Sách thẻ tre của người Trung Quốc được tạo ra như thế nào?
Từ thời xa xưa, người Trung Quốc đã biết dùng những thẻ tre để tạo ra sách. Loại sách này từng một thời trở thành biểu tượng của nền văn hóa Trung Hoa và đằng sau nó là cả một lịch sử phát triển rất lâu đời.
Lịch sử phát triển của sách thẻ tre
Các nhà sử học cho rằng sách làm từ thẻ tre hoặc thẻ gỗ xuất hiện từ trước khi con người phát minh ra giấy, vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên trong thời kỳ Chiến Quốc. Tuy nhiên, cũng có một số bằng chứng khác lại cho rằng sách làm từ thẻ tre đã xuất hiện từ thời nhà Thương (khoảng năm 1250 trước Công nguyên).
Sách thẻ tre được phát minh ra như một sự thay thế cho các loại nguyên liệu dùng để lưu giữ văn bản trước đó như xương và da động vật. Và sách bằng thẻ tre cứ thế tồn tại suốt cả nghìn năm tại Trung Quốc, chỉ bị thay thế khi giấy được phát minh ra vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên.
Tại sao lại dùng thẻ tre?
Vậy tại sao người Trung Quốc lại chọn thẻ tre để làm sách? Câu trả lời rất đơn giản, đó là vì vào thời điểm đó, tre là thứ nguyên liệu dễ kiếm, dễ chế tác nhất mà con người có thể sử dụng để lưu trữ văn bản với công nghệ lỗi thời lúc bấy giờ.
Trước khi sách bằng thẻ tre được phát minh ra, con người chỉ dùng xương, mai và da động vật làm công cụ lưu trữ văn bản. Bạn có thể thấy trong một số phim hoặc tài liệu cổ trang nhắc đến các loại chữ giáp cốt, là loại chữ cổ khắc trên xương động vật hay trên mai rùa trước khi con người phát minh ra sách bằng thẻ tre hay sách giấy ngày nay. Và tất nhiên là tre dễ kiếm, dễ chế tác hơn là xương và da động vật nên nó dần phổ biến và trở thành công cụ lưu giữ văn bản trong suốt hơn 1.000 năm tại Trung Hoa.
Một cuốn sách thẻ tre của Trung Quốc được tạo ra như thế nào?
Để tạo ra một cuộn sách thẻ tre theo cách truyền thống, tre sẽ được cạo hết lớp vỏ màu xanh, sau đó được hong khô trên lửa rồi sau đó được cắt nhỏ thành các thẻ với quy chuẩn về kích thước khác nhau.
Theo ghi chép thì ở thời nhà Hán, có 3 loại thẻ tre phổ biến, loại dài khoảng 70cm, cỡ vừa khoảng 35cm và cỡ nhỏ khoảng 20cm. Trong đó thì loại thẻ cỡ nhỏ là phổ biến nhất và người ta vẫn thường truyền nhau rằng mỗi thẻ tre có độ dài đúng bằng… độ dài đôi đũa, chiều ngang tương đương với khi bạn chập đôi đũa đó lại với nhau. Đó là cách dân giã nhất để đo kích thước của một thẻ tre chuẩn mực.
Các thẻ tre sau khi được cắt thành các miếng bằng nhau sẽ được buộc và cuốn lại thành từng cuộn. Lối viết từ trên xuống dưới theo hàng dọc cũng bắt đầu hình thành do việc sử dụng thẻ tre mà nên.
Những người phụ trách việc viết sách thời kỳ này không chỉ sử dụng bút, mực (làm từ nhựa cây) mà sẽ luôn mang theo mình một con dao nhỏ dùng để cạo bỏ các phần viết sai và sửa đổi chúng. Do đó, ở thời kỳ này thì biểu tượng của quyền lực đối với các loại văn bản viết là hình con dao chứ không phải cây bút bởi nó mang ý nghĩa biểu trưng cho thứ công cụ có thể xóa bỏ hay sửa đổi câu chữ trong văn bản.
Sự thay thế của sách giấy đối với sách thẻ tre
Sách thẻ tre trong suốt hơn 1000 năm đã trở thành phương tiện lưu trữ văn bản phổ biến tại Trung Quốc mãi cho tới khi giấy được phát mình và sử dụng rộng rãi thì chúng mới dần bị loại bỏ khỏi đời sống của con người.
Một trong những lý do khiến cho sách thẻ tre bị “thất sủng” phải kể đến là bởi trọng lượng quá lớn của chúng. Ở thời Tần Thủy Hoàng, một bộ sách có thể bao gồm hàng chục cuộn với tổng trọng lượng lên tới 72 kg. Trong khi cùng số lượng văn bản như vậy bạn có thể lưu vào một cuốn sách giấy nặng chưa đến 1kg.
Bên cạnh đó thì cũng có những lý do khác như khoảng trống để viết trên thẻ tre bị hạn chế rất nhiều, các thẻ đóng thành cuộn sau đó cũng rất dễ bị bung ra sau một thời gian sử dụng hay thậm chí cả việc dễ bị mối, mọt cũng là những nguyên nhân dẫn tới việc sách thẻ tre ngày càng trở nên ít phổ biến hơn.
TinhHoa tổng hợp