Quan chức quân đội cấp cao bị bắt, ngày xét xử Giang Trạch Dân không còn xa
Theo báo chí Trung Quốc đưa tin, gần đây, nhiều tướng lĩnh quân đội, cùng các cộng sự liên tục bị bắt giữ, cho thấy động thái thanh trừ phe cánh ông Giang Trạch Dân đang được ông Tập Cận Bình đẩy mạnh.
Tạp chí Thế giới và Thời báo Hoa Nam đưa tin, vào ngày 20/5, thiếu tướng Liêu Tích Tuấn đã bị bắt. Động thái này đã được phê chuẩn bởi Viện kiểm soát Quân ủy Trung Ương, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình. Các nhân viên điều tra đã khám xét tài sản của Liêu và tịch thu khoảng 37 triệu Nhân dân tệ (khoảng 5,6 triệu USD) tiền mặt, cùng vàng và các món đồ có giá trị khác.
Một tuần sau, Tạp chí Thế giới báo cáo: “Thiếu tướng Chu Tân Kiến, hiện đang là một thành viên của Ủy ban khoa học và công nghệ trong quân đội trung ương bị bắt giữ”.
Việc bắt giữ Liêu Tích Tuấn và Chu Tân Kiến đóng vai trò quan trọng, bởi vì họ có quan hệ mật thiết với hai quan chức quân sự hàng đầu. Liêu Tích Tuấn là em trai của cựu lãnh đạo Tổng cục Hậu cần Liêu Tích Long, trong khi Chu là thư ký của cựu giám đốc Tổng cục Vũ khí Lý Kế Nại.
Đồng thời, hai quân sự cấp cao này là đối tác chính trị của Giang Trạch Dân – cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong một thời gian dài.
Xây dựng quyền lực
Trong chế độ do Đảng cộng sản Trung Quốc thiết lập, có sự tách biệt giữa các chức vị và quyền lực – vế sau (quyền lực) được dùng để đánh giá một lãnh đạo có thực quyền hay không, và nó không được hiến pháp hay pháp luật chế ước. Trường hợp gần đây nhất là trường hợp cựu chủ tịch Trung Quốc ông Hồ Cẩm Đào dù giữ vị trí lãnh đạo, nhưng mọi quyền lực đều nắm trong tay Giang Trạch Dân.
Vì vậy, Giang đã phải dùng hơn một thập kỷ, sau khi chính thức trở thành người đứng đầu Ủy ban Quân sự Trung Ương để xây dựng bè cánh, củng cố địa vị và quyền lực.
Tại 1 hội nghị chính trị quan trọng trong năm 2002, Giang thăng chức cho người trung thành Liêu Tích Long làm Giám đốc Tổng Cục Hậu cần, một trong những vị trí quan trọng của quân đội Trung Quốc. Lý Kế Nại, một người thân tín khác, được bổ nhiệm làm giám đốc của Tổng Cục Vũ khí, 1 cơ quan mới được thành lập bởi Giang vào năm 2012, mục đích để tăng cường độ tầm ảnh hưởng của Giang trong Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Liêu và Lý từng đóng vai trò chủ chốt trong quân đội Trung Quốc, và là 2 trong số nhiều quan chức tham gia thúc đẩy và duy trì chiến dịch đàn áp của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công, đây được cho là chiến dịch lạm dụng nhân quyền trầm trọng nhất xảy ra ở Trung Quốc.
Sắp đặt chính trị
Năm 1999, Giang Trạch Dân phát động chiến dịch “tiêu diệt” các học viên Pháp Luân Công, một môn thực hành thiền định truyền thống phổ biến tuân theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Trong một bức thư gửi tới các nhà lãnh đạo Đảng vào tháng 4/1999, Giang mô tả Pháp Luân Công là “biến cố chính trị nghiêm trọng nhất” kể từ sự kiện Thiên An Môn diễn ra năm 1989.
“Cuộc vận động đàn áp Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân ngay từ đầu đã vấp phải sự phản đối của các quan chức cấp cao, “Khi nói đến đàn áp Pháp Luân Công, 6 trong số 7 thành viên của Ủy ban Thường vụ đã lên tiếng phản đối.
