Sài Gòn: Đề xuất xây dựng chợ nổi, đường hoa trên sông
Tận dụng lợi thế với nhiều kênh rạch giữa lòng thành phố hiện đại. Sông hoa, chợ nổi nếu được phát triển sẽ tạo nên điểm nhấn rất đặc biệt cho Sài Gòn, thu hút khách du lịch thăm quan, mua sắm.
Trong buổi tọa đàm Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TP. HCM do Sở Giao thông Vận tải TP HCM và Sở Du lịch tổ chức ngày 28/11. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt đã kiến nghị chuyển đường hoa tết thành sông hoa, trang trí đẹp như đường hoa Nguyễn Huệ.
“Nếu TP HCM làm được, đảm bảo sông hoa đẹp và độc đáo không nước nào sánh bằng“, ông Mỹ phát biểu.
Để thực hiện điều này theo ông Mỹ, ngay từ bây giờ thành phố phải quy hoạch đường sông cho 20 năm sau, chỗ nào công viên, chỗ nào khu mua sắm, chỗ nào ẩm thực,… Cần phải có khu lưu trú cho khách dọc hai bên bờ sông, từng bước thay đổi thói quen du lịch đường sông.
Ông gợi ý, trên sông có hoa ở hai tuyến đường hai bên cho buôn bán sản phẩm truyền thống như nước mía, nước lá, bánh xèo… Các gian hàng thiết kế dạng quán lá theo kiểu làng quê Việt Nam xưa, các sản phẩm mang tính dân tộc, chắc chắn sẽ thu hút được du khách.
TP. HCM với lợi thế của 2 tuyến sông chính là Sài Gòn – Đồng Nai chảy qua nên có tiềm năng rất lớn về kênh rạch để làm du lịch mà nhiều nơi khác không có.
“Việt Nam có làng hoa, phố hoa, đường hoa rồi nhưng sông hoa thì chưa chỗ nào có. Đây sẽ là một sản phẩm du lịch mới, tạo cú hích cho du lịch đường sông của thành phố“, ông Mỹ nói và đề nghị nên chọn tuyến kênh Bến Nghé (có hai đường ven kênh là đại lộ Võ Văn Kiệt và Bến Vân Đồn) để thí điểm lập đường hoa, chợ hoa trên sông.
Theo ông Mỹ, trước mắt có thể tổ chức đường hoa trên sông vào các dịp như 30/4, 2/9, Noel, Tết Dương lịch… Khi đã có thương hiệu thì có thể làm thường xuyên hơn, hàng tháng, thậm chí hàng tuần. “Muốn du lịch đường sông phát triển nhà nước cần quan tâm bằng những chính sách cụ thể chứ không nói chung chung như xưa nay nữa…“, ông Mỹ nói.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Quang Vinh (giám đốc công ty du thuyền) cho hay, ở các thành phố Cần Thơ, Mỹ Tho… chợ nổi phát triển như là một điểm nhấn của địa phương.
“TP HCM vì sao không tận dụng đường sông rất đẹp để phát triển du lịch chợ nổi Sài Gòn?“, ông đặt vấn đề và cho rằng thành phố cũng có thể tận dụng để phát triển câu lạc bộ du thuyền Việt Nam. Nếu được phép, sẽ có nhiều nhà đầu tư muốn làm, những tour du lịch như thế sẽ rất thu hút khách trong nước cũng như khách quốc tế đến Việt Nam.
Cùng với hệ thống sông nhỏ, kênh rạch tạo thành mạng lưới đường thủy kết nối với các tỉnh lân cận, có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch đường thủy nội địa vốn còn khá mới mẻ này. Mới đây, tuyến buýt sông đầu tiên đi vào hoạt động đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân thành phố.
Trong năm 2017, khoảng 1.127.855 lượt khách (trong đó khoảng 708.355 lượt khách du lịch đường sông, 419.500 lượt khách tàu biển). Số lượng khách du lịch đường thủy đến TP năm 2017 và 2018 đạt khoảng 450 ngàn lượt khách/năm. Doanh thu đạt 540 tỷ đồng/năm/2017 và tăng 15% trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, có những khó khăn mà hệ thống đường thủy chưa đáp ứng được sự phát triển như kỳ vọng. Đơn cử, một số tuyến du lịch đường thủy đầu tư nâng cấp, cải tạo còn chậm như dự án cầu đường sắt Bình Lợi trên tuyến sông Sài Gòn, khai thông tuyến rạch Chiếc… Đặc biệt từ khi bến Bạch Đằng ngưng hoạt động để chỉnh trang đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động du lịch đường thủy.
Trước đề xuất của các doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết sẽ tiếp thu và kiến nghị lên lãnh đạo UBND thành phố.
Chúc Di (t/h)