Sài Gòn có “những đứa trẻ không nhà” nhưng vẫn rất lễ phép
Không đâu xa những đứa trẻ đáng thương ấy đang nằm ngay chính thành phố Sài Gòn sầm uất. Những đứa trẻ lấm lem, thèm thuồng tình yêu thương của gia đình, thèm một bữa ăn ngon chứ không phải lượm nhặt vội vã những đồ thừa thải của người khác, cái đáng quý hơn chính là dù không ai dạy dỗ nhưng các em vẫn ý thức được phải biết lễ phép với người lớn.
Chuyện về 6 đứa trẻ lang thang ăn vội miếng gà rán thừa nhưng vẫn cư xử lễ phép
Chia sẻ trên facebook cá nhân của chị Hồ Huyền, (sống tại huyện Đồng Phú, Bình Phước) trong những ngày cuối năm 2018:
“21h, khi đang ngồi ở cửa hàng gà rán cùng con gái. Tôi gặp những cậu bé này… thật sự những cậu bé vô gia cư trên khắp nước Việt Nam này không có gì lạ lẫm. Nhưng tôi phải sững sờ khi 1 trong số những cậu bé đó chạy thật nhanh đến bàn bên cạnh tôi khi vị khách vừa rời đi, nhặt vội miếng gà còn sót lại đứng ăn ngon lành. Mọi thứ diễn ra chóng vánh khiến tâm tư tôi như bấn loạn. Cảm giác vừa xót xa vừa như nào đó. Cảm giác thật sự khó tả.
Tôi bắt chuyện với 1 cậu bé đang đứng gần tôi nhất. Này nhóc ơi ! con nhà ở đâu? – Cậu bé đáp thật to và nhanh như sợ bị cướp lời: Nhà con ở gần trường cấp 2.
Sát bên là 1 cậu bé trắng trẻo nhìn khuôn mặt sáng và khôn lanh nhất. Đôi mắt có chút buồn và vẫn giữ được nét ngoan hiền trên gương mặt , tay huých nhẹ vào bạn nhắc nhở – Nói chuyện với người lớn mà nạt nộ vậy hả ? Nói nhẹ nhàng lịch sự thôi.
Tôi khẽ cười hỏi lại cậu bé :
– Con nói như thế nào thì là nhẹ nhàng? – Con nói dạ nhà con ở gần trường cấp 2
– Ừ ngoan, cô còn phần khoai tây này con muốn ăn không? – Dạ có ! Con cảm ơn cô…
Rồi cậu bé mang phần ăn chạy thật nhanh qua bàn bên cạnh …
Một lát bọn trẻ tập trung lại xung quanh và tôi hỏi chúng về hoàn cảnh mỗi đứa thì mỗi câu chuyện lại mở ra, 6 cậu bé tuổi 8-13 bỏ nhà đi bụi….
– Ba con uống rượu say là bắt con nằm ra nệm uýnh hoài nên con bỏ nhà đi.
– Thằng đó làm mất cái xe đạp nên nó bỏ nhà đi đó cô.
– Ba con mất xong mẹ con lấy ba mới, rồi uýnh con buồn nên con mới bỏ nhà đi bụi.
– Mỗi ngày tụi con ăn gì? – Tụi con vô đây lượm gà ăn.
– Tối tụi con ngủ ở đâu ? – Tối tụi con ngủ ở tượng đài.
– Lạnh không? – Dạ không, ở đó người ta cho mền đắp đó cô.
– Người nhà tụi con có tìm không? – Dạ không cô, có thằng này chị nó đi tìm mà nó không về nè cô.
– Mày xạo, không tìm tao đâu.
Thật sự không biết nói gì hơn nữa… Làm cha mẹ, làm ơn đừng bao giờ để con phải có tuổi thơ tủi nhục. Đừng bao giờ để con tìm niềm vui nơi tận đáy của xã hội, có được hay không?!”
Bé gái bán vé số mù chữ, đứng tập viết trong con hẻm nhỏ ở Sài Gòn
Câu chuyện về cô bé bán vé số nghèo đang cặm cụi đứng ghi lại những con chữ mới được ai đó dạy ngay trong con hẻm nhỏ ở Sài Gòn được tài khoản Vinh Phùng chia sẻ khiến nhiều người suy tư:
“SÀI GÒN ĐỘT NHIÊN BUỒN BÃ
Vừa chống xe cái “kịch”, bắt gặp nhóc nhỏ (nhóc này hay đi bán vé số trong hẻm nhà tui) đang đứng ghi ghi gì đó, chạy lại coi thì thấy đứng ghi số địa chỉ nhà đối diện. Thấy lạ nên hỏi:
– Ghi gì vậy nhỏ?
– Dạ… chữ…
– Ghi chi vậy? Muốn phá gì hả?
– Dạ hông, con mới được chú kia dạy chữ nên… tập ghi.
– Xạo, bán vé số không biết chữ lấy gì biết đài mà bán.
– Con bán có 1 đài à, má đưa sao bán vậy, con còn hổng biết số nữa mà chú *cười*.
– Vậy lúc người ta đưa tiền sao mà đếm?
– Tiền thì con biết đếm tại màu nó khác nhau!
Nhìn lại thấy nhóc cầm cái bảng hồi nhỏ hay chơi, ghi miếng nhựa ở trên in xuống dưới, bút là 1 cái que cá viên. Thấy thương ghê, rút 10k ủng hộ tờ vé số, nhỏ bán xong lại đứng hí hoáy ghi tiếp. Viết xong mấy dòng này thấy tự nhiên thấy Sài Gòn buồn hiu. Sống trong xóm lao động chi cho nhiều cảm xúc vậy nè?”.
Chứng kiến những hoàn cảnh trên, bỗng nhiên cảm thấy mình thật may mắn biết bao khi được khôn lớn, trưởng thành trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ. Buồn cho những đứa trẻ bất hạnh phải “tìm niềm vui nơi đáy tối xã hội”, cũng chợt nhận ra mình càng phải trân quý hạnh phúc đang có hiện tại.
Thế giới rộng lớn ngoài kia, còn biết bao mảnh đời bất hạnh, còn biết bao em nhỏ đang hàng ngày mưu sinh rồi háo hức chờ ai đó dạy cho vài con chữ, biết bao đứa trẻ bị lãng quên ngay trong chính gia đình của mình… Mong sao tuổi thơ của các em sẽ được bình yên.
Theo ĐKN