Sau đó, Giang tìm sự giúp đỡ từ chỉ huy của Quân khu Thành Đô Liêu Tích Long. Nhận thấy được những cơ hội thăng tiến, Liêu đã giám sát việc làm giả các tài liệu vu cáo các học viên Pháp Luân Công “tham gia vào chính trị” và âm mưu “lật đổ Đảng”. Giang đã sử dụng các tài liệu này nhằm thuyết phục các quan chức khác nhằm thông qua các chiến dịch của mình. Tháng 7/1999 cuộc đàn áp Pháp Luân Công có mô tuýp như Đại Cách mạng Văn hóa được triển khai“, theo Epoch Times năm 2007.
Hoạt động trong bóng tối
Cuộc bức hại Pháp Luân Công đã kéo dài gần 17 năm. Minghui.org, một trang mạng chuyên tiếp nhận thông tin trực tiếp về cuộc bức hại Pháp Luân Công, cho biết: “Hàng trăm ngàn học viên bị giam cầm, trong số đó đã xác định danh tính chính xác hơn 3.900 học viên đã bị chết vì bị tra tấn và mổ cắp nội tạng, do sự khó khăn trong tiếp cận thông tin, nên con số thực tế có thể nhiều hơn rất nhiều“.
“Giang đã có thể leo thang chiến dịch cá nhân của mình vì ông đã hứa mang lại sự giàu có và cấp bậc cao cho các quan chức Đảng có đóng góp vai trò tích cực trong việc bắt giữ và buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của mình. ‘Các anh phải cho thấy sự cứng rắn trong việc xử lý Pháp Luân Công… nó sẽ là vốn chính trị của các anh sau này’, Giang đã nói như thế với ủy viên Bộ Chính trị đầy tham vọng Bạc Hy Lai“, theo nhà báo Khương Duy Bình, người từng đoạt giải Giải Tự do Báo chí Quốc tế.
Các cán bộ Đảng tham gia tích cực vào cuộc đàn áp, luôn được Giang Trạch Dân trọng dụng và bổ nhiệm các vị trí quan trọng. Tiêu biểu là Lý Kế Nại từ Tổng cục vũ khí sau được bổ nhiệm vào nơi uy tín nhất là Tổng cục Chính trị. Ông cũng được bổ nhiệm làm người đứng đầu của “Phòng 610”, một tổ chức đứng trên pháp luật giống như Gestapo, chuyên giám sát việc bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Trong suốt thời gian Liêu Tích Long làm trưởng Tổng cục Hậu cần, các bệnh viện quân đội thuộc bộ phận ông giám sát, đã tham gia vào các hoạt động thu hoạch nội tạng người còn sống hết sức ghê rợn.
Phát biểu với các nhà điều tra thuộc Tổ chức Thế giới điều tra về bức hại Pháp Luân Công (NGO) vào tháng 10/2014, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Tổng tham mưu Lương Quang Liệt cho biết Tổng Cục Hậu cần đã tham gia vào việc vận chuyển cơ quan nội tạng lấy từ các học viên Pháp Luân Công.
Năm 2015, Bạch Thư Trung, cựu Bộ trưởng Y tế của Tổng Cục Hậu cần, nói với các nhà điều tra nhân quyền rằng “Chủ tịch Giang Trạch Dân đã đưa ra một hướng dẫn để bán thận, lấy tiền cho các hoạt động duy trì bức hại Pháp Luân Công“, và nói thêm rằng bộ phận của ông đã làm rất nhiều việc bức hại Pháp Luân công “sau khi” Chủ tịch Giang ban hành mệnh lệnh.
“Chúng tôi trực tiếp kiểm soát các trường đại học y tế của quân đội, họ liên kết trực tiếp với Tổng cục Hậu cần của Quân đội Giải phóng Nhân dân, và họ nhận các đơn đặt hàng, vì Giang quan tâm rất nhiều đến vấn đề này” Bạch nói.
Các “Whistlerblower” (từ dùng để chỉ người tiết lộ cho các cơ quan chức năng các việc làm sai của tổ chức mà mình làm việc) đã phơi bày việc thu hoạch nội tạng sống vào năm 2006, và các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng có hàng trăm ngàn nạn nhân, phần lớn trong số họ là học viên Pháp Luân Công, đã bị giết để lấy nội tạng kể từ năm 2000.
