Phục dựng “tình ca” từ kỷ Jura
Bản tình ca của một loài châu chấu đã tuyệt chủng từ 165 triệu năm trước vừa được các nhà khoa học phục dựng thành công.
Đây được coi là bản nhạc cổ xưa nhất từng được biết và ghi lại cho tới nay, trang Discovery News cho hay. Nó được tái dựng từ những đặc điểm trên cánh của một hóa thạch châu chấu tìm thấy ở vùng Đông bắc Trung Quốc. Lần đầu tiên, chúng ta có thể nghe được những thanh âm mà khủng long và các sinh vật thời tiền sử có thể nghe thấy trong rừng rậm ban đêm.
Theo các nhà cổ sinh vật học Jun-Jie Gu và Dong Ren của Đại học Capital Normal Bắc Kinh, châu chấu tạo ra âm thanh gọi bạn bằng cách cọ răng vào một bên cánh và cọ phần đuôi vào cánh còn lại. Tuy nhiên liệu đó có phải là cách mà tổ tiên của chúng tạo ra âm thanh hay không? Một giai điệu do châu chấu cổ đại nghe như thế nào? Đó vẫn là những ẩn số chưa có lời giải, cho tới trước nghiên cứu này. Jun-Jie Gu và Dong Ren đã nhờ đến sự giúp đỡ của hai chuyên gia côn trùng học của Đại học Anh và một chuyên gia hàng đầu về tiến hóa côn trùng của Mỹ khi phân tích một hóa thạch châu chấu được bảo toàn gần như nguyên vẹn từ giữa kỷ Jura. “Chúng tôi đặt tên cho loài châu chấu đó là Archaboilos Musicus và chúng đã tuyệt chủng từ 165 triệu năm trước”. Họ phát hiện thấy, ngay từ thời đó, loài châu chấu này đã phát ra một âm thanh trong, rõ ràng, to và trên một tần số duy nhất để gọi bạn. Đó là một thông điệp giúp “quảng cáo” về hình thức, chất lượng và vị trí của “ca sĩ” để châu chấu cái quyết định có nên đáp lại hay không. Các nhà nghiên cứu tin rằng A.musicus “hát” ở tần số 6,4 kHz khá thấp để truyền thông điệp được xa. Y Lam |
Theo VietnamNet