Rơi nước mắt chuyện bát cơm 5 ngàn của cậu bé nghèo vùng cao
Đôi khi chúng ta vẫn thường oán trời trách đất, rằng tại sao cuộc sống của mình lại nhiều khó khăn, khổ sở đến vậy. Nhưng hãy thử nhìn xung quanh mà xem, còn biết bao cảnh đời, nếu so với họ bạn vẫn còn là may mắn…
Hôm nay đi vào 1 quán cơm bình dân gần viện Yên Bái, tôi gọi 1 suất cơm với đầy đủ những gì được gọi là “sang nhất”. Ngồi xuống bàn ăn, nhìn đĩa cơm đầy ụ và nghĩ ăn sao cho hết.
Một cậu bé cũng bưng 1 đĩa cơm xuống ngồi cùng, nhìn gương mặt hốc hác, làn da ngăm đen, mặc chiếc áo thổ cẩm mỏng tanh và đôi dép lê tổ ong chỉ còn chút xíu nữa là đứt hết, cách ăn mặc của em cũng đoán là người dân tộc vùng cao.
Xót xa hơn là nhìn đĩa cơm chỉ có rau bắp cải luộc, lèo tèo một hai miếng đậu phụ lẫn mình trong màu trắng của chút xíu cơm.
“Em ăn ít thế?”
“Dạ, chỉ 5 nghìn tiền cơm nên được bấy nhiêu thôi anh”.
Bất giác giật nhìn xuống đĩa cơm của mình, đĩa cơm 40 nghìn và đĩa cơm 5 nghìn.
“Em ở đâu, xuống thành phố làm gì?”.
“Nhà em ở Mù Cang Chải, em xuống chăm mẹ em đang bị bệnh trong viện. Bố em đi nương trong rừng sâu, chăm dãy ngô để bán lấy tiền chữa bệnh cho mẹ”.
“Nhưng em ăn ít vậy sao trông nổi mẹ?”.
“Mỗi bữa em chỉ dám ăn thế này thôi, còn để tiền lo cho mẹ, em ra đây ăn rồi tiện mua cháo cho mẹ luôn”, vừa nói cậu bé vừa chỉ tay vào chiếc âu nhựa đựng cháo.
“Mẹ em bệnh nặng lắm, người ta bảo phải xuống viện mới chữa được, ở nhà uống thuốc lá cây không khỏi được đâu, nhà em phải bán con trâu rồi, năm nay ngô cũng không được mùa, cái mưa, cái lạnh lam cho cả bản em khổ. Mỗi ngày em chỉ dám tiêu 14 nghìn thôi. 5 nghìn mua cơm ăn bữa trưa này, 2 nghìn cháo sáng cho mẹ, 2 nghìn cháo trưa với 5 nghìn cháo chiều hai mẹ con cùng ăn”.
Tự nhiên thấy cay sống mũi quá, chẳng lẽ trên đời này nhiều người khổ thế, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra. Gắp vội mấy miếng thịt sang đĩa cơm cậu bé:
“Em ăn đi, anh không ăn hết được, em cứ ăn tự nhiên, đừng ngại”.
Tôi trút một nửa đĩa cơm sang cho cậu bé, mắt cứ nhòa theo đĩa cơm trắng: “Em cứ ăn hết đi, hết anh lại gọi”.
“Em cảm ơn anh, em không ăn hết được, để lát em mang vào cho mẹ ăn cùng”.
Đến lúc này thì chỉ còn biết trước mặt mình đĩa cơm đã hóa long lanh. Em còn lo cho cả mẹ trong những lúc đói khát. Em đáng mặt hơn hàng trăm, hàng vạn người ngoài xã hội kia coi cha mẹ như cỏ rác, mắng chửi, dọa nạt, hay nói đúng hơn là bất hiếu.
“Em còn đi học không, học lớp mấy rồi?”.
“Em không, em học hết lớp 3 thôi, rồi phải nghỉ, nếu còn đi học thì năm nay em học lớp 6 rồi đấy. Cô giáo ở bản cũng đến nhà khuyên em đi học, nhưng nếu em đi, mẹ em biết làm thế nào, tiền đâu mà đi học, em thèm cái chữ lắm, muốn đi học lắm, nhưng thôi để khi nào em không nghèo nữa”.
Cậu bé nhanh chóng ăn và vội đứng dậy: “Em phải vào đây không mẹ chờ”.
Thấy cậu bé vội vàng, tôi dúi vào tay cậu một trăm nghìn: “Đây, anh không có nhiều, em cầm lấy mua cháo cho mẹ”, cậu bé khước từ và không dám nhận.
“Không sao đâu, anh cho, coi như anh cho mượn, sau này em giàu, mà có duyên gặp lại thì trả anh cũng được”.
Nhanh tay tôi giành chiếc âu đựng cháu của cậu vào bảo bà chủ quán cho đầy một âu rồi đưa cho cậu bé.
“Em cứ vào với mẹ đi, anh thanh toán cho”.
Thấy mắt cậu bé rưng rưng, rồi nhẹ nhàng nói: “Em cảm ơn, cảm ơn anh đã cho em một bữa no bụng, cảm ơn anh”.
Không em à, anh mới phải cảm ơn em, cảm ơn em đã cho anh một cảm nhận, một góc khuất của những người trên bản cao. Hy vọng mọi điều tốt lành sẽ đến với em và gia đình. Sống mũi còn cay khi nghe những gì em nói, dắt xe khỏi quán, đầu còn vương vấn hình ảnh em, một người con hiếu thảo.
Nữ nhà văn Mĩ Helen Keller từng nói rằng: “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Cuộc sống, có rất nhiều cảnh đời còn bất hạnh hơn chúng ta, hãy cảm ơn cuộc đời vì bản thân vẫn còn may mắn.
Sưu tầm