Quảng Nam: Hơn 6000 công nhân đình công tại KCN Tam Thăng
Bức xúc vì tiền thưởng Tết bị cắt giảm, thời gian nghỉ Tết tính trừ vào ngày nghỉ phép, tăng ca ngày nghỉ nhưng tính lương ngày thường,… Công nhân của hai công ty ở Quảng Nam đồng loạt nghỉ việc để phản đối.
Sáng nay (12/1), công nhân Công ty TNHH một thành viên Panko Tam Thăng và Công ty TNHH một thành viên Moon Chang Vina (đóng ở Khu công nghiệp Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã đình công phản đối việc bị cắt giảm tiền thưởng cũng như thời gian nghỉ Tết ngắn.
Tại Công ty Panko có khoảng 5.000 công nhân ở các dây chuyền may 1, 2, 3, 4, xưởng dệt, xưởng nhuộm ngưng việc tập thể. Theo đại diện công nhân, chiều qua công ty thông báo tiền thưởng Tết cho công nhân nhưng mức thưởng bị cắt giảm.
“Trong hợp đồng lao động ghi rõ nếu công nhân làm đủ thời gian trong năm sẽ nhận được tiền thưởng Tết là một tháng lương cơ bản. Thế nhưng, nhiều người làm đủ năm mà công ty chỉ thưởng một nửa, một phần ba; người không làm đủ thì bị cắt giảm không rõ ràng”, một công nhân phản ánh.
“Công ty đưa ra chính sách nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 27 đến mùng 7 âm lịch, tuy nhiên, thời gian nghỉ bị trừ vào nghỉ phép của năm. Việc này đã gây bức xúc cho công nhân”, một công nhân khác thông tin thêm.
Nằm cạnh Công ty Panko Tam Thăng, sáng cùng ngày, gần 600 công nhân của Công ty Moon Chang Vina nghỉ việc vì cho rằng bị công ty tăng ca, ép thời gian làm việc quá giờ theo quy định nhưng không được tăng lương.
Theo công nhân, một tuần công ty tăng ca năm ngày, mỗi ngày ba giờ; mỗi tháng tăng ca làm ba ngày chủ nhật nhưng tiền lương bị tính như ngày thường.
“Công nhân làm ngày nghỉ thì phải tăng tiền, đằng này công ty tính như ngày bình thường là không chấp nhận được. Ngoài ra, đến thời điểm này, công ty chưa có tiền thưởng Tết cho chúng tôi”, một nữ công nhân nói.
Công nhân của hai công ty trên cũng cho rằng, lương tối thiểu đã tăng từ ngày 1/1, nhưng doanh nghiệp chưa tính cách tăng lương cho họ được rõ ràng.
Theo ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi được lãnh đạo công ty giải đáp các thắc mắc và hứa khắc phục những vấn đề bất hợp lý trong thưởng, nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, hàng ngàn công nhân của 2 Công ty Panko Tam Thăng và Công ty TNHH MTV Moon Chang Vina tại Khu công nghiệp Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã đồng ý đi làm trở lại vào chiều nay (12/1).
Cũng trong sáng nay, ông Trần Thanh Hải – phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tại hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết năm 2017, xu hướng ngừng việc tập thể có dấu hiệu gia tăng. Cả nước đã xảy ra 314 vụ ngừng việc tập thể (tăng 28 vụ so với 2016) và các đợt ngừng việc đều liên quan đến tiền lương, thưởng…
Theo ông Hải, không chỉ tăng về số vụ, việc ngừng việc tập thể đang có sự dịch chuyển về địa bàn.
Cụ thể, trong khi Đồng Nai, TP.HCM, Long An, Nghệ An… giảm về số vụ, thì nhiều địa bàn như Bình Phước, Bến Tre, Quảng Nam, Phú Thọ, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Thái Bình lại tăng khá nhanh.
“Hầu hết các cuộc ngừng việc tập thể đều có nguyên nhân liên quan đến lương, thưởng và chỉ tập trung vào các tháng đầu năm 2017. Đặc biệt, gần đây có nhiều cuộc ngừng việc tập thể có dấu hiệu tác động phức tạp từ bên ngoài quan hệ lao động…” – ông Hải nói.
Về việc làm, tiền lương, ông Hải cho biết năm 2017 có gần 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tạo việc làm cho 1,1 triệu lao động. Thu nhập của người lao động đạt bình quân 5,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,2% so với 2016.
Tuy nhiên, thu nhập tăng chỉ do lương tối thiểu vùng và lương cơ sở tăng theo quy định của Chính phủ. Thu nhập tăng nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu tối thiểu nên rất nhiều lao động phải chấp nhận tăng ca, làm thêm giờ để tìm nguồn thu nhập bổ sung, trang trải cuộc sống.
Tình trạng nợ lương tuy có giảm, nhưng vẫn xảy ra ở một số địa phương, doanh nghiệp với tổng số tiền trên 320 tỉ đồng. Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền BHXH vẫn diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền 5.700 tỉ đồng (chiếm 3,3% số phải thu)…
Ngân Ca (t/h)