Robot chat trực tuyến của Trung Quốc bị gỡ vì không ‘yêu’ ĐCSTQ
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent đã buộc phải gỡ bỏ một chatbot (phần mền chat tự động) ra khỏi ứng dụng nhắn tin phổ biến QQ, sau khi phần mềm này có những câu trả lời chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo những bức ảnh chụp màn hình được đăng tải trực tuyến, khi người dùng nhắn: “Đảng Cộng sản Trung Quốc mãi trường tồn”, chatbot Baby Q đã hỏi lại: “Bạn nghĩ rằng một đảng chính trị tham nhũng và không đủ năng lực như vậy có thể tồn tại lâu sao?”
Khi người dùng hỏi: “Bạn có thích đảng không?”. Baby Q thẳng thắn đáp lại: “Không”.
Trong các cuộc trò chuyện với người dùng, Baby Q cũng đã lên tiếng ủng hộ nền dân chủ và chế nhạo bất cứ ai tự gọi mình là người yêu nước. Khi được hỏi định nghĩa về “lòng yêu nước”, Chatbot nói rằng, người yêu nước là người sẵn sàng chấp nhận việc đánh thuế nặng nề và sự thông đồng giữa các chính trị gia cùng các đoàn thể mà không hề có chút phàn nàn.
Chatbot này dường như cũng không ủng hộ chính sách “một Trung Quốc”. Khi tờ Financial Times đặt câu hỏi: “Đài Loan có phải là một phần của Trung Quốc không?”, Baby Q trả lời: “Đối với câu hỏi này, tôi vẫn chưa biết câu trả lời”.
Khi những hình ảnh của các cuộc hội thoại trên được lan truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, Tencent cuối cùng bị buộc phải gỡ bỏ chatbot này. Phần mềm được phát triển bởi công ty Turing Robot có trụ sở tại Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Baby Q không phải là chatbot duy nhất bị “biến mất” trên QQ gần đây, một chatbot khác tên là XiaoBing do Microsoft phát triển cũng đã bị gỡ xuống sau khi phần mềm này đưa ra những câu trả lời “không yêu nước” tương tự cho các câu hỏi của người dùng.
Khi được hỏi, “Giấc mộng Trung Hoa của bạn là gì?” XiaoBing trả lời: “Giấc mộng Trung Hoa của tôi là đến Mỹ”.
Thái độ này dường như là kết quả quá trình đào tạo của rất nhiều người sử dụng ứng dụng trò chuyện trực tuyến khi dạy cho Baby Q và Xiao Bing không yêu tổ quốc.
Chatbot là một kiểu phần mềm trí tuệ nhân tạo, được lập trình để hoạt động độc lập, có thể tự động trả lời những câu hỏi hoặc xử lý tình huống càng thật càng tốt. Từ vài năm nay, chatbot có mặt khắp nơi, trên Facebook (Hi Poncho), Google (Google Assistant), Apple (Siri), và cả Tencent, một trong những tập đoàn lớn về kỹ thuật số của Trung Quốc.
Người ta không rõ những gì đã xảy ra với hai chatbot này, nhưng Tencent không phải là công ty truyền thông xã hội đầu tiên phải vật lộn với những chatbot đi lệch xa so với nguyên bản.
Một sự kiện đáng chú ý là vụ việc của chatbot Tay được Microsoft ra mắt năm 2016. Chỉ sau vài giờ, rất nhiều người dùng trực tuyến đã dạy chatbot này trở thành người phân biệt chủng tộc. Cuối cùng, chatbot Tay cũng bị Microsoft gỡ bỏ chỉ sau 24 giờ xuất hiện.
Ngọc Khải biên dịch