Sau 1997, Hong Kong đã biến đổi thế nào dưới sự cai trị của Trung Quốc
Vào 1/7/1997, quốc kỳ Trung Quốc đã được kéo lên ở Hong Kong lần đầu tiên, kết thúc 156 năm cai trị của Anh và bắt đầu một thí nghiệm bất thường về dân chủ của Bắc Kinh. Theo đó, Tập Cận Bình sẽ đối mặt với những câu hỏi hệ trọng khi có mặt tại đây sau 20 năm chuyển giao.
Đó là những câu hỏi mới về sự cam kết của Trung Quốc đối với thỏa thuận chuyển giao và nhân quyền nói chung.
Hong Kong là một đặc khu kinh tế hàng đầu thu hút nhà đầu tư bởi sự an toàn và đảm bảo. Với mức độ tuân thủ của Bắc Kinh đối với Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984, Hong Kong trở thành nơi tôn thờ các nguyên tắc như dân chủ và các tòa án độc lập vốn khó có thể hòa hợp với chế độ một đảng của Trung Quốc. Tất cả điều này đặt ra vị trí quan trọng của Hong Kong.
Và ngày 1/7/2017 sẽ là ngày đánh dấu cột mốc 20 năm quan trọng đối với Hong Kong. Trong ngày này, sự mừng vui xen lẫn lo âu, bởi người ta chào đón sự nổi lên của một khu vực bán tự trị thời hậu thuộc địa, nhưng lại lo lắng cho tương lai của một ngọn hải đăng về dân chủ, tự do và tinh thần thượng tôn pháp luật. Theo cam kết, Trung Quốc chỉ đảm bảo “mức độ tự trị cao” của Hong Kong trong 50 năm. Vào năm 2022, khi Trưởng Đặc khu mới của thành phố này là Carrie Lam kết thúc nhiệm kỳ, lời hứa đó sẽ chỉ còn non nửa thời gian có hiệu lực.
Ngoài đó ra, Hong Kong năm nay còn chào đón sự hiện diện của Tập Cận Bình, vị chủ tịch lần đầu tiên đặt chân đến đây kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012. Ông Tập xuất hiện 2 năm sau thời điểm nổi dậy của Cách mạng ô, phong trào ủng hộ dân chủ và tạo ra một phong trào đòi độc lập mang tính đối đầu hơn.
Với sự hiện diện này thì câu hỏi đầu tiên mà ông Tập phải đối mặt là “Trung Quốc có giữ phần thỏa thuận của mình không?”
Hiến pháp của Hong Kong, còn được gọi là Luật Căn bản, bảo tồn luật pháp thông thường của Anh và các di sản thời thuộc địa khác như quyền sở hữu nhà đất, quyền tự do ngôn luận và một hệ thống tư pháp độc lập theo một cái khung được gọi là “một quốc gia, hai chế độ”. Những đấu tranh lớn nhất cho đến nay tập trung vào một điều khoản nói rằng Trưởng Đặc khu cuối cùng phải được lựa chọn thông qua phổ thông đầu phiếu.
Hai thập kỷ sau, người lãnh đạo Hong Kong vẫn được lựa chọn bởi một ủy ban bao gồm 1.200 chính trị gia. Vào năm 2015, Trung Quốc đã cho thấy những nỗ lực quan trọng nhằm can thiệp vào điều khoản phổ thông đầu phiếu. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại sau cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng nhằm phản đối việc chính quyền Trung Quốc tạo điều kiện đắc cử cho ứng viên thân Bắc Kinh.
Như vậy, với những động thái từ chính quyền Trung Quốc thời gian qua, niềm tin về mức độ tự trị cao của Hong Kong đang được đặt lên bàn cân.
Năm 2016, Trung Quốc cảnh báo chính phủ Anh “dừng can thiệp” khi nước này chỉ trích các lãnh đạo Trung Quốc về việc bắt cóc những người bán sách ở Hong Kong.
Tháng 5/2016, Trương Đức Giang, quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khẳng định quan hệ giữa Hong Kong và Bắc Kinh là “sự trao quyền, chứ không phải chia sẻ quyền lực” và cảnh báo địa khu này đừng đối đầu với Bắc Kinh.
Hồi tháng 11/2016, cơ quan lập pháp tối cao của Trung Quốc đã đưa ra một quyết định chưa có tiền lệ nhằm can thiệp vào một vụ kiện ở Hong Kong và chỉ thị cho các thẩm phán cách diễn giải luật sở tại. Hành động này đã dẫn đến việc loại bỏ hai nhà lập pháp ủng hộ độc lập và trải đường cho những hành động tương tự đối với 8 người khác.
Diễn biến chính trị phức tạp tại Hong Kong khiến giới đầu tư không ngừng dõi mắt theo tình trạng pháp quyền ở đặc khu này. Theo đó, Trung Quốc càng tìm biện pháp tăng cường mối quan hệ kinh tế với Hong Kong thì áp lực ngày càng gia tăng lên dân địa phương cũng như người nước ngoài, đẩy giá nhà đất tại khu vực này lên mức cao nhất thế giới.
Và tương lai của Hong Kong tiếp tục là một câu hỏi lớn.
Sự đối đầu tiếp diễn trong 30 năm tới có thể bắt đầu ảnh hưởng đến các quyết định tài chính dài hạn khi hạn chót 2047 đến gần. Theo Bloomberg, “trong khi bà Carrie Lam, Trưởng Đặc khu tiếp theo, vẫn hứa hàn gắn những mối chia rẽ, bà phải đối mặt với sức ép từ Bắc Kinh phải có thái độ cứng rắn và giải quyết những tranh cãi chính trị kéo dài”.
Hồi tháng 4, quan chức phụ trách luật pháp cao nhất của đại lục ở Hong Kong đã cảnh báo rằng chính quyền sẽ cân nhắc việc bãi bỏ “một quốc gia, hai chế độ” nếu khái niệm này trở thành một mối đe dọa với Trung Quốc.
Theo Bloomberg