Sự thanh trừng chính thức
Khi những thay đổi chính trị bất ngờ diễn ra ở Trung Quốc, nhiều quan chức tham gia bức hại lần lượt sa lưới.
Vương Lập Quân, cựu lãnh đạo cảnh sát ở Trùng Khánh và cánh tay phải Bạc Hy Lai, đã cố gắng đào tẩu đến sứ quán Hoa Kỳ tại Thành Đô, và tiết lộ cho người Mỹ âm mưu đảo chính của Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang.
Vương đã bị bắt sau khi đơn xin tị nạn chính trị của ông bị Đại sứ quán Mỹ từ chối. Không lâu sau, ông Bạc đã bị ông Tập Cận Bình thanh trừng.
Ông Tập bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng không lâu sau khi kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào làm lãnh đạo Đảng, và từng người một, các đồng minh và thân tín của Giang Trạch Dân đã bị điều tra và giam giữ.
Trong số những người này thì nổi bật nhất phải kể đến Lý Đông Sinh, cựu lãnh đạo của Phòng 610; tướng Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng; trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, một cán bộ Đảng đầy quyền lực mà nhiều người nghĩ rằng bất khả xâm phạm.
Trong trường hợp của Chu Vĩnh Khang, trợ lý cũ của ông đã bị bắt trước khi cuộc điều tra chính thức về Chu được công bố, và các ấn phẩm chính trị Hồng Kông liên tục đưa ra những đồn đoán cho rằng cơ quan kỷ luật nội bộ của Đảng đã thu thập được bằng chứng chống lại ông.
Những gì hiện đang xảy ra với Liêu Tích Long và Lý Kế Nại phản ánh các cuộc thanh trừng đối với Chu. Trợ lý cũ của Lý Kế Nại đã bị thanh trừng, và Liêu Tích Tuấn (em trai của Liêu Tích Long) được thông báo là đã bị giam giữ, cũng như con gái nuôi và tình nhân, theo ấn bản tiếng Trung Quốc của dịch vụ phát thanh truyền hình Đức Deutsche Welle.
Trong tháng 3, các ấn phẩm tin tức Trung Quốc ở nước ngoài báo cáo rằng Liêu Tích Long đã bỏ túi hơn 40 triệu Nhân dân tệ (khoảng 6 triệu USD) trong “quỹ đen” mà ông đã tích lũy được trong một khoảng thời gian 10 năm làm việc tại đơn vị kỷ luật nội bộ của quân đội.
Sự thay đổi quyền lực
Việc bắt giữ Liêu Tích Long và cộng sự của Lý Kế Nại đã mở ra một động thái mới của cuộc điều tra gần đây ở Thượng Hải, “cơ sở nhà lâu năm” của Giang. Thanh tra kỷ luật nội bộ Đảng vừa kết thúc 2 tháng điều tra đối với 28 cơ quan chính phủ ở Thượng Hải, trong đó nhiều người có mối quan hệ móc nối với các thành viên của gia đình ông Giang.
Trong năm 2015, đã có nhiều điều tra thăm dò các công ty quốc doanh được kiểm soát bởi Giang Miên Hằng và Giang Miên Khang (con trai lớn và con trai nhỏ của Giang Trạch Dân). Các thăm dò về các thành viên trong gia đình của một cựu lãnh đạo Đảng là điều vô cùng hiếm và đây là một dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình cuối cùng có thể đặt “dấu thập” cho chính Giang.
Một số thay đổi lớn trong quân đội cũng đã cho phép ông Tập Cận Bình loại bỏ ảnh hưởng kéo dài của Giang Trạch Dân và thay thế những người ủng hộ Giang bằng người của mình.
Vào tháng 1/2016, ông Tập Cận Bình giải thể Tổng cục Hậu cần và Tổng cục vũ khí, để tạo ra bộ phận mới là hỗ trợ hậu cần và Cục Phát triển thiết bị, sau đó bổ nhiệm Triệu Khắc Thạch và Trương Hựu Hiệp, hai vị tướng trung thành với ông, làm giám đốc của hai cơ quan mới này.
Zhengyi dịch từ Theepochtimes.com