Sinh viên nghèo từ chối học bổng để nhường cho bạn khó khăn hơn
Bạn Trần Gia Bảo, một sinh viên y khoa của trường ĐH Y dược Cần Thơ đã từ chối nhận xuất học bổng vì cho rằng “ra trường rồi, gánh nặng chi phí không nặng nề bằng các em khóa sau”.
Ngày 9/7, tại Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ vùng Tây Nam Bộ, đại diện báo Tuổi Trẻ đã trao 10 suất học bổng đợt 2 (đợt 1 đã trao 59 suất) cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học ngành y, dược tại TP Cần Thơ. Học bổng do bà Nguyễn Thị Bạch Mai, thuộc Ủy ban Tương trợ người Việt Nam tại Đức tài trợ, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng.
Bạn Trần Mỹ Lợi, một sinh viên nghèo năm thứ 6 ngành y trường ĐH Y Dược Cần Thơ, đã tỏ ra vô cùng xúc động trước xuất học bổng được trao tặng. Lợi kể cha mẹ em phải đi bán vé số kiếm sống để lo cho em đi học đến nơi đến chốn, trong suốt hành trình đi học đó là cả sự hy sinh và yêu thương to lớn từ gia đình.
“Có lúc nhà em kiệt quệ, mẹ té gãy lún sống ngực, em bị tai nạn trải qua mấy lần phẫu thuật. Có lúc muốn nghỉ ngang để kiếm tiền phụ cha mẹ, nhưng cha mẹ nói nhất định chị em em phải học, học đúng ngành mơ ước, cực khổ mấy cha mẹ cũng chịu. Điều đó làm động lực cho em bước tiếp, em biết ơn vì điều đó”, Lợi xúc động.
Tuy nhiên trong buổi lễ hôm đó, điều đặc biệt hơn hết chính là nghĩa cử cao đẹp và tử tế của bạn Trần Gia Bảo, vừa hoàn thành xong 6 năm ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Bảo chia sẻ: “6 năm học, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, cha mẹ phải làm thuê làm mướn, bản thân em phải đi làm gia sư, phụ chạy bàn mới đủ tiền đóng học phí, tiền ăn mỗi ngày. Em rất hiểu các em cùng cảnh, nên em muốn dành học bổng này để làm động lực cũng như giải quyết khó khăn trước mắt để các em tự tin hơn, cố gắng hơn”.
Hành động của Bảo đã khiến nhiều người trong buổi lễ hôm ấy rất xúc động và khâm phục,. Bảo chia sẻ: “ra trường rồi, gánh nặng chi phí không nặng nề bằng các em khóa sau”. Bảo cũng cho hay, còn vài ngày nữa là em đã được nhận bằng tốt nghiệp, công việc ở quán cà phê hiện tại cũng đủ để chi tiêu chứ không phải vừa học vừa chạy ăn từng bữa nữa, nên muốn dành phần quà đó cho các em khó khăn hơn mình.
Video: Rơi nước mắt trước ý chí của cậu sinh viên nghèo vượt qua nỗi đau mồ côi. (Nguồn:Tạ Minh Tân speaker)
Cô học trò mồ côi, nhường học bổng cho bạn khác
Tương tự như trường hợp của bạn Gia Bảo, khoảng năm 2015, cũng đã từng có câu chuyện về một cô học trò nghèo đã từ chối nhận học bổng dành cho mình trong suốt 3 năm cấp ba.
Cô học trò ấy tên là Lê Đỗ Thanh Thảo, suốt năm cấp ba cô bé phải sống cùng cậu mợ do bố và mẹ đều qua đời vì tai nạn giao thông. Ba anh em Thảo phải ly tán mỗi người một phương để lao vào kiếm sống. Chị gái đã lập gia đình, còn anh trai của Thảo vừa làm thêm vừa học tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Cả ba anh em sống nhờ vào số tiền bảo hiểm của cha mẹ để lại là chính. Tuy nhiên đã qua 5 năm, số tiền ấy cũng đã cạn kiệt.
Khó khăn chồng chất nhưng cô học trò chưa bao giờ kêu than về hoàn cảnh, chỉ âm thầm chịu đựng mọi nỗi đau và vươn lên. Suất học bổng mà Thảo từ chối có giá trị 1 triệu đồng/tháng do nhóm cựu học sinh của trường cấp và sẽ nhận liên tục trong suốt ba năm học cấp 3. Thảo biết rõ đấy là số tiền lớn, nhất là với một người không còn cha mẹ và phải ở nhờ nhà cậu mợ như mình.
