Sa mạc lớn nhất thế giới từng xanh tươi 8.000 năm về trước
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, có bằng chứng cho thấy con người từng sinh sống rộng rãi ở Sahara trong thời kỳ ‘ẩm ướt’ của hoang mạc này vào khoảng 8.000 năm trước.
Qua phân tích trầm tích biển, các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona (UA) đã xác định được lượng mưa ở Sahara trong khoảng 6.000 năm trước. Theo đó, nhóm nghiên cứu tại UA đã xác định được kiểu khí hậu có thể tạo ra một “Sahara xanh” vào khoảng 5.000 đến 11.000 năm trước. Và khi đó, nơi đây có lượng mưa cao gấp 10 lần ngày nay.
Thời điểm đó, sa mạc Sahara là nơi cư trú của những bộ lạc săn bắt, hái lượm, họ sống bằng nguồn thức ăn từ động vật và cây cỏ trên những khu rừng nguyên sinh cách đây 5.000 – 11.000 năm.
Tác giả chính của bài báo, Jessica Tierney từ Đại học Arizona, nói: “Sahara từng có độ ẩm cao gấp 10 lần ngày nay. Lượng mưa trung bình hàng năm ở nơi đây dao động từ 35-100mm”.
Mặc dù các nghiên cứu khác cũng xác định được Sahara từng có một thời kỳ xanh tươi, nhưng Tierney và cộng sự còn phát hiện khu vực này có một lượng mưa lớn liên tục trong 25.000 năm.
Thật thú vị, những bằng chứng khảo cổ học cho thấy con người từng sinh sống rộng rãi ở Sahara trong suốt thời kỳ ẩm ướt, nhưng dần dần bỏ đi khoảng 8.000 năm trước.
Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng Sahara trở nên khô hơn vào thời điểm con người bỏ đi, nhưng bằng chứng đã bị bỏ lửng, theo Tierney, giáo sư địa chất tại UA.
Theo nghiên cứu mới này, số liệu về lượng mưa mà nhóm nghiên cứu thu thập được cho thấy có một khoảng thời gian kéo dài 1.000 năm, tức là vào khoảng 8.000 năm trước, vùng đất này đã trở nên khô cằn hơn, trùng với thời điểm người ta bỏ đi.
Tierney nói: “Có vẻ như 1.000 năm khô cằn đã khiến người ta phải rời đi”.
“Điều thú vị là con người đã trở lại vùng đất khô hạn này với 1 hình thức sinh sống khác, đó là chăn nuôi gia súc. Thời kỳ khô cằn đã chia cắt văn hóa con người thành 2 phần khác nhau (chăn nuôi gia súc thay vì săn bắt hái lượm như trước đây). Tài liệu của chúng tôi cũng cho thấy việc thay đổi khí hậu đã ảnh hưởng như thế nào đến nghề nghiệp và lối sống ở phía Tây Sahara”, Tierney nói.
Theo UA News, thay vì trầm tích hồ, Tierney và các đồng nghiệp đã sử dụng các lõi trầm tích biển lấy từ bờ biển Tây Phi tại bốn địa điểm khác nhau. Vì các lõi trầm tích được lấy cách nhau khoảng 1.300 km, từ ngoài khơi Cape Ghir, Ma-rốc, đến góc phía Tây Bắc của Mauritania, nên chúng cho thấy cả lượng mưa cũng như phạm vi của “Sahara Xanh” thời xưa.
Hoàng An biên dịch