Resonantia – Bộ ảnh cho thấy 12 nốt nhạc trông như thế nào
Nhằm truyền cảm hứng cho người xem về mối tương quan giữa 2 khái niệm hình và âm, 2 nghệ sĩ Jeff Louviere và Vanessa Brown đã cho ra đời bộ ảnh 12 nốt nhạc – Resonantia.
Nhận thấy rằng mỗi nốt nhạc sẽ tạo ra một hình ảnh riêng trong môi trường chất lỏng, 2 nghệ sĩ Louviere và Brown đã tiến hành thử nghiệm rải bột mịn và nước lên trên đĩa rung, sau đó đánh lên các nốt nhạc nhằm tạo ra dao động tại các tần số khác nhau và dùng máy ảnh để chụp lại khoảnh khắc dung dịch đang “nhảy múa” theo các hình thù độc đáo.
Vậy làm thế nào 2 nghệ sĩ trên chọn được thời điểm chụp ảnh khi dung dịch bột bên dưới rung động? Louviere đã sử dụng một bộ phát tần số trên máy tính, một tuner cho đàn guitar, một chiếc amply và đặt toàn bộ ngay bên dưới một đĩa nhựa. Sau đó, anh sẽ làm nước rung động với amp bằng cách điều chỉnh tần số của bộ phát, rồi sử dụng tuner để tìm ra tần số của 12 nốt nhạc.
Trong khi đó, Brown đứng trên một chiếc thang để điều chỉnh hệ thống đèn, đồng thời cầm máy ảnh. Khi tuner chỉnh đã đúng một nốt, thí dụ như tạo ra nốt la, tương ứng với tần số 220 Hz, Louviere sẽ ngừng chỉnh. Lúc đó âm la sẽ liên tục tạo nên những họa tiết trên bề mặt chất lỏng và Brown chụp lại.
Không dừng lại ở đó, nhóm 2 nghệ sĩ còn scan những bức ảnh chụp được lên máy tính, rồi dùng một phần mềm Photo Sounder để chuyển chúng trở lại thành âm thanh. Sau đó, họ tiếp tục trộn các file âm thanh này lại thành một đoạn âm thanh và quá trình này cứ lặp lại với các tùy chỉnh khác nhau để hình thành nên vô số các “bức tranh âm nhạc” khác nhau.
Họ cho biết, đây chính là quá trình dịch những âm thanh thành hình ảnh, cho phép người ta có thể thật sự “thấy” âm thanh: “Tất cả những gì bạn thấy là âm thanh. Tất cả những gì bạn nghe là hình ảnh“.
Kỹ thuật trên được gọi là cymatic (tiếng Hy Lạp có nghĩa là “sóng”). Nó thường được áp dụng trong quá trình nghiên cứu âm học, không chỉ mới đây mà từ thời của Galileo.
Vào năm 1680, nhà vật lý người Anh Robert Hooke đã lần đầu tiên quan sát được cái gọi là “hoa văn nút” (nodal patterns) khi ông kéo một cái vĩ trên đĩa kính để tạo ra dao động. Tuy nhiên mãi cho tới năm 1787, nhà vật lý người Đức Ernst Chladni mới lần đầu tiên chuẩn hóa kỹ thuật trên một cách hoàn hảo. Do đó người ta còn gọi những hình ảnh từ âm thanh này là “Chladni figures”
Tuy nhiên, có giai đoạn các nhà khoa học đánh giá những hình ảnh này là vô nghĩa, không có lợi ích khoa học. Mãi tới những năm 1960, khi nhà vật lý Hans Jenny chứng minh rằng những hình ảnh này chính là một cách biểu thị “năng lượng của các dao động” vốn không thể quan sát bằng mắt thường.
Dưới góc độ nghệ thuật, những hình thù này thoạt đầu trông có vẻ kỳ dị nhưng quan sát kỹ hơn, người ta bắt đầu cảm nhận được vẻ đẹp của nó trong sự liên kết với âm nhạc. Đây cũng chính là những hình ảnh đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà soạn nhạc, tác giả và nghệ sĩ.
Một video khác về hình ảnh của âm nhạc:
Theo Tinh Tế