Ngày đó Thảo cũng đã nghĩ rằng em sẽ xin nhận suất học bổng, nếu số tiền đó cô bé không dùng thì cũng có ích đối với người chị thời điểm ấy đang học ĐH Nông lâm TP HCM.
Tuy nhiên, Thảo suy nghĩ rồi thưa với cô Trần Thị Hiệp, giáo viên dạy sử Trường THPT chuyên Nguyễn Du, là người giới thiệu học bổng cho Thảo, rằng: “Con sẽ không nhận suất học bổng”.
Cô Hiệp gặng hỏi một hồi Thảo mới nói: “Con còn may mắn, những bạn khác còn khó khăn hơn con”. Rồi Thảo kể ra hàng loạt học sinh đồng lứa đang cần sự giúp đỡ vì ba mẹ đau ốm lâu năm không có tiền chữa bệnh, hay có cô bạn mồ côi cha mẹ phải tự làm vườn kiếm sống đến trường…
Dù lúc ấy Thảo chỉ mới là một cô bé, còn ở độ tuổi ăn chơi, nhưng lại giữ trong mình những suy nghĩ vô cùng sâu sắc và chín chắn, em như một nữ chiến binh mạnh mẽ bất khuất, dù có khó khăn, nhưng vẫn giữ cho bản thân một tâm hồn thanh cao. Chỉ cần còn có thể gắng gượng được, em muốn tự mình vượt qua, thì những điều ấy mới quý, mới không phụ những gì cha mẹ đã dạy khi còn sống. Huống gì đối với Thảo, vẫn còn rất nhiều bạn khó khăn hơn mình mà chẳng nhận được sự giúp đỡ như mình, đối với Thảo, cuộc sống bây giờ đã quá đủ.
Em tâm sự: “Cậu mợ cưu mang em và lo cho em chu đáo, trường miễn học phí cho em, thầy cô thương nên em không tốn tiền học thêm. Ở tuổi em vậy là đủ rồi. Khi em thấy đủ rồi thì em không nên nhận thêm. Bạn em cũng cần như em nhưng chưa có may mắn đón nhận những ân nghĩa đó. Em nhường là đúng với những gì cha mẹ em dạy khi còn sống”.
Thảo thật sự là một cô bé đầy kiên cường và lương thiện, dù không còn cha mẹ bên cạnh. Một mình bơ vơ nhưng Thảo không vì thế mà suy sụp hay buông thả. Cô bé đã mạnh mẽ vươn lên trước khó khăn, điển hình trong cuộc thi THPT quốc gia năm đó (2015), cô bé đã đạt số điểm khá cao 25,25 điểm khối D, không phụ lòng những gì mà bao nhiêu người mong đợi.
Ngày đứng trước ngưỡng cửa vào đại học, nhớ lại những khó khăn đã tự vượt qua, Thảo nhận ra rằng những điều không may mắn đã xảy ra trong gia đình là chuyện của quá khứ. Những thương yêu của người xung quanh không khỏa lấp được sự mất mát nhưng khiến em thấy được sự chia sẻ của mình cũng là động lực để bản thân mình vượt khó. Nhường suất học bổng với Thảo là cách san sẻ yêu thương mà em muốn gửi cho những người bạn dù không quen của mình động lực cùng đi tới.
Cô bé trả lại học bổng, xin nhường cho bạn khác
Một trường hợp tương tự vào năm 2016, không khó khăn và mồ côi cả cha mẹ như Thảo. Em Trần Thị Thanh Tuyền khi ấy là một cô bé học sinh lớp 10, cũng nằm trong danh sách học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường THCS – THPT Nguyễn Thị Một (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Trong ngày khai giảng năm học mới năm đó, Phó Thủ tướng Chính phủ có đến dự và trao tặng 30 suất học bổng cùng 30 chiếc xe đạp cho những em khó khăn, trong đó có Tuyền. Nhưng một tình huống đặc biệt đã xảy ra là sau khi buổi lễ kết thúc, em đã xin trả lại chiếc xe đạp với nguyện vọng nhường lại nó cho bạn khác cần hơn em.
Cô bé nói: “Còn nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn, xứng đáng được nhận chiếc xe đạp này hơn con!”
“…xe con vẫn còn đi được. Con lấy xe này làm chi nữa!”
Lời nói thật thà của cô bé khiến những người chứng kiến câu chuyện lúc đó cảm thấy bối rối xen lẫn tự hào. Bối rối vì ai cũng biết, để có mặt trong danh sách 30 học sinh nhận xe đạp thì hoàn cảnh của Tuyền phải thật sự khó khăn. Tự hào vì tấm lòng của em quá đỗi lương thiện, sớm đã biết san sẻ, yêu thương người khác…
Chúc Di (t/h)