáng mắt trở lại. Mọi người đều kính trọng ông vì nhân cách cao quý và gửi con cái của họ đến cho ông dạy dỗ.
***
Quả thật, thiện ác phúc báo đều tự tâm mình mà ra, không phải lỗi tại ông Trời. “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”, “thiện ác hữu báo”, đây là một nguyên tắc bất di bất dịch của vũ trụ. Bất cứ một ý nghĩ nào trong tâm bạn, trời đất đều biết rõ.
Hy vọng rằng qua câu chuyện về ông Yu và Táo Quân, chúng ta sẽ hiểu được rằng việc cúng bái chỉ là nghi lễ bề ngoài, cốt lõi chính là bản thân mỗi người sống sao cho thiện lương. Khi đó, không cần cá chép, không cần mâm cỗ, cứ đến 23 tháng Chạp, vị Vua Bếp của chúng ta sẽ vô cùng vui vẻ về trời bẩm tấu những điều tốt đẹp mà chúng ta đã làm được.
Người Trung Hoa còn có một câu nói khác về Táo Quân: “Thượng thiên ngôn hảo sự, hạ giới bảo bình an” – nghĩa là “khi Táo quân bẩm báo những lời tốt đẹp trên Thiên Đình, thì bình an sẽ tràn ngập khắp cõi nhân gian”.
Theo trithucvn